Skkn Nâng cao hiệu quả việc rèn đọc cho học sinh lớp một ở lớp 1 sách mới (20210

 


1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến:Nâng cao hiệu quả việc rèn đọc cho học sinh lớp một ở lớp Một

2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục (môn Tiếng Việt)

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu:

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.1. Tính mới của sáng kiến:

Dựa trên quan điểm: Hoạt động học tập của học sinh chỉ có thể đạt hiệu quả nếu học sinh tiến hành các hoạt động học tập một cách tích cực, chủ động, tự giác với một động cơ nhận thức sâu sắc. Bằng hoạt động học tập, mỗi học sinh tự hình thành và phát triển nhân cách của mình mà không ai có thể làm thay được. Chính vì vậy, tôi đã đầu tư thời gian nhằm lựa chọn phương pháp dạy  học cho phù hợp, thực sự năng động, sáng tạo, tìm tòi suy nghĩ, hình thức tổ chức dạy học sao cho mọi học sinh đều có niềm say mê hứng thú sinh khi luyện đọc để quá trình luyện đọc của học sinh mang lại hiệu quả tích cực.

Ở lớp Một, các em học sinh bắt đầu làm quen với các kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Trong đó, kỹ năng đọc là kỹ năng rất quan trọng. Bởi vì, nếu kỹ năng đọc được rèn luyện tốt, hình thành tốt ở các em nó sẽ giúp các em đọc tốt suốt cả cuộc đời, giúp các em phát triển tư duy, cảm nhận cái hay, cái đẹp trong mỗi bài học, hiểu được nghĩa của tiếng, từ mình vừa đọc, hiểu được các lệnh, các yêu cầu trong các môn học khác. Mặt khác, ở lớp Một các em được tập đọc thành thạo, đọc đúng, đọc trôi chảy thì khi lên các lớp trên các em sẽ học vững vàng, học tốt hơn. Và từ đó khơi dậy trong các em lòng đam mê, sự ham học, tích cực hơn trong học tập.

Trong quá trình dạy đọc ở lớp, tôi thấy học sinh còn nhiều hạn chế. Vì thế tôi đã suy nghĩ là phải làm thế nào để giúp học sinh luyện đọc tốt hơn, tích cực hơn trong khi đọc. Do đó tôi đã chọn đề tài: Nâng cao hiệu quả việc rèn đọc cho học sinh lớp một ở lớp Một

5.2. Nội dung sáng kiến:

5.2.1. Thực trạng: Năm học 2020 – 2021, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp Một 2. Đầu năm học, lớp tôi có đến 8 học sinh chưa thuộc chữ cái. Số học sinh lớp là 39 học sinh nên cũng có khó khăn trong việc quan tâm đến từng đối tượng học sinh. Đồng thời, học sinh lớp Một còn nhỏ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học và tự học. Một số học sinh nói tiếng địa phương nên khó khăn cho việc phát âm chuẩn và đọc đúng. Vì vậy, trong quá trình dạy học, tôi đã áp dụng nhiều biện pháp và học hỏi đồng nghiệp để giúp học sinh đọc tốt hơn. Và sau thời gian thực hiện, tôi cảm thấy rất hiệu quả.

5.2.2. Giải pháp thực hiện

5.2.2.1. Phân nhóm theo đối tượng:

Tôi phân lớp thành 3 nhóm:

- Nhóm hoàn thành tốt: những học sinh đọc tốt, chăm chỉ, có ý thức học tập tốt.

- Nhóm hoàn thành: những học sinh đọc được.

- Nhóm chưa hoàn thành: những học sinh chưa đọc được.

Ở nhóm hoàn thành tốt và nhóm hoàn thành tôi chọn 1 nhóm trưởng để điều khiển hoạt động học của nhóm.

Tôi giao nhiệm vụ cho các nhóm trưởng của hai nhóm hoàn thành tốt và hoàn thành và yêu cầu nhóm trưởng giao nhiệm vụ cho mỗi bạn học sinh. Nhiệm vụ của nhóm hoàn thành tốt có thể là từ, câu văn hoặc đoạn văn bản có mức độ khó nhiều hơn nhóm hoàn thành. Nhóm trưởng cho các thành viên trong nhóm lần lượt đọc.

Trong khi hai nhóm hoàn thành tốt và nhóm hoàn thành thực hiện nhiệm vụ học tập thì tôi là người trực tiếp kèm các bạn ở nhóm chưa hoàn thành.

Biện pháp này được tôi sử dụng trong các tiết ôn luyện. Thông qua quá trình làm việc nhóm, các em ở nhóm hoàn thành tốt và nhóm hoàn thành có cơ hội thể hiện bản thân. Các em không những đọc tốt hơn mà còn tăng thêm tình đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm. Còn đối với nhóm chưa hoàn thành thì các em được sự kèm cặp trực tiếp từ giáo viên nên các em sẽ nhanh tiến bộ. Bản thân tôi có sự quan tâm đặc biệt đến 8 em chưa thuộc bảng chữ cái. Luôn động viên, khích lệ kịp thời để tạo động lực giúp các em cố gắng trong học tập.

5.2.2.2.Hướng dẫn học sinh phát âm.

Hướng dẫn cách phát âm là phương pháp quan trọng hàng đầu, đòi hỏi người giáo viên phải có những hiểu biết, kinh nghiệm và cả kĩ năng hướng dẫn tốt. Khi hướng dẫn học sinh phát âm, cần dùng lời nói mạch lạc, đơn giản để học sinh dễ hiểu và có thể tự mình phát âm đúng. Đối với những âm, vần, tiếng dễ nhầm lẫn, giáo viên cần phải so sánh, phân tích cụ thể cách phát âm.

- Học sinh phát âm l thành n: Luyện âm l cho học sinh bằng cách hướng dẫn các em cong lưỡi cho đầu lưỡi chạm sâu vào vòm miệng trên. Luyện âm n cho học sinh bằng cách hướng dẫn các em cong lưỡi cho đầu lưỡi chạm lợi trên, hơi thoát qua cả miệng lẫn mũi.

Ví dụ: Không đọc: “ne ne”, “nẻ noi”, … mà phải đọc: “le le”, “lẻ loi”

- Học sinh phát âm v thành d: Luyện phát âm v cho học sinh bằng cách hướng dẫn các em bặm môi và phát âm cho luồng khí phát ra từ từ. Luyện phát âm d cho học sinh bằng cách hướng dẫn các em đầu lưỡi gần chạm lợi, hơi thoát ra xát, có tiếng thanh.

Ví dụ: Không đọc: “dui dẻ”, “Bo có dở”, … mà phải đọc: “vui vẻ”, “Bo có vở

- Học sinh phát âm an thành ang: Hướng dẫn luyện phát âm vần an bằng cách đè lưỡi xuống và cuối cùng đầu lưỡi chạm vào vòm miệng trên. Hướng dẫn luyện phát âm vần ang bằng cách  lưỡi nhích về phía vòm miệng, hơi đọng ở hầu.

Ví dụ: Không đọc: “bàng bạc ”, “bạng học”, … mà phải đọc: “bàn bạc”, “bạn học

       - Tiếng có thanh hỏi: giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phát âm trầm, hơi luyến giọng, lên cao, kéo dài hơi. Có thể kèm theo động tác ngửa cổ hướng mắt lên trên.

       -  Những tiếng có thanh ngã đọc nhấn mạnh, hơi kéo dài, luyến giọng, lên cao giọng.

Bằng cách hướng dẫn nêu trên, học sinh có thể dễ dàng phát âm và đạt hiệu quả cao.

5.2.2.3. Giáo viên đọc đúng, đọc hay.

        Ở lứa tuổi học sinh tiểu học, các em luôn coi thầy, cô giáo của mình là thần tượng, là chuẩn mực. Đặc điểm tâm lí của học sinh ở lứa tuổi này là hay bắt chước và làm theo. Các em thích mình giống như thầy cô và người lớn. Các em thường “bắt chước” cô từ cách ăn mặc, đi đứng, cho đến lời nói, cử chỉ, chữ viết… Học sinh lớp 1 hằng ngày đến lớp chủ yếu được nghe giọng của giáo viên. Vì vậy giáo viên cố gắng cho học sinh nghe đúng, nghe hay thì việc học sinh đọc sai, viết sai từng bước được khắc phục. Muốn học sinh phát âm tốt thì giáo viên phải phát âm chuẩn xác. Do đó, người giáo viên phải:

   - Đọc bài nhiều lần để đọc tốt và hiểu thấu đáo nội dung bài đọc. Phải nghiên cứu xem trong bài đọc học sinh lớp mình thường mắc những lỗi nào?

   - Khi đọc mẫu giáo viên cần ổn định trật tự tạo cho học sinh tâm thế nghe, hứng thú nghe đọc và yêu cầu học sinh dò theo. Thỉnh thoảng giáo viên phải rời mắt khỏi sách nhìn lên học sinh nhưng không làm cho bài đọc bị gián đoạn.

  - Hoạt động đọc của giáo viên cũng như đang giao tiếp trực tiếp với học sinh. Vì vậy bên cạnh đọc đúng, đọc hay, giáo viên còn phải có kĩ năng đọc biểu cảm qua nét mặt và ánh mắt, qua cử chỉ và điệu bộ trong khi đọc. Chính điều này đã tác động tích cực đến học sinh, giúp các em cảm nhận văn bản bằng cả thính giác và thị giác. Từ đó, các em luyện đọc đạt hiệu quả hơn.

5.2.2.4. Rèn đọc thông qua các trò chơi:

Đổi mới phương pháp dạy học nhằm: “Phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh”. Một trong những biện pháp chủ yếu để đạt được mục đích trên là gây cho học sinh hứng thú học tập, tạo niềm tin, niềm vui bằng những trò chơi hấp dẫn, phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm lứa tuổi các em trong giờ học.chính vì thế trong các tiết học ở lớp tôi đa sử dụng nhiều trò chơi dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ví dụ trò chơi: Câu cá

Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị 1cái thùng giấy to, cần câu có gắn nam châm và những con cá xanh đỏ tím vàng được cắt từ  những tấm mút xốp có gắn âm, vần, từ, câu ở phía sau. Mắt cá gắn nam châm

Luật chơi: Giáo viên mời HS lên câu cá, HS câu được cá thì phải đọc âm, vần, từ, câu ở phía sau. Cứ như vậy cho đến khi trò chơi kết thúc.

Ngoài ra còn rất nhiều trò chơi khác như “Ai nhanh hơn?”, “bắn tên”, “rung chuông vàng, ...

   Có thể nói tiết ôn luyện là thời gian vàng đối với học sinh lớp Một. Các em được củng cố lại kiến thức được học ở buổi sáng và giáo viên có thời gian dành cho những học sinh đọc chưa được, đọc chậm. Để tránh sự nhàm chán khi phải học lại kiến thức cũ, tôi thường tổ chức các trò chơi với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn: trò chơi “Hái hoa dân chủ’, “Ai nhanh – ai đúng”,…  Khi tổ chức trò chơi giáo viên lưu ý chuẩn bị một số câu hỏi đơn giản phù hợp với khả năng nhận thức của các em đọc chưa được, đọc yếu. Việc cho các em chậm tiến tham gia nhiều trò chơi sẽ giúp các em tiến bộ và tạo động lực để giúp các em cố gắng học tốt hơn.

5.2.2.5. Phối hợp với cha mẹ học sinh.

Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ. Vì thế, giáo viên cần phối hợp tốt với cha mẹ học sinh để đem lại hiệu quả cao nhất.

Giáo viên cần trao đổi với phụ huynh ngay từ khi nhận lớp về đặc điểm tâm sinh lý, khả năng nhận thức của học sinh. Qua đó, giáo viên nắm được tình hình thực tế cũng như tìm được cách dạy dỗ phù hợp nhất.

Trong quá trình dạy học, giáo viên phải liên hệ thường xuyên để thông báo về tình hình học tập của học sinh. Qua đó sẽ nhờ phụ huynh nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc việc học của con em mình ở nhà. Đối với những học sinh chưa đọc được bài nào thì giáo viên liên hệ với phụ huynh ngay sau buổi học và nhờ phụ huynh hỗ trợ con em mình đọc bài ở nhà.

Việc phối hợp với cha mẹ học sinh như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất theo tôi nghĩ đó cũng chính là nghệ thuật của mỗi người giáo viên. Học sinh dù có chậm hay ngỗ nghịch đến đâu thì cũng luôn có những mặt ưu điểm. Do đó khi trao đổi với phụ huynh nhờ họ kèm cặp việc học của con họ giáo viên nên đưa ra những mặt tốt trước sau đó nói lên những chỗ học sinh chưa thực hiện được để họ vui lòng cùng giáo viên dìu dắt học sinh tiến bộ.

5.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến:

Các biện pháp này có thể áp dụng có thể áp dụng cho toàn thể học sinh khối 1 ở trường Tiểu học An Lộc A và trong toàn địa bàn thị xã Bình Long.

6. Những thông tin cần được bảo mật: Không

7. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

   - Học sinh khối lớp 1.

   - Cở sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

   - Giáo viên nhiệt tình, trách nhiệm, tận tâm với nghề.

8. Đánh giá lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến:

8.1. Kết quả

Sau 5 tháng thực hiện các biện pháp nêu trên, chất lượng môn Tiếng Việt của lớp tôi được nâng lên đáng kể. Những kết quả đó là:

*Trước khi áp dụng:

TSHS

ĐỌC LƯU LOÁT

ĐỌC ĐÚNG

ĐỌC CHẬM

ĐỌC CHƯA ĐƯỢC

39

5

10

16

8

*Sau khi áp dụng:

TSHS

ĐỌC LƯU LOÁT

ĐỌC ĐÚNG

ĐỌC CHẬM

ĐỌC CHƯA ĐƯỢC

39

17

14

8

0

8.2. Bài học kinh nghiệm

Là giáo viên lớp Một nên tôi luôn ý thức việc rèn đọc cho học sinh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Học sinh phải có kỹ năng đọc tốt thì mới có điều kiện học tốt các môn học khác.

Để học sinh có kỹ năng đọc tốt, GV phải luôn nghiên cứu tìm hiểu về nội dung kiến thức, phương pháp bộ môn, nắm chắc hệ thống chương trình.

Phải vận dụng phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh lớp mình để phát huy được năng lực của từng học sinh. 

 Làm tốt việc rèn đọc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh là một vấn đề tất yếu của mỗi GVCN. Để nâng cao chất lượng dạy học, các giáo viên nói chung đều đã và đang tìm tòi, nghiên cứu và thực hiện các biện pháp hợp lý nhất để mang lại hiệu quả cao nhất. Trên đây là một số kinh nghiệm mà tôi đã áp dụng ở lớp tôi chủ nhiệm và có hiệu quả. Tuy nhiên do năng lực bản thân còn hạn chế sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Tôi rất mong nhận được sự góp ý của BGK và quý thầy cô để biện pháp được hoàn thiện hơn.

 

Previous Post Next Post