1. Tên sáng kiến: Rèn kĩ năng đọc cho học sinh lớp 5.
2. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Công tác giảng dạy.
3. Mô tả bản chất của sáng kiến
3.1 Tình trạng giải pháp đã biết
Trong những năm học gần đây, qua tìm hiểu tình hình học sinh của trường và đồng thời qua thực tế giảng dạy, tôi thấy kĩ năng đọc của học sinh chưa được tốt. Có nhiều em đọc còn yếu. Thậm chí học sinh lớp 5 còn đánh vần. Đọc chưa thể hiện được giọng đọc của thể loại văn tả, kể chuyện, kịch, lời đối thoại. Các em đọc chưa lưu loát, phát âm bị lẫn phụ âm đầu, thanh, vần, chưa biết cách đọc hiểu, dẫn đến việc cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn bản còn khó khăn. Điều này ảnh hưởng không ít đến việc học tập và cả kết quả giáo dục của lớp.
Học sinh có đọc thông thạo và trên cơ sở đã hiểu nội dung câu thơ, câu văn, đoạn thơ, đoạn văn thì các em mới thể hiện được cảm xúc, hiểu tường tận về nội dung và nắm được ý nghĩa giáo dục của bài.
Qua nhiều năm giảng dạy, tôi nhận thấy cần thiết phải có biện pháp làm sao cho hầu hết học sinh đều đọc tốt, vì đó là nền tảng để cho các em học tốt phân môn Tập đọc nói riêng và tất cả các môn học nói chung. Nó tạo ra hứng thú và động cơ học tập; giúp trẻ thêm tự tin trong giao tiếp và học tập. Chính vì vậy, dạy đọc có một ý nghĩa vô cùng to lớn ở bậc tiểu học.
Ưu điểm của giải pháp cũ
Các giải pháp trước đây đã nêu được trình tự của các bước khi dạy học sinh luyện đọc. Đồng thời, đưa ra những biện pháp giúp học sinh cảm thụ được nội dung bài đọc và một số cách luyện đọc tốt.
Nhược điểm của giải pháp cũ
- Chưa tìm hiểu kĩ để phân loại học sinh theo khả năng đọc từ đó có những giải pháp phù hợp để rèn luyện từng cá nhân học sinh giúp em tiến bộ hơn.
- Chưa có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đọc ở từng giai đoạn.
- Chưa có nhiều dẫn chứng thực tế trong giảng dạy đối với những bài khó trong việc luyện đọc.
- Chưa tạo cho học sinh sự thoải mái, ham thích đọc, học mà chơi, chơi mà học để giúp trẻ thêm tự tin trong giao tiếp và học tập.
3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến
3.2.1. Mục đích của giải
Bước đầu hình thành cho học sinh cách đọc đúng và phát triển cho các em cách đọc tốt kích thích trí tưởng tượng, gây hứng thú cho các em. Giúp học sinh có khả năng sử dụng, tiếp thu các nguồn thông tin, học sinh hứng thú đọc và đọc tốt hơn, cảm thụ tốt hơn. Góp phần làm cho tiết học sinh động, học sinh tích cực, không nhàm chán. Giúp các em học tốt tất cả các môn, nâng cao chất lượng dạy và học.
3.2.2. Nội dung của giải pháp
a) Những điểm khác biệt, tính mới của giải pháp so với giải pháp đã, đang được áp dụng
Rèn đọc không có nghĩa là chỉ bó buộc trong tiết Tập đọc mà qua giao tiếp cũng là một giải pháp giúp các em rèn đọc. Tạo cho học sinh sự thoải mái, ham thích đọc, học mà chơi, chơi mà học. Giúp trẻ thêm tự tin trong giao tiếp và học tập. Đọc tốt văn bản nghệ thuật giúp bồi dưỡng cho học sinh tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, yêu cái thiện, yêu lẽ phải và sự công bằng. Từ đó góp phần hình thành nhân cách, làm cho các em thêm yêu quý tiếng mẹ đẻ, có ý thức nói đúng, đọc đúng, câu văn được trau chuốt. Không những thế còn giáo dục các em biết giữ gìn, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
b) Các bước thực hiện của giải pháp
Trước hiện trạng đó, để rèn cho học sinh đọc tốt, đọc diễn cảm tôi đã nghiên cứu và vận dụng những giải pháp sau để nâng cao chất lượng đọc và học
tập của học sinh.
- Phân loại học sinh theo khả năng đọc
Qua tìm hiểu, điều tra để nắm chắc đối tượng học sinh và lựa chọn, đặc biệt là về kĩ năng đọc và phân loại học sinh theo ba đối tượng:
+ Đối tượng 1: Học sinh đọc tốt, thể hiện nội dung bài đọc qua giọng đọc (đọc diễn cảm).
+ Đối tượng 2: Học sinh đọc to, rõ, lưu loát nhưng chưa diễn cảm.
+ Đối tượng 3: Học sinh đọc nhỏ, đọc chậm, ấp úng.
Dựa vào kĩ năng đọc của từng học sinh mà sắp xếp chỗ ngồi cho các em đọc yếu ngồi cạnh những em đọc khá, đọc tốt để tạo thành đôi bạn cùng tiến. Ở từng chủ điểm tôi giới thiệu ý chính của chủ điểm được thể hiện trong các bài đọc để các em bước đầu nắm được ý nghĩa của bài đọc, cũng như yêu cầu cơ bản để từ đó các em rèn kĩ năng đọc đúng, đọc tốt hiệu quả hơn.
- Chuẩn bị trước khi luyện đọc
Do học sinh không luyện đọc trước bài tập đọc, nên các em thường đọc thêm chữ, bớt chữ và tốc độ đọc còn chậm. Giáo viên cần đôn đốc và nhắc nhở các em thường xuyên trong việc rèn luyện đọc. Chuẩn bị chu đáo bài dạy, dự tính các tình huống xảy ra trên lớp. Hướng dẫn học sinh tư thế ngồi học, làm chủ tia mắt, cách lấy hơi khi đọc làm cơ sở cho đọc đúng.
- Luyện đọc đúng
Để rèn kĩ năng đọc đúng cho học sinh thực hiện như sau: Gọi học sinh đọc mẫu, chia đoạn, cho học sinh đọc nối tiếp đoạn, đọc trong nhóm, nhóm đọc trước lớp, giáo viên đọc mẫu.
Lắng nghe giọng đọc của học sinh để phát hiện kịp thời những đối tượng phát âm sai, đọc sai để uốn nắn sửa chữa. Ví dụ: (Trong bài “Mùa thảo quả” - Tiếng việt 5 - tập 1, trang 113). Giáo viên lưu ý các từ học sinh dễ đọc sai như: Đản Khao, lướt thướt, Chin San, xòe lá, bỗng rực lên, say ngây, không gian... Đối với bài tập đọc có nhiều từ phiên âm tiếng nước ngoài tôi hướng dẫn cho các em bằng cách ghi từ đó lên bảng, đọc mẫu, học sinh luyện đọc để khi đọc vào văn bản các em đọc đúng, chính xác. Ví dụ: Dạy bài “Tác phẩm cũa Si-le và tên phát xít” (Tiếng việt 5 - tập 1, trang 58): Những tên riêng nước ngoài như: Si-le, Hít-le, Vin-hem Ten, Mét-xi-na, I-ta-li-a, Oóc-lê-ăng.
Quan tâm sát sao tới các em đọc còn yếu, tổ chức các hoạt động sao cho mỗi học sinh đều được đọc ( đọc thành tiếng, đọc thầm, đọc nối tiếp đoạn, đọc cặp đôi, đọc trong nhóm, đọc phân vai ). Động viên khuyến khích kịp thời với những em có sự tiến bộ để tạo sự hứng thú cho các em.
Đối với những bài văn xuôi, khi đọc, ngoài việc tìm những dấu câu đặc biệt (câu hỏi, câu cảm, câu khiến,…) để hướng dẫn học sinh đọc đúng, giáo viên còn phải chú trọng đến việc ngắt hơi ở những câu dài, không có dấu phẩy ta cần dựa vào nghĩa của từ để ngắt câu. Nhờ hiểu nghĩa và các mối quan hệ ngữ pháp mà học sinh đọc đúng chỗ ngắt giọng và ngược lại. Chỗ ngắt giọng cũng là một căn cứ để người nghe xác định được ý nghĩa, nội dung bài đọc. Muốn hướng dẫn học sinh đọc những câu này tôi đã tìm hiểu, soạn trước những câu văn dài, xác lập chỗ cần ngắt giọng hoặc những câu văn không dài nhưng học sinh khó xác lập được đúng cách ngắt, nghỉ.
Ví dụ: Bài “Những con sếu bằng giấy” Tiếng việt 5 - tập 1, trang 36.
Nằm trong bệnh viện / nhẩm đếm từng ngày còn lại của đời mình, cô bé ngây thơ tin vào một truyền thuyết nói rằng / nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh.
Đối với các em phát âm chưa chuẩn, tôi hướng dẫn các em cách phát âm, bật hơi, vị trí lưỡi, răng, môi để các em phát âm tốt hơn. Ví dụ như giúp các em phân biệt được cách phát âm giữa th/h, tr (cong lưỡi)/t (không cong lưỡi, đọc nhẹ). Ví dụ: trong trẻo, thôi, trói lại, hổng biết,…
Đối với các em phát âm còn lẫn giữa dấu hỏi và dấu ngã, tôi lưu ý các em rằng đối với những tiếng có thanh ngã các em cần đọc kéo dài hơn một chút so với tiếng có thanh hỏi. Ví dụ: gọn ghẽ, sặc sỡ, nghệ sĩ, cõng người, Lầu Ngũ Giác,…
- Luyện đọc lưu loát
Đọc lưu loát là nói đến tốc độ, không ê a, ngắt ngứ. Tốc độ đọc nhanh chỉ thực hiện khi đã đọc đúng. Khi đọc, phải chú ý xác định tốc độ để cho người nghe kịp hiểu. Nhưng đọc nhanh không phải là đọc liên tục, không ngừng nghỉ. Tốc độ chấp nhận được của đọc nhanh khi đọc thành tiếng trùng với tốc độ của lời nói (khoảng 120 tiếng/ phút). Khi đọc thầm, tốc độ sẽ nhanh hơn nhiều.
Muốn cho học sinh đọc nhanh, đúng tốc độ cần có sự chuẩn bị bài tốt, học sinh phải đọc trước nhiều lần.
Đối với các em đọc chậm, tôi tổ chức cho các em luyện đọc thêm trong giờ truy bài, sau giờ học.
Trên lớp, tôi hướng dẫn cho học sinh làm chủ tốc độ bằng cách đọc mẫu cho học sinh đọc thầm theo.
- Luyện đọc có ý thức (đọc hiểu)
Để giúp học sinh đọc, cảm nhận được văn bản thì trong giờ Tập đọc phải chú ý rèn luyện khả năng đọc hiểu cho học sinh. Đây là vấn đề cần thiết, quan trọng đối với học sinh lớp 5. Có hiểu được nội dung bài thơ, bài văn thì mới có cách đọc đúng, đọc tốt được. Việc luyện đọc hiểu thường được thực hiện trong bước đọc thầm. Như vậy, học sinh đã được đọc thầm nhiều lần trước khi phân tích nội dung bài học. Việc đọc thành tiếng và đọc thầm đã được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Để giúp học sinh đọc hiểu tốt, tôi thường sử dụng phương pháp đàm thoại, hỏi - đáp kết hợp nêu vấn đề, dẫn dắt, gợi mở, sử dụng đồ dùng trực quan giúp học sinh hiểu nghĩa của từ và nội dung của đoạn, bài.
Tôi hướng dẫn các em đọc thầm kết hợp với đọc thành tiếng một đoạn hoặc cả bài và trả lời câu hỏi. Để giúp các em hiểu được nội dung bài, tôi thường xem xét hệ thống câu hỏi, nếu cần có thể bổ sung hoặc xây dựng lại sao cho phù hợp với nhận thức của học sinh.
Trong quá trình hướng dẫn học sinh hiểu bài tập đọc, tôi cũng thường chú ý sửa cho học sinh đọc đúng tiếng, từ ; ngắt - nghỉ hơi đúng chỗ, để cho các em chuyển sang phần đọc diễn cảm tốt hơn.
- Luyện đọc diễn cảm
Đọc diễn cảm là một yêu cầu đặt ra khi đọc những văn bản văn chương hoặc có yếu tố của ngôn ngữ nghệ thuật. Đó là việc đọc thể hiện ở kĩ năng làm chủ ngữ điệu, chỗ ngừng giọng, cường độ đọc,… để biểu đạt đúng ý nghĩa và tình cảm mà tác giả đã gửi gắm trong bài đọc, đồng thời thể hiện sự thông hiểu, cảm thụ của người đọc đối với tác phẩm. Đọc diễn cảm thể hiện năng lực đọc ở mức độ cao và chỉ thực hiện được trên cơ sở đọc đúng, đọc lưu loát.
Nội dung của bài đọc quy định ngữ điệu của bài đọc nên tôi không bao giờ áp đặt sẵn giọng đọc của bài mà để học sinh tự nêu cách đọc và đọc trên cơ sở đã hiểu từ, hiểu nghĩa. Giáo viên chỉ lắng nghe, sửa cách đọc cho từng học sinh. Tôi luôn khuyến khích động viên học sinh cố gắng đọc diễn cảm.
Giúp học sinh tìm đúng và đọc đúng giọng: Vui, buồn, giận dữ, trang nghiêm, … phù hợp với từng ý cơ bản của bài đọc, phù hợp với kiểu câu, thể loại, đọc có cảm xúc. Giúp học sinh dần giải thích được tại sao với đoạn văn ấy em phải thể hiện giọng đọc như vậy. Qua đó cũng góp phần dạy học sinh cảm thụ văn học.
Đọc mẫu của giáo viên: Việc đọc mẫu của giáo viên cũng góp phần không nhỏ trong việc luyện đọc cho học sinh. Vì vậy, trước mỗi giờ dạy, tôi phải nghiên cứu nội dung bài dạy, tìm cách đọc hay nhất và tập đọc nhiều lần. Trên lớp, tôi chú ý đọc mẫu thật tốt để học sinh cảm thụ được bài học hiệu quả nhất.
Với bài Tập đọc miêu tả: Tôi hướng dẫn các em biết nhấn giọng ở từ ngữ biểu cảm, gợi tả, từ chỉ đặt điểm, tính chất có tác dụng làm nổi bật ý nghĩa của đoạn văn.
Với bài tập đọc là truyện kể: Tôi hướng dẫn các em đọc đúng lời của nhân vật và chuyển giọng linh họat cho phù hợp với từng nhân vật để làm rõ tính cách của nhân vật đó.
Để rèn khả năng đọc đúng các câu đối thoại, đúng giọng của các nhân vật, tôi tổ chức cho các em đọc phân vai theo nhóm, thi đua, bình chọn bạn, nhóm đọc hay nhất. Trên cơ sở đọc và sửa trong nhóm, đọc trước lớp, các em sẽ biết đọc đúng các câu đối thoại và biết thể hiện rõ tính cách của từng nhân vật.
Muốn đạt được những kết quả này đòi hỏi ở mỗi giáo viên cần làm được những việc như sau:
- Giáo viên phải là người đọc đúng chuẩn tiếng Việt, đọc hay, có sức thu hút học sinh. Rèn đọc từng bước một.
- Thực hiện tốt đặc trưng của bộ môn. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên luôn quan sát, kiểm tra, … từ đó phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc, hoặc những lỗi mà học sinh hay mắc phải để kịp thời sửa chữa, uốn nắn tận tình và thường xuyên.
- Phải phối hợp với phụ huynh kịp thời.
- Động viên các em bằng lời khen. Đổi mới đánh giá chú ý lời nhận xét trực tiếp. Với học sinh khen đúng sự tiến bộ để kích thích các em ngày càng đọc tốt hơn.
- Giáo viên cần phải không ngừng học hỏi, tự tìm hiểu, nghiên cứu để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Có nắm chắc kiến thức, giáo viên mới có thể giúp học sinh học tập một cách có hiệu quả.
- Một số biện pháp ngoài giờ dạy đọc:
+ Khuyến khích học sinh tham gia Câu lạc bộ đọc sách.
+ Tổ chức thi đọc diễn cảm, thi ngâm thơ vào cuối tuần. Giáo viên chuẩn bị một số bài học sinh bốc thăm thi đọc trước lớp, học sinh bình chọn bạn đọc tốt, đại diện luân phiên theo tổ.
+ Hướng dẫn học sinh tham gia phong trào phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.
+ Thi làm phát thanh viên của lớp.
+ Học sinh tham gia đọc sách báo và giới thiệu để giáo viên chọn đọc cho các bạn nghe vào giờ sinh hoạt lớp.
+ Tổ học nhóm đặt ra yêu cầu cho nhóm giúp đỡ các bạn đọc yếu, đọc tốt hơn.
+ Giao trước nhiệm vụ sẽ đọc trong giờ dạy đọc để học sinh đọc yếu chuẩn bị, học sinh sẽ đọc tốt hơn, căn cứ vào đó tuyên dương, khuyến khích giúp các em tự tin hơn. Cũng từ đó các em sẽ tự cố gắng.
3.3. Khả năng áp dụng của giải pháp
Qua thực tế áp dụng tôi thấy các giải pháp nêu trên có thể áp dụng cho tất cả các lớp khối 4, 5 trong trường cũng như các trường khác. Tùy tình hình của từng lớp mà áp dụng có hiệu quả.
3.4. Hiệu quả của việc áp dụng các giải pháp
Trong quá trình giảng dạy, với việc áp dụng các biện pháp trên tôi nhận thấy học sinh đã có tiến bộ khá rõ rệt:
Học sinh hứng thú học tập, hoạt động tích cực hơn, các em mạnh dạn tự tin hơn khi đọc bài. Số em đọc chưa đạt yêu cầu giảm đi. Số em đọc đúng, đọc diễn cảm được tăng lên.
Các em dần thích được đọc để thể hiện giọng đọc của mình.
Như vậy với một thời gian ngắn nhưng tôi nhận thấy biện pháp mà tôi đưa ra đã thu được kết quả thật khả quan. Nếu giáo viên áp dụng các biện pháp này một cách thường xuyên ở lớp thì chắc chắn chất lượng đọc của các em sẽ được nâng lên.
3.5. Tài liệu kèm theo: Không có.
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/