Mục đích của giải pháp là
tạo không khí sinh hoạt lớp vui vẻ, học sinh tham gia tích cực, hứng thú, giảm
bớt sự căng thẳng sau một tuần học tập. Sinh hoạt lớp không chỉ đơn thuần là tổng
kết đánh giá hoạt động trong tuần, xây dựng kế hoạch tuần tiếp theo mà còn lồng
ghép tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo giúp học sinh tự hình thành những kỹ
năng sống tích cực những phẩm chất đáng quý như: tính tự lập, kỹ năng thẩm mỹ,
ý thức bảo vệ môi trường, tinh thần đoàn kết, tình yêu thương, sẻ chia,… nhằm
đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là tạo ra những con
người Việt Nam phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, có những phẩm chất
cao đẹp, có các năng lực chung và phát huy tiềm năng của bản thân, làm cơ sở
cho việc lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời.
Tổ chức tiết sinh
hoạt lớp cuối tuần không phải là điều mới mẻ đối với giáo viên, nhất là
giáo viên chủ nhiệm. Sinh hoạt lớp là một loại hình hoạt động tập thể của học
sinh, được phân bố thời gian chính thức mỗi tuần 1 tiết, để học sinh tiến hành
những hoạt động giáo dục và xây dựng tập thể dưới sự hướng dẫn và cố vấn trực
tiếp của giáo viên chủ nhiệm. Thông thường, giờ sinh hoạt này gồm 3 hoạt động
cơ bản: Tổng kết đánh giá hoạt động trong tuần; xây dựng kế hoạch tuần tiếp
theo và giáo viên chủ nhiệm nhận xét đánh giá. Vì vậy, trong các tiết sinh hoạt
lớp hiện nay, giáo viên chủ nhiệm đi theo một quy trình có sẵn, lối mòn, không
khí nhàm chán, dẫn đến hiệu quả không cao. Nhằm thực hiện đổi mới phương pháp dạy
học và tạo không khí sinh hoạt lớp vui vẻ, học sinh tham gia tích cực, chúng
tôi tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Hoạt động trải nghiệm
sáng tạo (TNST) là hoạt động giáo dục, trong đó, từng cá nhân học sinh được trực
tiếp hoạt động thực tiễn trong môi trường nhà trường cũng như môi trường gia
đình và xã hội dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, qua đó phát triển
tình cảm, đạo đức, phẩm chất nhân cách, các năng lực…, từ đó tích lũy kinh nghiệm
riêng cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình. Hoạt động TNST được
tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau như trò chơi, hội thi, diễn đàn, giao
lưu, tham quan du lịch, câu lạc bộ, các công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật…Vì
vậy mà việc giáo dục học sinh thực hiện một cách tự nhiên, sinh động, nhẹ
nhàng, hấp dẫn, không gò bó, khô cứng và phù hợp với tâm sinh lý cũng như nhu cầu,
nguyện vọng của học sinh.
Thực hiện theo phương hướng
và nhiệm vụ năm học, tình hình thực tế tại đơn vị, chúng tôi thực hiện dạy học
TNST trong giờ sinh hoạt lớp gồm các nội dung như: Tạo dựng không gian lớp học
xanh - sạch - đẹp; tổ chức làm các sản phẩm thủ công bằng các vật liệu có sẵn; tập
làm giáo viên chủ nhiệm lớp trong một giờ sinh hoạt lớp. Qua các hoạt động giáo
dục TNST, chúng tôi chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, hình thành các năng lực
cốt lỗi, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh. Chúng tôi chọn các hoạt động
TNST trong giờ SHL gồm: Hoạt động tương tác; lao động công ích; hoạt động nhân
đạo.
Mục đích của hoạt động
TNST là tạo cơ hội cho HS trải nghiệm các hoạt động thực tiễn và giúp các em nhận
thức sâu sắc về ý thức bảo vệ môi trường, lòng yêu thương, chia sẻ. Từ đó rèn
luyện kỹ năng làm việc nhóm, phát triển ý tưởng sáng tạo, thẩm mỹ, ý thức bảo vệ
môi trường,…
Chúng tôi thực hiện các
hoạt động TNST trong giờ SHL theo nội dung chủ đề của từng tháng. Trong tiết
SHL, chúng tôi không bỏ qua phần tổng kết đánh giá hoạt động trong tuần; xây dựng
kế hoạch tuần tiếp theo, mà nhận xét đánh giá được tổ chức ngắn gọn khoảng 15
phút. Thời gian còn lại, chúng tôi tổ chức cho HS hoạt động TNST. Nội dung các
hoạt động TNST, chúng tôi thực hiện gồm có: Trang trí phòng học (thời gian thực
hiện đầu năm học); Hội thi làm lồng đèn (thời gian thực hiện trong tháng Trung
Thu); Một tiết làm giáo viên chủ nhiệm (thời gian thực hiện tháng 11); Làm hoa
Tết (thời gian thực hiện trong tháng giêng).
- Trong tháng đầu tiên nhập
học, chúng tôi hướng dẫn HS trang trí phòng học, gồm hoạt động làm bình hoa để
bàn giáo viên, hoa treo tường và hướng dẫn HS phân loại rác, để riêng giấy và
chai nhựa, bán phế liệu tích tiền làm quỹ lớp. Chúng tôi yêu cầu HS thực hiện
theo tổ (Mỗi tổ thiết kế một sản phẩm: tổ 1,2 làm bình hoa để bàn, tổ 3,4 làm
bình hoa treo tường) và giáo viên gợi ý HS chọn những vật liệu rẻ tiền, sử dụng
chai nhựa làm lọ trồng cây phát tài treo ở 4 cửa sổ lớp học. Hoạt động này giúp
HS ý thức gìn giữ cảnh quan trường học xanh -sạch - đẹp, ý thức bảo vệ môi trường
sống, phát triển năng khiếu thẩm mĩ.
- Trong tháng 9 (tháng 8
âm lịch) hướng dẫn HS làm lồng đèn, giáo viên hướng dẫn cách làm lồng đèn bằng
lon nước ngọt hoặc lon bia, mỗi tổ thực hiện 5 cái lồng đèn, sản phẩm làm được
các em sẽ gởi đến Đoàn trường tặng quà cho các em nhỏ vui Tết Trung Thu (Theo Kế
hoạch của Đoàn trường mỗi chi đoàn lớp tặng 10 lồng đèn). Hoạt động TNST này, giúp
HS cảm nhận được không khí của ngày Tết Trung Thu và hình thành kỹ năng hoạt động
nhóm, ý thức bảo vệ môi trường, tình yêu thương đối với các em nhỏ.
- Tháng 11, mỗi tuần cho
một cá nhân (tổ đề cử) trong vai giáo viên chủ nhiệm điều hành tiết sinh hoạt lớp
như đề ra giải pháp xử lý những trường hợp vi phạm nội quy, nêu những nội dung
thực hiện trong tuần. Giáo viên cho tập thể lớp bình bầu cá nhân trải nghiệm xuất
sắc nhất. Qua hoạt động TNST này giúp HS hình thành ý thức tổ chức kỹ luật tốt,
kỹ năng ứng sử giao tiếp, đặc biệt là hiểu và yêu quý, kính trọng giáo viên chủ
nhiệm nói riêng và thầy cô giáo nói chung, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo.
Để thực hiện hoạt động TNST, chúng tôi dự kiến trước một số tình huống HS vi phạm
trong tuần như không làm bài tập, không thuộc bài, bài kiểm tra có điểm dưới TB,
không đồng phục, nghỉ học KP, đi trể, cúp tiết,… và có bước tìm hiểu trước để
có định hướng giáo dục những trường hợp HS vi phạm và học sinh cá biệt (mất dụng
cụ học tập, HS vi phạm nội quy lặp lại nhiều lần,…). Cho HS trong vai giáo viên
chủ nhiệm tổ chức điều hành giờ SHL theo trình tự của 1 tiết SHL (nhận xét,
đánh giá, giải pháp cho những trường hợp vi phạm, những vấn đề được lớp đặt ra
trong tuần); còn 15 phút cuối tiết, giáo viên chủ nhiệm nhận xét chung (điểm mạnh
và hạn chế của HS trong vai GVCN, điều chỉnh giải pháp nếu chưa phù hợp).
- Tháng giêng, chúng tôi
tổ chức cho HS hoạt động TNST làm hoa Tết, GVCN hướng dẫn cách làm, mỗi tổ cùng
thực hiện 1 sản phẩm, các sản phẩm làm được các em bán, tiền lời thu được đóng
góp vào quỹ khuyến học của nhà trường. Giáo viên đánh giá năng lực của các tổ
qua sản phẩm được bán nhiều hay ít, và là căn cứ GVCN khen thưởng. Hoạt động trải
nghiệm này không chỉ giúp HS phát triển năng khiếu thẩm mĩ khéo tay hay làm mà
còn hình thành kỹ năng làm kinh tế (thu lợi nhuận từ sản phẩm do các em tự làm
ra, cũng như cách giới thiệu sản phẩm đến người dùng) nếu các em không có khiếu
làm hoa được thì giới thiệu, bán sản phẩm, và lợi nhuận thu được giúp HS biết
yêu thương chia sẻ với cộng đồng là bài học lớn nhất.