Skkn Chỉ đạo giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh

 


1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: Chỉ đạo giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.

2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tác giả đồng thời là chủ đầu tư tạo ra Sáng kiến.

3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Giáo dục - Phương pháp dạy học.

4. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu hoặc áp dụng thử: 07/ 09/ 2020.

5. Mô tả bản chất của sáng kiến:

5.1. Tính mới của sáng kiến:

5.1.1. Các giải pháp đã biết trước đó:

Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, có rất nhiều mô hình, phương pháp, kĩ thuật, cách thức tổ chức dạy học tích cực được triển khai nhưng phải mất rất nhiều thời gian không chỉ vài tháng mà cả hàng chục năm sau mới áp dụng phổ biến. Thậm chí có phương pháp, mô hình dạy học mới nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh đến nay vẫn chưa thành công và bị bài xích. Ví dụ:

- Phương pháp "hoạt động nhóm" được triển khai từ đầu những năm của thập niên 90 nhưng phải gần hai chục năm sau mới được áp dụng phổ biến còn trước đó, giáo viên chỉ dạy trong các tiết thao giảng, dự giờ có báo trước.


- Phương pháp "Bàn tay nặn bột" triển khai đã cả chục năm nhưng đến nay chưa được phổ biến, và cùng chung số phận với phương pháp "hoạt động nhóm", giáo viên chỉ dạy trong các tiết thao giảng, dự giờ có báo trước.

- Mô hình trường học mới "Vnen", có một số đơn vị áp dụng nhưng bị phụ huynh phản bác kịch liệt và phải bỏ.

……………………………

Các mô hình, phương pháp, kĩ thuật, cách thức tổ chức dạy học nêu trên đều rất tân tiến, khoa học. Khi triển khai và áp dụng thì tất cả những chậm trễ, hay thất bại của các hướng đổi mới nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của người học do rất nhiều nguyên nhân mà tôi không đề cập ở đây, nhưng trong đó có nguyên nhân: Khi triển khai đều bị giáo viên cho là mang nặng tính lý thuyết còn thực tế áp dụng thì chưa chắc đã mang lại hiệu quả hoặc không phù hợp.

5.1.2. Tính mới:

Tục ngữ có câu "Có thực mới vực được đạo". Để thuyết phục giáo viên có niềm tin vào tính hiệu quả của các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh mà tôi triển khai, chỉ đạo, tôi đã kết hợp vận dụng các lý luận khoa học trong các giáo trình và văn bản chỉ đạo của ngành với các cơ sở lý luận thực tiễn gắn với các ví dụ điển hình trong các lĩnh vực dạy học mà chính bản thân tôi vận dụng đã đem lại kết quả cao được khẳng định qua các thành tích nổi bật khi tham gia các hội thi cấp trường, cấp thị xã, cấp tỉnh để làm minh chứng.

(Đề tài có sử dụng một vài tư liệu trong sáng kiến của tôi các năm trước để làm ví dụ)

5.2. Nội dung sáng kiến:

5.2.1. Lý do chọn đề tài:

Phương pháp dạy học tích cực là một thuật ngữ rút gọn, được dùng để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Phương pháp dạy học tích cực hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy, tuy nhiên để dạy học theo phương pháp tích cực thì giáo viên phải nỗ lực nhiều so với dạy theo phương pháp thụ động. Tính tích cực học tập - về thực chất là tính tích cực nhận thức, đặc trưng ở khát vọng hiểu biết, cố gắng trí lực và có nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Tính tích cực nhận thức trong hoạt động học tập liên quan trước hết với động cơ học tập. Động cơ đúng tạo ra hứng thú. Hứng thú là tiền đề của tự giác. Hứng thú và tự giác là hai yếu tố tạo nên tính tích cực. Tính tích cực sản sinh nếp tư duy độc lập. Suy nghĩ độc lập là mầm mống của sáng tạo. Ngược lại, phong cách học tập tích cực độc lập sáng tạo sẽ phát triển tự giác, hứng thú, bồi dưỡng động cơ học tập.


Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên còn lười tư duy đổi mới, vẫn quen cách dạy cũ là hướng dẫn học sinh, giảng giải, thuyết trình,... rồi cho học sinh thực hành làm nhiều bài tập tương tự hoặc yêu cầu học sinh học thuộc các nội dung mà cô đã cô đọng. Chính cách dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức này đã dẫn đến cách học tập thụ động và thiếu tích cực của học sinh như: Học vẹt, học thuộc lòng, bắt chước, rập khuôn ….

Xuất phát từ quan điểm, lý luận đổi mới về phương pháp dạy học của ngành và từ một số thực trạng dạy và học cần cải thiện hiện nay, tôi đã đi đến quyết định chọn đề tài: "Chỉ đạo giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh" nhằm giúp cho giáo viên có niềm tin vào tính đúng đắn của phương pháp dạy học mới và tạo tâm thế cố gắng nghiên cứu tìm ra các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

5.2.2. Phân tích thực trạng, nguyên nhân:

5.2.2.1. Thực trạng:

Công tác triển khai các văn bản, quan điểm chỉ đạo về đổi mới phương pháp dạy học đôi khi chưa thật sự thu hút được sự tập trung, nhu cầu muốn tìm hiểu, nghiên cứu của đội ngũ giáo viên.

Giáo viên đôi khi còn tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của các quan điểm chỉ đạo mà người cán bộ quản lý triển khai, chỉ đạo nên đón nhận với tâm thế thờ ơ, thụ động.

Phương pháp triển khai, chỉ đạo chưa lôi cuốn được sự chú ý của giáo viên; chưa có sự tương tác hai chiều giữa giáo viên với người triển khai.

5.2.2.2. Nguyên nhân: Việc chỉ đạo giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh còn hạn chế là do một số nguyên nhân cơ bản sau:

+ Nguyên nhân chủ quan:

- Chính cán bộ quản lý cũng đã phạm phải sai lầm khi triển khai các văn bản chỉ đạo, các chuyên đề của ngành liên quan đến các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh như: trình chiếu nội dung hoặc cung cấp tài liệu của các văn bản rồi đọc các nội dung, tài liệu kết hợp với phân tích, giảng giải, thuyết trình….mà không có sự nghiên cứu kĩ các văn bản và soạn ra các câu lệnh định hướng cho giáo viên nghiên cứu, khai thác nội dung để giải quyết các vấn đề rút ra kiến thức cần nắm bắt…. Phương pháp triển khai này chẳng khác gì phương pháp dạy học thiếu tích cực của giáo viên đối với học sinh (truyền thụ kiến thức) nên độ thẩm thấu, sự tường minh của quan điểm chỉ đạo không cao.

 - Chính cán bộ quản lý cũng đã phạm phải tính lý thuyết, giáo điều, mang nặng lý luận khoa học mà chưa chú trọng đến các cơ sở lý luận thực tế khi triển khai quan điểm chỉ đạo các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh nên tính thuyết phục đối với giáo viên không cao.


- Đặc biệt, khi chỉ đạo các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, người cán bộ quản lý không đưa ra được các minh chứng điển hình về tính hiệu quả của phương pháp dạy học mới mà một số giáo viên áp dụng thành công, đặc biệt là minh chứng do chính bản thân áp dụng thì càng tốt.

+ Nguyên nhân khách quan:

- Một số giáo viên do đã lớn tuổi, tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ngại khó khăn, ngại đổi mới, quen nếp dạy cũ; lười tư duy, nghiên cứu, tìm tòi nên thờ ơ trong việc tiếp thu các quan điểm, nội dung đổi mới phương pháp dạy học.

- Phương pháp dạy học truyền thống theo kiểu truyền thụ kiến thức giúp giáo viên chủ động về thời gian hoàn thành kế hoạch bài dạy. Đây cũng là một lý do khiến giáo viên không chịu nghiên cứu các phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động của người học mà người cán bộ quản lý triển khai.

- Giáo viên thường có suy nghĩ không phục hoặc nghi ngờ về khả năng áp dụng, tính hiệu quả của quan điểm, phương pháp dạy học được triển khai như: "Nói thì dễ nhưng làm thì khó" hoặc "Ông ấy làm Hiệu trưởng, có dạy học đâu nên nói mạnh vậy thôi chứ thực dạy mới biết khó khăn nhiều bề liệu có thực hiện …. được không"….

5.2.3. Biện pháp thực hiện:

5.2.3.1. Sử dụng các minh chứng lồng ghép với các nội dung, lý luận của các giáo trình, văn bản  trong quá trình triển khai, chỉ đạo.

Đúng như câu tục ngữ: "Có thực mới vực được đạo", 3 minh chứng thuộc 3 lĩnh vực khác nhau về tính hiệu quả của việc áp dụng phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh mà tôi nêu ra đây không phải là để khoe thành tích của bản thân mình mà để chứng minh hiệu quả tất yếu của việc áp dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học:

Minh chứng 1:

Năm học 2006 - 2007, năm đầu tiên tôi trở về dạy trường tiểu học Thanh Lương A cho đúng chuyên ngành đào tạo (Các năm trước tôi được kê cấp dạy THCS Thanh Lương do cấp học này thiếu giáo viên). Trở về dạy Tiểu học, tôi nhận ra có rất nhiều vấn đề về cách học của học sinh, tôi trăn trở rất nhiều, tìm hiểu nguyên nhân và đi đến kết luận: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học tập thiếu khoa học của học sinh là do các phương pháp dạy học chưa phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

Năm đó tôi được phân công dạy lớp 4.4. Đối với 1 giáo viên nam dạy tiểu học kiêm công tác chủ nhiệm thì khó khăn lớn nhất là tập luyện cho các em tham gia các phong trào, nhưng với quan điểm: "phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học" trong công tác dạy học nói chung và xây dựng phong trào nói riêng, các phong trào lớp tôi tham gia đều đứng nhất nhì trường vượt trên cả lớp tuyển chọn của trường. Các kết quả tôi nêu dưới đây có cô Nguyễn Thị Bình giáo viên trường mình làm chứng vì hết học kì 1 tôi chuyển


công tác về trường mới và bàn giao lớp cho chính cô Bình khi đó còn dạy trường tiểu học Thanh Lương A cùng tôi. Cụ thể:

Trong học kì I năm đó, trường tổ chức 4 phong trào thì cả 4 phong trào lớp tôi đều đứng nhất, nhì:

- Phong trào văn nghệ lớp tôi tham gia 3 tiết mục đều đạt giải: Giải nhất tam ca, giải nhì đơn ca và giải ba song ca.

- Phong trào thi viết chữ đẹp lớp tôi đạt giải nhất.

- Đạt giải nhất thi kể chuyện theo sách.

- Đạt giả nhì thi báo tường.

Là giáo viên nam nên việc làm mẫu tập luyện cho các em các tiết mục văn nghệ nhất là các động tác múa phụ họa là rất khó. Tôi giao nhiệm vụ cho học sinh, gợi ý các em, động viên, khích lệ các em tự nghiên cứu chọn bài hát, câu chuyện. Tôi nhờ các anh chị cấp 2 biên đạo động tác múa phụ họa cho các em. Tôi thường tranh thủ đầu giờ học hoặc giờ ra chơi để hỏi thăm, yêu cầu các em trình diễn thử, khích lệ, khen ngợi và có các nhận xét mang tính chất điều chỉnh kèm động viên khiến các em cảm nhận được sự quan tâm, khích lệ của giáo viên nên quyết tâm tập luyện nghiêm túc để lập công với thầy. Đối với luyện viết chữ đẹp, do chữ tôi quá xấu lại không đúng mẫu chữ nên không thể viết mẫu cho học sinh. Tôi soạn các nội dung về các quy định của mẫu chữ nói chung và các mẫu chữ đứng nét đều, chữ đứng nét thanh nét đậm, chữ nghiêng nét đều, chữ nghiêng nét thanh nét đậm, chữ sáng tạo, cách viết …và thay vì giảng giải cho học sinh, tôi giao tài liệu cho học sinh tự đọc nghiên cứu đồng thời gạch chân các từ, cụm từ quan trọng trong văn bản  thầy đưa cho nhờ vậy mà học sinh nắm rất vững các quy định về mẫu chữ, cách viết. Tương tự như đối với phong trào văn nghệ, tôi dành thời gian hỏi thăm, xem bài luyện viết của học sinh, khen ngợi, khích lệ và nhận xét điều chỉnh….

Tóm lại, trong cả các lĩnh vực mà tôi có nhiều hạn chế về năng khiếu nhưng nếu có phương pháp tác động đúng, phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh thì hiệu quả đem lại sẽ rất cao.

Minh chứng 2:

Cũng ngay trong năm học 2006 - 2007, sau khi kết thúc học kì I, ngày 01/01/2007 tôi chuyển về công tác tại trường Tiểu học Thanh Phú B, do về giữa năm nên tôi không có lớp để dạy, may mắn là tôi không phải dự trữ mà được Ban giám hiệu phân công dạy môn thể dục dù tôi không được đào tạo chuyên ngành thể dục. Tại thời điểm này đã gần ngày diễn ra Hội khỏe phù đổng cấp huyện (tổ chức vào trung tuần tháng 2). Do trước khi tôi về, trường không có giáo viên nam và giáo viên dạy chuyên thể dục nên công tác huấn luyện các đội tuyển chưa được thực hiện. Nhằm đáp ơn Ban giám hiệu đã phân tôi được dạy để tôi được hưởng phụ cấp đứng lớp và với quyết tâm lập thành tích cho trường, tôi bắt tay ngay vào công tác vừa dạy vừa huấn luyện tất cả các môn trong hệ thống thi đấu với phương châm: "phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của


người học" làm nền tảng cho mọi phương pháp huấn luyện, tác động đến học sinh. Nhờ vậy mà các đội tuyển của trường nhanh chóng đi vào nề nếp, các em tập luyện với tâm thế tích cực, tinh thần hăng hái, tập trung cao độ, cố gắng hết mình, thời gian tập luyện khoa học và nghe lời thầy dặn là phải tích cực học đầy đủ các môn văn hóa khác để được gia đình ủng hộ cho tập luyện thể thao. Trong vòng vỏn vẹn chỉ 2 tháng, đoàn thể thao của trường tham gia Hội khỏe phù đổng cấp huyện Bình Long đạt giải nhất toàn đoàn (đứng đầu 24 trường Tiểu học). Các môn trường tham gia đều nằm trong tốp đầu. Đặc biệt là 2 môn đá cầu và bóng bàn, trường tôi không chỉ đứng đầu huyện mà 2 đội tuyển này còn giúp đoàn Hội khỏe phù đổng Huyện Bình Long đứng đầu tỉnh của 2 bộ môn này, trong đó môn đá cầu đoạt toàn bộ các huy chương vàng và bạc cấp tỉnh.

Kết luận: Nếu các phương pháp huấn luyện của tôi (thực chất là dạy thể thao) không chú trọng "phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học" thì làm sao mình tôi có thể vừa dạy học, vừa huấn luyện tất cả các đội tuyển nhanh chóng đi vào nề nếp được cùng với đó là sự tiến bộ vô cùng nhanh chóng của các em ở tất cả các môn thi. Một đơn vị nhỏ, có số lượng học sinh ít như trường tiểu học Thanh Phú B có thể đứng đầu 24 trường Tiểu học khi tham gia Hội khỏe phù đổng cấp huyện Bình Long chính là nhờ sự tích cực, chủ động của các em trong suốt quá trình tập luyện và thi đấu. Nhờ đạt thành tích cao trong công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu thể dục thể thao mà Sáng kiến tôi viết về lĩnh vực này được công nhận cấp tỉnh.

 Minh chứng 3:

Năm học 2010 - 2011 tôi được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Bình, cũng trong năm học này ngành giáo dục Bình phước triển khai phong trào luyện giải toán Violympic trên mạng internet do Bộ Giáo dục biên soạn và quản lý. Đây là phong trào gây rất nhiều khó khăn và lo lắng cho tập thể cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Thanh Bình nên khi tôi triển khai thì tập thể giáo viên bày tỏ khó khăn: Học sinh của trường có tới 40% là học sinh dân tộc Xtieng, số còn lại thì kĩ năng tư duy giải Toán rất hạn chế vì đa số là con em lao động phổ thông có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ít được quan tâm, các em không có khả năng tiếp thu cách giải các dạng toán khó trên trang Violympic. Đặc biệt, trong đó có lý do: Đa số các bài toán trên trang Violympic đều trên chuẩn, rất khó đối với giáo viên nên đề nghị thầy hiệu phó giải trước rồi hướng dẫn giáo viên cách giải từ đó giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh. Đây là cách dạy mà tôi hoàn toàn không đồng ý vì dạy như vậy là truyền thụ kiến thức và tạo thói quen bắt chước, rập khuôn đồng thời không phát triển tư duy cho học sinh.

Bản thân tôi đã từng công tác ở nhiều trường khác nhau từ Trung học cơ sở đến Tiểu học, tôi thấy việc đào tạo đội tuyển học sinh giỏi của đa số giáo viên đi theo phương pháp "luyện bộ đề". Tức là giáo viên sưu tầm hàng chục hoặc hàng trăm bộ đề tùy theo môn với rất nhiều dạng bài tập khác nhau, nghiên cứu cách giải rồi hướng dẫn học sinh cách giải các dạng bài tập đó đồng thời giao nhiều bài tương tự để học sinh làm thêm cho thành thục nên sau mỗi kì thi thì kẻ cười, người khóc do trúng dạng đề hoặc không trúng dạng đề. Tôi chỉ đạo giáo


viên bồi dưỡng kĩ năng giải Toán cho học sinh với phương châm "phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học". Tức là thay vì hướng dẫn cách giải cho học sinh thì giáo viên cần bồi dưỡng các kĩ năng tư duy giải toán khoa học cho học sinh. Cụ thể:

- Giúp cho học sinh hiểu: “Thế nào là đọc kĩ đề bài?”

Tình huống đặt ra là: Có phải đọc kĩ đề bài là đọc nhiều lần đề bài không?

Đọc kĩ đề bài là vừa đọc vừa tư duy để tìm hiểu đề bài (Thâm nhập đề bài) chỉ đọc lại những câu, từ, cụm từ chưa hiểu để suy ngẫm, hiểu rõ các dự kiện và yêu cầu của đề bài. Chứ không phải là đọc nhiều lần đề bài và càng không nên đọc thuộc đề bài mà không hiểu đề bài.

- Rèn cho học sinh kĩ năng “Thâm nhập đề bài”:

Yêu cầu học sinh đọc thầm, không đọc thành tiếng đề toán nhằm tập trung tư duy nắm bắt các dự kiện đề bài đã cho: Những đại lượng nào được nêu trong đề bài? Giá trị của mỗi đại lượng? Các mối quan hệ toán học giữa các đại lượng?... Đồng thời xác định rõ yêu cầu của đề bài là đi tìm đại lượng nào? Giá trị tương đối hay giá trị tuyệt đối? ...

- Giúp học sinh phân tích đề bài “tích cực”:

Phân tích đề bài là người học phải có khả năng phân tích dữ kiện đề bài đã cho để hiểu rõ hơn những gì mình đang có. Khả năng phân tích càng chi tiết thì mình càng có tiềm năng tìm ra lời giải. Phân tích câu hỏi là việc tách câu hỏi để có thể trả lời từng phần một cách rõ ràng hay dự đoán những phương pháp có khả năng sử dụng để giải quyết vấn đề. Việc bóc tách vấn đề giúp việc trả lời câu hỏi phụ dễ hơn, còn liệt kê các phương pháp giúp dự đoán cách giải dựa trên thông tin được đưa ra.

- Rèn kĩ năng phân tích đề bài qua mô hình trực quan cho học sinh.

Việc sử dụng các mô hình trực quan như biểu đồ ven, biểu đồ quạt, đặc biệt là sơ đồ đoạn thẳng (Vì sơ đồ đoạn thẳng là kiểu mô hình trực quan vừa dễ vẽ lại dễ phân tích, dễ nhận diện qua quan sát) để phân tích đề bài giúp cho học sinh nắm bắt những thông tin của các phần đã cho và phần cần tìm một cách cụ thể, tường minh. Học sinh sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc xác định mối quan hệ giữa đại lượng cần tìm với các dự kiện đề bài đã cho và các thông tin có liên quan để làm cơ sở quan trọng cho tư duy tìm ra cách giải cho bài toán.

- Giúp học sinh tư duy logic, khoa học bằng phương pháp phân tích – tổng hợp:

Phương pháp này thường áp dụng cho việc giải các bài toán hợp ở Tiểu học. Nguyên tắc cơ bản của việc giải các bài toán hợp là phân tích  bài toán hợp thành các bài toán đơn rồi xây dựng kế hoạch giải bằng cách lần lượt giải các bài toán đơn. Việc phân tích đề toán được bắt đầu từ câu hỏi của đề bài, liên hệ với các dự kiện đề bài đã cho và các kiến thức đã được học để đi tìm hướng giải cho bài toán.


- Phát triển, nâng cao kĩ năng tư duy giải toán cho học sinh bằng phương pháp phân tích đề bài – tìm giải pháp.

Phương pháp phân tích – tìm giải pháp thường dùng để phân tích các bài toán hợp có mối quan hệ giữa các phần khá phức tạp như: Thông qua đại lượng trung gian nhưng không được nêu trực tiếp trong đề bài hoặc thông qua các thuật ngữ toán học mới lạ, khó xác định được mối quan hệ giữa các thành phần trong đề bài... Đây là phương pháp đòi hỏi học sinh phải tư duy ở mức độ cao. Học sinh không những phải biết phân tích các mối quan hệ giữa các đại lượng được nêu trong đề bài mà còn phải phối hợp, liên hệ các kiến thức đã được học có liên quan với đề bài. Đồng thời phải có kĩ năng “tìm – đoán” hướng giải cho bài toán một cách có cơ sở, khoa học nhằm xây dựng phép tính giải, kế hoạch giải.

Khi sử dụng phương pháp này, giáo viên cần lưu ý học sinh: Trong quá trình phân tích đề bài – tìm giải pháp thì: Giải pháp mà chúng ta tìm và đoán có thể đúng nhưng cũng có thể sai. Nếu sai thì quá trình phân tích lại được tiến hành lại nhưng theo hướng khác (Tìm – đoán lại).

Ví dụ: Tổng của 2 số tự nhiên là 2021. Giữa 2 số có 15 số tự nhiên lẻ. Tìm 2 số đó.

Quá trình phân tích đề bài tìm giải pháp có thể tiến hành như sau:

Với dự kiện đề bài đã cho, liên hệ với các quy tắc nâng cao về dãy số tự nhiên thầy đã dạy và các dạng toán hợp điển hình đã học, phán đoán ban đầu học sinh có thể đưa ra là:

Phải chăng đây là dạng toán "Tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số"?

Liên hệ với quy tắc nâng cao: "Hiệu của 2 số tự nhiên bằng số số hạng ở giữa 2 số cộng thêm 1". Đồng thời liên hệ với dự kiện thứ nhất của đề bài, học sinh tiếp tục phân tích:

Tổng của 2 số là 2021 - đây là số tự nhiên lẻ, suy ra 2 số tự nhiên cần tìm chắc chắn có 1 số chẵn và 1 số lẻ (Vì 2 số tự nhiên cùng chẵn hoặc cùng lẻ thì đều cho tổng là số tự nhiên chẵn). Điều này cho thấy số các số tự nhiên lẻ và số các số tự nhiên chẵn ở giữa 2 số cần tìm là bằng nhau nên số số hạng ở giữa 2 số cần tìm là 15 x 2 = 30. áp dụng quy tắc nâng cao về dãy số tự nhiên (Hiệu của hai số trong dãy số tự nhiên bằng số số hạng ở giữa hai số cộng thêm 1), học sinh tìm được hiệu của 2 số là: 30 + 1 = 31.

Đến đây thì dự kiện thứ 2 của đề bài đã được làm sáng tỏ. Phán đoán ban đầu là đúng. Từ bài toán lạ học sinh đã phân tích và đưa về dạng toán quen thuộc (Quy lạ về quen) là:

Tổng của 2 số tự nhiên là 2021. Hiệu của 2 số đó là 31. Tìm 2 số tự nhiên đó.

Bài toán khó ban đầu đã được phân tích đưa về bài toán điển hình đã học. Học sinh chỉ việc áp dụng quy tắc giải để giải tiếp bài toán:

Số bé là (lấy tổng trừ hiệu rồi chia cho 2): (2021 - 31) : 2 = 995


Số lớn là: 995 + 31 = 1026

* Kết luận:

Với quan điểm: "phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học" trong việc bồi dưỡng học sinh giải toán violympic mà tôi trình bày ở trên, học sinh trong đội tuyển giải toán violympic trường Tiểu học Thanh Bình được bồi dưỡng tư duy giải toán khoa học, các em tự tin tham gia các kì thi giải toán violympic các cấp. Trong 3 năm học từ 2010 - 2011 đến năm học 2012 - 2013, trường Tiểu học Thanh Bình luôn đứng nhất, nhì cấp thị xã và nhận được sự tôn trọng, nể phục từ các đơn vị bạn. Đặc biệt trong 2 năm tham gia cấp tỉnh (Do năm học 2011 - 2012 bị nghẽn mạng tỉnh không tổ chức được) học sinh trường tiểu học Thanh Bình đứng đầu thị xã Bình Long về thành tích đạt giải cấp tỉnh (1 giải nhất toàn diện về điểm số và thời gian cùng 2 giải ba).

5.2.3.2. Chuẩn bị trước các câu hỏi định hướng giáo viên thảo luận, nghiên cứu rồi mới đưa ra kết luận về các nội dung cần triển khai, quán triệt với giáo viên:

Ví dụ: Khi tôi triển khai chuyên đề: Thuật nhẩm nhanh và ghi nhớ kết quả các bảng nhân. (Trích 1 phần trong sáng kiến mà tôi đã đậu cấp tỉnh)

* Các câu hỏi tôi soạn để giáo viên thảo luận, nghiên cứu là:

- Thực trạng việc học và ghi nhớ các bảng nhân của học sinh như thế nào?

- Nguyên nhân nào dẫn đến những tồn tại của học sinh khi học các bảng nhân?

- Biện pháp khắc phục các tồn tại đã nêu của các thầy (cô) như thế nào? Có phương pháp hay kĩ thuật dạy học mới nào giúp học sinh thuận lợi hơn khi học các bảng nhân không?

* Mỗi câu hỏi đều được tôi nghiên cứu kĩ và soạn sẵn đáp án, phương án giải quyết vấn đề cùng với quan điểm tôi sẽ chỉ đạo giáo viên:

- Thực trạng việc học và ghi nhớ các bảng nhân của học sinh:

Nhiều em có biểu hiện thuộc vẹt bảng nhân như: Khi cần kết quả của phép nhân bất kì trong bảng nhân. Các em phải đọc thuộc lòng bảng nhân theo thứ tự từ phép nhân với 1 đến phép nhân cần tìm nên mất rất nhều thời gian.

Một số em đã thuộc vẹt bảng nhân rồi quên. Thậm chí đọc thuộc lại rồi lại quên. Đặc biệt sau thời gian nghỉ hè, số học sinh quên các bảng nhân lại tăng thêm.

- Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại của học sinh khi học các bảng nhân:

          Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cách học thuộc lòng, thuộc vẹt các bảng nhân của học sinh. Nhưng nguyên nhân cơ bản và cốt lõi nhất đó là do giáo viên đã không nghiên cứu kĩ, không nhận thức sâu sắc vai trò của 2 cơ sở toán học hết sức quan trọng khi thiết lập các bảng nhân đó là: "Mối quan hệ giữa phép nhân với phép cộng các số hạng bằng nhau"; "Mối quan hệ giữa các phép nhân


trong bảng nhân với nhau" nên dẫn đến sai lầm trong phương pháp dạy học cũng như các biện pháp giúp đỡ học sinh học các bảng nhân. Thậm chí nhiều giáo viên không hiểu hàm ý chỉ đạo trong phần lý thuyết của các bài bảng nhân mà ban biên tập sách giáo khoa đã định hướng, gợi ý nên dạy phớt qua phần lý thuyết rồi cho học sinh đọc thuộc lòng bảng nhân, thậm chí còn cho đọc đồng thanh.

- Biện pháp khắc phục các tồn tại đã nêu; phương pháp, kĩ thuật dạy học giúp học sinh thuận lợi hơn khi học các bảng nhân:

Đặt vấn đề:

 Thử hỏi: Một bài thơ có nội dung và vần điệu hẳn hoi – đó là các yếu tố giúp học sinh dễ thuộc, dễ nhớ mà muốn học thuộc lòng và ghi nhớ được lâu cũng cần phải có sự cảm nhận sâu sắc về nội dung cũng như phương pháp học tập tích cực. Vậy thì đối với các phép nhân trong bảng nhân thì sao? Có phải đó là các phép tính khô khan, khó thuộc và khó nhớ không?

Câu trả lời được khẳng định là: “Không”. Đó đều là các phép tính mang nhiều ý nghĩa và rất thú vị về mặt toán học. Bảng nhân chỉ được hình thành và khắc sâu trong trí nhớ của học sinh khi và chỉ khi trải qua các hoạt động tư duy tích cực.

Giải quyết vấn đề (Quan điểm chỉ đạo):

Tôi xin thông qua phần thiết lập bảng nhân như phương pháp chủ đạo mà sách giáo khoa đã gợi ý (Phương pháp quy nạp có sử dụng các mối quan hệ toán học "Mối quan hệ giữa phép nhân với phép cộng các số hạng bằng nhau"; "Mối quan hệ giữa các phép nhân trong bảng nhân".

Tôi xin trình bày một số nguyên tắc quán triệt tới giáo viên khi vận dụng các mối quan hệ toán học để nhẩm và ghi nhớ kết quả các phép nhân trong bảng nhân như sau:

- Nghiêm cấm giáo viên cho học sinh nhìn bảng nhân để đọc thuộc lòng mà yêu cầu học sinh nhẩm xuôi, nhẩm ngược bảng nhân theo đúng phương pháp xây dựng bảng nhân bằng cách cộng nhẩm thêm, bớt lần lượt từng số hạng bằng nhau tương ứng với mỗi phép nhân. Ví dụ: 2 x 1 = 2 (phép nhân quy ước); 2 x 2 = 2 x 1 + 2 = 4 ......... (nhẩm xuôi); 2 x 9 = 2 x 10 - 2 = 20 - 2 = 18...... (nhẩm ngược)

Chia khoảng bảng nhân ra để nhẩm thuộc:

Đây là thuật nhẩm nhanh bất kì phép nhân trong bảng có vận dụng mối quan hệ các phép nhân trong bảng với phép nhân với 1 (Phép nhân quy ước - bất kì số nào nhân với 1 cũng bằng chính số đó), phép nhân với 5 đây là phép nhân ở giữa bảng nhân, kết quả phép nhân này dễ nhẩm và dễ nhớ vì nó gắn liền với các số đếm trong trò chơi dân gian rất quen thuộc với các em - trò chơi "Trốn - tìm" hay còn gọi là trò chơi "Năm - mười", phép nhân với 10 dễ nhớ vì đây là phép nhân với 1 chục cho kết quả số chục tương ứng.


Cách nhẩm nhanh: 2 x 6 = 2 x 5 + 2 = 10 + 2 = 12; 2 x 9 = 2 x 10 - 2 = 20 - 2 = 18 .........

Nếu giáo viên dạy bảng nhân khoa học và đúng phương pháp tích cực thì sẽ không có chuyện học sinh nhìn bảng nhân đọc xuôi, đọc ngược để học thuộc lòng mà học sinh chỉ cần nhắm mắt nhẩm xuôi, nhẩm ngược để ghi nhớ bảng nhân. Học sinh sử dụng thuật nhẩm nhanh theo khoảng của bảng nhân để nhẩm kết quả bất kì phép nhân trong bảng nhân một cách nhanh nhất nếu chưa ghi nhớ toàn bộ bảng nhân.

Mặt khác, với phương pháp nhẩm bảng nhân khoa học, học sinh có thể nhẩm thuộc bảng nhân mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm rảnh rỗi mà không cần có bảng nhân trong tay, kết quả các phép nhân sẽ được học sinh ghi nhớ lâu hơn, ít nhầm lẫn chính nhờ vào hoạt động tư duy trong quá trình tính nhẩm nên con số nó sẽ có ấn tượng nhất định nhờ thế mà khi giáo viên hỏi bất kì phép nhân nào trong bảng nhân thì học sinh nêu được ngay, không phải lẩm bẩm đọc từ đầu đến phép nhân cô yêu cầu kết quả nữa.

Trong chương trình Tiểu học có 18 bài học cho 9 bảng nhân. Nếu giáo viên dạy đúng và coi trọng các cơ sở toán học khi xây dựng bảng nhân thì học sinh không cần học cả 9 bảng nhân mà chỉ cần học và hiểu cách thiết lập 1 bảng nhân là các em có thể tự thiết lập và nhẩm thuộc tất cả 8 bảng nhân còn lại.

Dưới đây là đồ dùng dạy học các bảng nhân do tôi tự thiết kế và thuê dịch vụ in bạt.


Mở rộng: Dành cho những học sinh yêu thích môn học, thích tư duy, khám phá.

- Quy tắc mới: Nếu ta đã ghi nhớ kết quả của bảng nhân 2 thì sẽ dùng kết quả bảng nhân 2 để nhẩm nhanh kết quả của bảng nhân 3 bằng  cách cộng nhẩm 1 lần với thừa số thứ 2 tương ứng. Tương tự dùng kết quả bảng nhân 3 để nhẩm nhanh kết quả bảng nhân 4 ......

Ví dụ: 3 x 6 = 2 x 6 + 6 = 12 + 6 = 18; 3 x 9 = 2 x 9 + 9 = 18 + 9 = 27

4 x 3 = 3 x 3 + 3 = 9 + 3 = 12..................

Chứng minh quy tắc về mối quan hệ hai bảng nhân liền nhau bằng phương pháp quy nạp không hoàn toàn:

3 x 6 (phép nhân trong bảng nhân 6) = 6 x 3 = 6 x 2 + 6 = 2 x 6 (phép nhân với thừa số 6 tương ứng trong bảng nhân 2) + 6 = 12 + 6 = 18 (Đã được chứng minh)........

Dưới đây là đồ dùng dạy học minh họa do tôi tự thiết kế và thuê dịch vụ in bạt

(Vận dụng mối quan hệ giữa các bảng nhân với nhau)


5.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến:

Đề tài đã được triển khai, áp dụng tại trường Tiểu học Lê Văn Tám và áp dụng được cho các trường Tiểu học trên địa bàn thị xã Bình Long mang lại hiệu quả tích cực.

6. Những thông tin cần được bảo mật: Không

7. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến: Không

8. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:

8.1. Kết quả đạt được:

Trong quá trình triển khai phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, tôi đã tạo dựng được tâm thế tích cực, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp thu của giáo viên nhờ vào những minh chứng có tính thuyết phục cao về hiệu quả đạt được.

Thông qua các tiết dự giờ, thăm lớp, tôi thấy giáo viên đã có sự đầu tư nghiên cứu và áp dụng phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học.

Tình trạng học sinh học vẹt, đọc thuộc lòng, máy móc, rập khuôn giảm rõ rệt.

Giáo viên đã biết vận dụng các cơ sở lý luận về tính tích cực của người học trong học tập để tư vấn với cha mẹ học sinh các biện pháp giúp học sinh tự học ở nhà theo hướng tích cực.

Trong nội dung sinh hoạt tổ khối, chuyên môn, giáo viên cũng đã chú ý hơn đến các vấn đề dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.  

8.2. Bài học kinh nghiệm:

Khi triển khai hay chỉ đạo giáo viên thực hiện các quy định về đổi mới hay bất kì dạng văn bản nào khác, đòi hỏi Hiệu trưởng cần phải có sự đầu tư nghiên cứu thật kĩ không chỉ về nội dung mà cần phải có liên hệ thực tế để có thêm cơ sở vững vàng thuyết phục giáo viên.

Cần chuẩn bị phương pháp triển khai sao cho phát huy được tính tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và tương tác hai chiều giữa giáo viên và người triển khai.

Cần vận dụng và kết hợp giữa các lý luận khoa học trong các giáo trình và văn bản chỉ đạo của ngành với các cơ sở lý luận thực tiễn gắn với các ví dụ điển hình trong các lĩnh vực dạy học vận dụng đã đem lại kết quả cao để nâng cao tính thuyết phục đối với giáo viên ......

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post