1. Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: “Biện pháp giáo dục đạo đức học sinh chưa ngoan qua công tác chủ nhiệm”.
2. Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến:
3. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Công tác chủ nhiệm.
4. Ngày sáng kiến được áp dụng.
5. Mô tả bản chất của sáng kiến
5.1. Tính mới của sáng kiến:
Nghiên cứu thực trạng đạo đức học sinh, đặc biệt là những học sinh chưa ngoan ở cấp THCS, phân tích nguyên nhân, tìm ra những yếu tố liên quan đến công tác giáo dục đạo đức học sinh, từ đó đề ra biện pháp giáo dục học sinh chưa ngoan trong giai đoạn hiện nay, mà điển hình là phương pháp Nhận diện và làm bạn với học sinh chưa ngoan, cùng 05 quy tắc cơ bản trong quá trình giáo dục đạo đức học sinh:
1/ Quy tắc 2H (Hiểu rõ - Hợp tác)
2/Quy tắc 2Q (Quan tâm - Quan sát)
3/ Quy tắc 2N (Nghiêm khắc - Ngọt dịu)
4/ Quy tắc 2Đ (Động viên - Định hướng)
5/ Quy tắc 2T (Tâm huyết - Trách nhiệm)
5.2. Nội dung sáng kiến:
5.2.1. Cơ sở lí luận:
Trong tất cả các mặt, giáo dục đạo đức giữ một vị trí hết sức quan trọng. Vì Hồ Chủ Tịch đã nêu: “ dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức Cách mạng, đó là cái gốc rất quan trọng, nếu không có đạo đức Cách mạng thì có tài cũng vô dụng ”
Ở bất kỳ cấp học nào, loại hình trường học nào cũng có đối tượng học sinh chưa ngoan. Giáo dục học sinh chưa ngoan trong nhà trường là một vấn đề cấp thiết nên luôn nhận được sự quan tâm của thầy cô, nhà trường và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm (GVCN).
5.2.2. Thực trạng:
Năm học 2019-2020, tôi được nhà trường giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 6A5. Học sinh lớp 6A5 là sự kết hợp giữa học sinh của một số trường tiểu học trên điạ bàn thị xã Bình Long và một học sinh chuyển từ trường khác đến (em Nguyễn Thị Quỳnh Như- là học sinh lưu ban).
Dưới đây là bảng thống kê học lực, hạnh kiểm lớp 6A5 và em Nguyễn Thị Quỳnh Như đầu năm học 2019-2020 (dựa vào học bạ của học sinh).
| Sĩ số lớp | Giỏi (Tốt) | Khá | Trung bình | Yếu | Kém | |||||
SL | % | SL | % | SL | % | SL | % | SL | % | ||
Học lực | 42 | 0 | | 10 | 23,8 | 27 | 64,3 | 3 | 7,1 | 0 | |
Hạnh kiểm | 42 | 15 | 35,7 | 24 | 57,2 | 3 | 7,1 | 0 | | 0 | |
* Bảng xếp loại 02 mặt của em Nguyễn Thị Quỳnh Như năm học 2018-2019
Học kì I | Học kì II | ||
Học lực | Hạnh kiểm | Học lực | Hạnh kiểm |
TB | TB | Yếu | Yếu |
* Đặc điểm đối tượng nghiên cứu: Nguyễn Thị Quỳnh Như ( là học sinh mới chuyển đến), lúc nào cũng đeo khẩu trang màu đen có hình ảnh mang tính bạo lực (kể cả trong lớp cũng như ngoài đường) và luôn luôn mặc áo khoác đen (kể cả trong giờ học, dù thời tiết rất nóng), em thường xuyên không ghi bài và không thuộc bài cũ, em luôn tỏ thái độ bất cần khi ngồi học trong lớp nhưng lại ra vẻ mình là “ đại ca” của lớp (thực tế mỗi khi lớp ồn, em Như lên tiếng là các bạn im ru).
5.2.3. Các biệp pháp
5.2.3. 1. Nhận diện và làm bạn với học sinh chưa ngoan
Học sinh chưa ngoan thường là các học sinh có những hành động khiến cho lớp học luôn trong trạng thái bất ổn. Đó là những em thường xuyên ăn nói thô tục, có xu hướng giải quyết xung đột với bạn bè bằng vũ lực, thích nổi loạn, thường xuyên đứng ngoài cuộc các hoạt động học tập của lớp. Không chỉ xem thường bạn bè, thầy cô, những đối tượng này thường có những hành vi chống đối giáo viên.
Điển hình em Quỳnh Như lớp 6A5: nhiều lúc trời rất nóng, dù tôi có giải thích, động viên, thậm chí yêu cầu em Như bỏ áo khoác ra nhưng em không bao giờ làm, hay cả việc em đeo khẩu trang cũng vậy, dù tôi có nói thế nào, thậm chí khi em lên trả bài tôi và cả lớp động viên em bằng hình thức: “chỉ cần em bỏ khẩu trang ra là cô có thể cho em điểm 10” nhưng em kiên quyết không bỏ khẩu trang. Tôi khuyên em, nếu đeo khẩu trang em nên chọn khẩu trang y tế hoặc khẩu trang có màu sắc nhã nhặn cho phù hợp với môi trường học tập, nhưng em nói: “em thích màu đèn, vì với em bây giờ cuộc đời này chỉ là màu đen”.
Để hiểu được vì sao em lại có suy nghĩ như vậy? tôi quyết định áp dụng biện pháp Nhận diện và làm bạn với học sinh chưa ngoan để tiếp xúc với Như. Qua tìm hiểu hồ sơ lưu của Như và gia đình,tôi biết được bố mẹ em bỏ nhau từ khi em mới 4-5 tuổi, em phải ở với ba và ông bà nội, khi em được 9 tuổi thì ba bắt đầu có người mới nên từ đó không còn quan tâm em và thường xuyên đánh đập em, bản thân em lại không được ai chỉ dẫn khi bắt đầu bước vào tuổi dậy thì với những thay đổi về tâm sinh lí; và trong một lần em bị ba đánh (để lại thẹo trên môi), em đã nảy sinh ý định tự tử nhưng rất may là được gia đình phát hiện kịp thời; tuy nhiên sau lần bị đánh đó, em trở nên lì lợm, bất cần, học hành sa sút, kết quả em bị ở lại lớp 6 nên bà ngoại mới xin về trường THCS An Lộc B để tiếp tục việc học (em học lại lớp 6). Kể từ khi biết được hoàn cảnh gia đình em, tôi luôn cố gắng tìm cơ hội để gần gũi em, tạo cho em cảm giác an toàn, để em hiểu được cuộc sống này không như em nghĩ, bên em vẫn còn có cô và rất nhiều người luôn quan tâm đến em. Cụ thể: mỗi khi tôi có tiết ở lớp, sau khi học xong tranh thủ 05 phút giải lao hoặc những buổi ngoại khóa, tôi luôn tìm cách gần gũi tâm sự cùng em tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của em trong học tập và cuộc sống. Như thay đổi dần dần, em trở nên cởi mở và rất thích tôi mỗi khi tôi có tiết ở lớp em, vì vậy mà em cũng dần thổ lộ tâm tư tình cảm của mình cho tôi nghe.
Trong thực tế, các nguyên nhân thường đi chung với nhau. Vì thế GVCN phải tìm ra đâu là nguyên nhân chủ yếu. Xác định được nguyên nhân, GVCN sẽ tìm phương pháp giáo dục thích hợp... nhằm giúp học sinh chưa ngoan khắc phục khó khăn, thay đổi những suy nghĩ lệch lạc.
Mỗi học sinh có một hoàn cảnh riêng biệt. Nếu như GVCN nắm bắt kịp thời hoàn cảnh sống của học sinh chưa ngoan rồi kết hợp với gia đình sẽ tìm ra biện pháp giáo dục phù hợp uốn nắn học sinh . GVCN phải tìm hiểu về tâm sinh lý của học sinh, vì học sinh cấp phổ thông có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Không còn là trẻ con nhưng cũng chưa là người lớn để tự mình giải quyết mọi tình huống. Để khẳng định mình, một vài em dễ có những hành xử bộc phát, bất ngờ mà chính các em cũng chưa ý thức được hậu quả. Các em thường bắt chước một cách thụ động những hành vi của những người gần gũi với mình.
Do ảnh hưởng của truyền hình, phim ảnh..., các em có thể chọn cho mình một thần tượng và sống theo thần tượng ấy một cách hăm hở, vô thức... Nếu như GVCN cập nhật kịp thời những thông tin này của xã hội thì học sinh sẽ cảm nhận thầy cô của mình không lạc hậu và như vậy tiếng nói của thầy cô sẽ có ảnh hưởng hơn đối với các em. Bạn bè, những mối quan hệ trong lớp, ngoài lớp cũng là điều mà thầy cô chúng ta cần quan tâm. Các em có thể tâm sự hàng giờ với bạn mà không bao giờ hé nửa lời với thầy cô, một số các học sinh còn xem bạn bè mình là chuyên gia tư vấn.
Bạn bè xấu, tốt ảnh hưởng nhiều đến nhân cách của các em. Thầy cô phải can thiệp một cách tế nhị, đúng lúc, kịp thời... và nếu như thầy cô trở thành những người bạn của các em thì không gì tốt bằng. Có những học sinh học giỏi toán, lý, hóa nhưng lại kém văn, sử và các môn KHXH khác hoặc ngược lại… Vấn đề của người thầy, người cô là thấy được điểm mạnh, điểm yếu của học sinh , khuyến khích ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm cho các em. Khi các em khẳng định thế mạnh của mình, nhận sự khuyến khích của mọi người xung quanh, các em sẽ cố gắng nhiều hơn ở các mặt còn yếu kém.
5.2.3.2. Các quy tắc:
1/ Quy tắc 2H (Hiểu rõ - Hợp tác): Với quy tắc này, sau mỗi tiết học, tôi đã tìm hiểu tình hình của lớp thông qua GVBM, tìm hiểu một cách hết sức tế nhị tình hình em Như từ cán bộ lớp, từ những em thuộc “nhóm” của học sinh “chưa ngoan” để từ đó có kế hoạch hợp lý. Khi tiếp xúc với phụ huynh của em Như, tôi không bao giờ gay gắt hay dồn dập việc báo cáo, phê bình em Như (vì hơn ai hết, họ đã từng nghe nhiều lời ca thán và đã biết rõ con em mình) mà tôi luôn giữ thái độ ôn hòa, cởi mở, tế nhị và chân tình, tạo cho phụ huynh học sinh một sự tin tưởng, thân mật và sẵn sàng hợp tác với giáo viên để giáo dục con em họ trở thành người tốt.
Vì vậy mỗi khi Như mắc lỗi (kể cả ở trường hay ở nhà), tôi luôn gọi điện hoặc trực tiếp gặp phụ huynh trao đổi để cùng nhau tìm ra hướng giải quyết kịp thời.
2/ Quy tắc 2Q (Quan tâm - Quan sát): Để thể hiện sự quan tâm của mình đối với em Như, tôi đã trực tiếp hỏi thăm em Như về hoàn cảnh gia đình, về bạn thân. Đồng thời thông qua gia đình, qua GVBM tôi hiểu thêm về năng lực học tập cũng như thái độ của Như, từ đó gián tiếp giúp đỡ, quan tâm, ân cần hơn đối với em. Ngoài ra tôi còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong nhà trường để gắn em vào những hoạt động mà em ưa thích, hoặc chia sẻ, giúp đỡ em những lúc khó khăn. Tôi kêu gọi và yêu cầu các em khác trong lớp quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ bạn, không nên xem thường và cô lập bạn, hoặc phê phán một cách thái quá dẫn đến mâu thuẫn. Tôi luôn quan sát, theo dõi Như hằng ngày về việc thực hiện nội quy trường lớp, về thái độ học tập bằng nhiều hình thức khác nhau và tôi không bao giờ vội vàng kết luận một vi phạm nào đó của Như khi tôi chưa tích lũy đầy đủ các dữ kiện nhằm tránh làm tổn thương em. Cụ thể: khi Như bị thầy cô bộ môn quở trách hay có những mâu thuẫn với bạn bè trong lớp, tôi liền trao đổi với GVBM, các em học sinh khác trong lớp và chính bản thân Như để tìm hiểu nguyên nhân của sự việc; sau đó theo dõi thái độ và hành vi của Như rồi mới đi đến kết luận và giải quyết vấn đề một cách hợp lí nhất nhằm tránh tổ thương Như, để Như nhận thức được vấn đề và tự biết sữa đổi.
3/ Quy tắc 2N (Nghiêm khắc - Ngọt dịu): Theo tôi, là một người thầy, người cô cần xử lí những vi phạm của tất cả học sinh trong lớp với một thái độ nghiêm khắc, công bằng và tôn trọng, cho dù đó là cán bộ lớp hay học sinh chưa ngoan. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu nghiêm khắc quá mức sẽ dẫn đến phản sư phạm và có tác dụng ngược. GVCN phải là người tận tụy với công việc, có tình yêu thương, tấm lòng độ lượng và bao dung đối với học sinh. Quy tắc này khiến học sinh chưa ngoan cảm thấy mình không bị ghét bỏ hay bị bỏ rơi. Tình cảm thầy trò dần được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho những tâm sự, những chia sẻ... Khi đó những lời động viên, những định hướng của GVCN sẽ đạt hiệu quả cao. Vì vậy mỗi khi Như (cũng như những học sinh khác) phạm lỗi, tôi luôn nhẹ nhàng tìm hiểu từ em, từ ban cán sự lớp, từ những người bạn chơi thân với Như và từ GVBM để biết nguyên nhân dẫn đến lỗi vi phạm của Như, để từ đó phân tích vấn đề cho Như hiểu; khi Như đã hiểu và thấy được lỗi lầm của mình tôi sẽ đưa hình phạt phù hợp để Như và các bạn khác thấy được tính kỉ luật của trường, của lớp.
4/ Quy tắc 2Đ (Động viên - Định hướng): Trong việc giáo dục học sinh chưa ngoan thì sự động viên và khuyến khích có vai trò rất quan trọng. Vì vậy tôi luôn là người trực tiếp quan tâm, động viên em trên tinh thần “mưa dầm thấm đất”. Tôi huy động và vận hành cả guồng máy: Gia đình - Giáo viên - Đoàn thể - Các tổ chức xã hội - Bạn bè học sinh - và cả cá nhân em Như để động viên, hỗ trợ, giúp đỡ Như có được tinh thần, động cơ và ý thức trong rèn luyện đạo đức và học tập. Học sinh chưa ngoan thường là những em không định hướng được mình cần phải rèn luyện những gì để hoàn thiện năng lực học tập và đạo đức. Vì vậy GVCN sẽ là người giúp các em biết quan tâm đến bản thân, gia đình... cũng như suy nghĩ đến việc chọn nghề để các em có hoài bão, ước mơ và trở thành người hữu ích.
Với quy tắc này, tôi đã giúp em hiểu ra được “ mình cần phải làm gì cho tương lai của mình”. Vì vậy từ chỗ không học bài, không làm bài tập, thích nói gì thì nói ( kể cả trong giờ học), . . . Như đã thay đổi hoàn toàn. Em không những học bài, làm bài tập đầy đủ mà còn hăng hái phát biểu ý kiến, đồng thời cũng đã biết cách kìm chế hành vi của mình. Ngoài ra em còn xác định được, với hoàn cảnh gia đình của mình, có thể em không thể theo hết con đường học vấn nên sau mỗi buổi học, , có thời gian rảnh em còn tranh thủ học thêm nghề làm tóc từ một người chị họ trong gia đình với suy nghĩ: “ nếu sau này gia đình không đủ sức lo cho em ăn học, thì em vẫn có một cái nghề nuôi thân” (vì ông bà ngoại em cũng khó khăn)
5/ Quy tắc 2T (Tâm huyết - Trách nhiệm): Chính tâm huyết và trách nhiệm sẽ giúp cho GVCN có được năng lực “cảm hóa” học sinh nói chung, học sinh chưa ngoan nói riêng. Đó là năng lực gây ảnh hưởng trực tiếp của mình đến với học sinh về mặt tình cảm và ý chí. Tâm huyết và trách nhiệm nằm trong nhân cách của người thầy giáo.
Hiểu rõ được điều này nên trong quá trình công tác, tôi luôn cố gắng hoàn thiện bản thân cả về chuyên môn lẫn đạo đức. Tôi luôn giữ cho mình lối sống lành mạnh, trong sáng; luôn chấp hành tốt mọi chủ trường, đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước, của chính quyền địa phương cũng như nội qui của trường, của ngành. Có như vậy, tôi mới có thể dùng nhân cách của mình để tác động vào học sinh, giáo dục các em nên người.
5.3. Về khả năng áp dụng của sáng kiến:
Sau khi thực hiện những biện pháp trên đến cuối năm học 2019-2020, từ một học sinh có thái độ bất cần trong học tập và cuộc sống, em Nguyễn Thị Quỳnh Như đã tiến bộ rõ rệt.
Về thái độ và hành vi: Như đã biết tôn trọng thầy cô, bạn bè và sống chan hòa với các bạn trong lớp, em không còn nghênh ngang hay tỏ vẻ bất cần khi vào lớp, đặc biệt em luôn là người tiên phong trong các phong trào của lớp và vận động các bạn cùng tham gia . Ngoài ra em còn rất quan tâm đến thầy cô; mỗi khi thấy thầy cô đứng lớp nhưng có biểu hiện mệt mỏi,Như luôn tìm cách hỏi thăm thầy cô hoặc xin phép ra ngoài chỉ để pha cho thầy cô một ly nước. Chính những hành động đơn giãn đó của Như đã làm thầy cô cảm thấy rất vui và hạnh phúc.
Về học tập: Kết quả năm học 2019-2020, em đạt danh hiệu học sinh trung bình với thang điểm khá cao (TBCM: 6,4 điểm), hạnh kiểm Khá.
Dưới đây là bảng thống kê kết quả 02 mặt của học sinh lớp 6A5
| Sĩ số lớp | Giỏi (Tốt) | Khá | Trung bình | Yếu | Kém | |||||
SL | % | SL | % | SL | % | SL | % | SL | % | ||
Học lực | 42 | 2 | 4,8 | 10 | 23,8 | 27 | 64,3 | 3 | 7,1 | 0 | |
Hạnh kiểm | 42 | 23 | 54,8 | 19 | 45,2 | 0 | | 0 | | 0 | |
và em Nguyễn Thị Quỳnh Như:
PHÒNG GD & ĐT THỊ XÃ BÌNH LONG | ||||||
TRƯỜNG THCS AN LỘC B | ||||||
KẾT QUẢ HỌC TẬP | ||||||
Năm học 2019 - 2020 | ||||||
Mã HS : | 1901663206 | |||||
Họ và tên: | Nguyễn Thị Quỳnh Như | Lớp: 6A5 | ||||
TT | Môn học | Kỳ 1 | Kỳ 2 | Thi lại | Cả năm | Ghi chú |
1 | Toán học | 5.0 | 6.6 | | 6.1 | |
2 | Vật lí | 5.8 | 5.9 | | 5.9 | |
3 | Sinh học | 5.7 | 6.9 | | 6.5 | |
4 | Tin học | 8.6 | 8.1 | | 8.3 | |
5 | Ngữ văn | 4.6 | 6.1 | | 5.6 | |
6 | Lịch sử | 4.8 | 6.7 | | 6.1 | |
7 | Địa lí | 6.3 | 7.8 | | 7.3 | |
8 | Ngoại ngữ | 6.0 | 5.0 | | 5.3 | |
9 | GDCD | 7.4 | 5.8 | | 6.3 | |
10 | Công nghệ | 5.2 | 7.1 | | 6.5 | |
11 | Thể dục | Đ | Đ | | Đ | |
12 | Âm nhạc | Đ | Đ | | Đ | |
13 | Mĩ thuật | Đ | Đ | | Đ | |
Điểm TBCM | 5.9 | 6.6 | | 6.4 | | |
Kết quả CN: | Vắng: 2 (phép), 0 (không), 0(bỏ tiết) | |||||
Học lực: T.BÌNH | Hạnh kiểm: KHÁ | Danh hiệu: (KHÔNG) | ||||||
Ý kiến của phụ huynh | Nhận xét của GVCN |
Sự tiến bộ của em đã được tập thể lớp 6A5 công nhận và xem như là tấm gương để các bạn noi theo và là động lực để tập thể lớp 6A5 phấn đấu trong học tập và rèn luyện đạo đức. Kết quả thi đua bên Đội: lớp luôn xếp loại xuất sắc. Không những vậy, Học kì I năm học 2020-2021, Như đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, hạnh kiểm Khá.
6. Những thông tin cần được bảo mật( nếu có): Không.
7. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến.
Thầy cô giáo đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh, vì vậy là một người giáo viên đặc biệt là GVCN thì cần phải quan tâm nhiều hơn, lấy tâm của người thầy- người chị- người bạn mà quản lý học sinh.
Chúng ta không nên áp dụng rập khuôn máy móc bất kỳ một phương pháp giáo dục tiên tiến nào, bởi lẽ sản phẩm đây chính là “con người”.
Để đạt được mục đích giáo dục, ta cần phải biết chọn điểm xuất phát thích hợp với đặc điểm riêng của từng trường, từng lớp, từng học sinh ,…
Tuy nhiên để giáo dục đạo đức học sinh đạt hiệu quả, theo tôi không chỉ là việc giáo dục qua vai trò chủ nhiệm và học sinh lớp chủ nhiệm, mà còn là sự phối kết hợp của toàn thể nhà trường. Vì vậy, ngoài những biện pháp mà tôi đã áp dụng cho em Nguyễn Thị Quỳnh Như, tôi còn mạnh dạn đề xuất một vài biện pháp nhằm giáo dục đạo đức học sinh cho toàn trường, cụ thể như sau:
1.Xây dựng trong nhà trường một môi trường thật tốt để giáo dục đạo đức cho học sinh
2.Nâng cao vai trò, vị trí và chất lượng giảng dạy bộ môn GDCD ở trường THCS
8. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý của tác giả:
Trong phạm vi ảnh hưởng rộng rãi tại các lớp trong trường THCS An Lộc B, nội dung sáng kiến này đã được thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Nó đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục đạo đức học sinh, đặc biệt là những học sinh chưa ngoan trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện và áp dụng giải pháp này, tôi nhận thấy một số vấn đề cần phải nghiên cứu, đó là:
- “Vai trò của mỗi giáo viên trong việc nâng cao chất lượng học tập cũng như giáo dục đạo đức của học sinh”. Giáo dục đạo đức học sinh thành công hay thất bại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Chúng ta không nên áp dụng rập khuôn máy móc bất kỳ một phương pháp giáo dục tiên tiến nào.
- Giáo viên, đặc biệt là GVCN không nên cho rằng bản thân đủ bản lĩnh cảm hóa, giáo dục các em bởi vì nếu như thầy cô rơi vào trạng thái bất lực, thiếu phương pháp sư phạm thì hậu quả sẽ rất lớn. Vì vậy, muốn duy trì tốt thành quả giáo dục cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và đặc biệt sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với Hội CMHS để tạo sức mạnh đồng bộ, toàn xã hội cùng giáo dục thế hệ trẻ. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải:
1. Xây dựng trong nhà trường một môi trường thật tốt để giáo dục đạo đức cho học sinh.
2. Nâng cao vai trò, vị trí và chất lượng giảng dạy bộ môn GDCD ở trường THCS.
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/