Skkn Một số biện pháp chỉ đạo công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở trường Tiểu học

 


Tên sáng kiến: "Một số biện pháp chỉ đạo công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở trường Tiểu học ".

I. Sự cần thiết, mục đích của việc thực hiện sáng kiến:

Như chúng ta đã biết Giáo dục - Đào tạo là Quốc sách hàng đầu là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là điều kiện để phát huy nguồn lực con người.

          Trong lịch sử nước ta “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc, nhà giáo bao giờ cũng được nhân dân yêu mến, kính trọng. Ngày nay, đội ngũ Nhà giáo và cán bộ quản lý của chúng ta ngày càng đông đảo và luôn được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất về chế độ chính sách lẫn đời sống tinh thần.

          Bởi vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ là một việc làm rất cần thiết đối với người cán bộ quản lý trường học là làm thế nào cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có năng lực chuyên môn nghiệp vụ tốt, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt, có kiến thức vững vàng trong giảng dạy để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước nhất là trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển mạnh mẻ như hiện nay.   Công tác bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên có tầm quan trọng chiến lược, có tính chất quyết định chất lượng giáo dục và dạy học trong nhà trường, bởi lẽ lao động sư phạm là lao động sáng tạo, đòi hỏi người giáo viên phải có kiến thức sâu và toàn diện, luôn tìm tòi cái mới nhằm hoàn thiện nghệ thuật sư phạm.  Qua thực trạng về đội ngũ giáo viên chưa đồng đều về trình độ chuyên môn, chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu đổi mới giáo dục. Nhận thức của giáo viên tiểu học về công tác bồi dưỡng chuyên môn còn hạn chế, chưa đúng, chưa đủ về vị trí, vai trò của công tác này trong nhà trường; hoặc việc tổ chức triển khai công tác này thiếu sự tuân thủ những nguyên tắc nhất định; nội dung của công tác bồi dưỡng chuyên môn nhiều khi thực hiện chưa đầy đủ, thiếu kế hoạch; biện pháp chỉ đạo triển khai công tác này chưa khoa học, không thường xuyên… Đó là nguyên nhân thực tiễn dẫn đến kết quả công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trong các trường tiểu học còn hạn chế.

      Tôi xác định rằng: công tác bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên  là mắt xích chủ yếu và quan trọng nhất trong hệ thống công tác quản lý. Là cán bộ quản lý của nhà trường, tôi rất trăn trở với công tác làm sao bồi dưỡng một đội ngũ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và đồng đều? Công tác này nếu có nhiều biện pháp hay sẽ có tác dụng quyết định tạo nên sự chuyển biến cao về chất lượng dạy học và giáo dục của nhà trường. Vì vậy tôi đã chọn đề tài "Một số biện pháp chỉ đạo công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở trường Tiểu học xã Hàm Rồng".

II. Phạm vi triển khai thực hiện:

Giáo viên trực tiếp giảng dạy các khối lớp ở trường Tiểu học xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

III. Mô tả sáng kiến:

1. Yêu cầu về năng lực đối với giáo viên tiểu học:

          Học sinh tiểu học ngày hôm nay phải được chuẩn bị để đón nhận những thách thức của việc hòa nhập toàn cầu, liên quan đến sự tồn tại của dân tộc, đảm bảo quốc gia có sự phát triển bền vững. Trường tiểu học không chỉ dạy chữ cho học sinh mà còn dạy cách học, dạy cách tự định hướng, dạy cách giao tiếp, ứng xử, kỹ năng sống, tạo khả năng tự nâng cao hiểu biết của bản thân…

          Năng lực chuyên môn là sự kết hợp của kiến thức và kỹ năng, thiếu một trong hai yếu tố này không thể hình thành được. Trước đây, do nhiều yếu tố, chúng ta chỉ mới coi trọng cung cấp kiến thức mà không chú ý đầy đủ và không thực hiện tốt việc hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho giáo sinh. Đến nay, chương trình đào tạo giáo viên tiểu học đã rất coi trọng việc tăng thời lượng thực hành sư phạm cho sinh viên, đảm bảo sinh viên được đào tạo đầy đủ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp.   

2. Vai trò của cán bộ quản lý trong công tác bồi dưỡng giáo viên:

          Cán bộ quản lý trước hết phải là tấm gương tiêu biểu về quá trình bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Quan trọng nhất là phải luôn khẳng định trình độ năng lực chuyên môn của mình trong tập thể sư phạm. Vì vậy trách nhiệm của người quản lý giáo dục là phải suy nghĩ, tìm biện pháp để thổi lên ngọn lửa của phong trào tự học, tự bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên bằng nhiều hình thức:

- Tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi về kinh nghiệm tự học, giúp giáo viên định hướng việc tự học, tự bồi dưỡng. Xác định được những nội dung cần phải tự học, tự bồi dưỡng và cách tự học, tự bồi dưỡng như thế nào? Cung cấp cho giáo viên các thông tin, tài liệu, xây dựng thư viện, phòng đọc, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên thực hành việc tự học, tự bồi dưỡng.

Có thể nói, tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá giáo viên là sự tiến bộ về mọi mặt của học sinh do mình phụ trách “Muốn có học sinh giỏi phải có thầy giáo giỏi”. Người cán bộ quản lý coi việc xem xét, đánh giá giáo viên theo chất lượng giảng dạy là biện pháp cốt lõi của công tác quản lý.

3. Lập kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên:

- Kế hoạch lập ra phải dựa trên thực trạng của đội ngũ giáo viên nhà trường, vào sự nỗ lực phấn đấu của bản thân từng giáo viên. Kế hoạch phải đạt được những yêu cầu sau:

+ 100% giáo viên trong trường phải hoàn thành bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ.            

+ Giáo viên muốn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi phải hoàn thành các chỉ tiêu cao: Có số học sinh giỏi cao và có sáng kiến được công nhận và phổ biến rộng rãi.

- Lãnh đạo nhà trường luôn động viên và tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên theo học các lớp bồi dưỡng thường xuyên, lớp đại học, cao đẳng tại chức.

4. Chỉ đạo sinh hoạt tổ chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy:

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn, cán bộ quản lý phải xây dựng một nề nếp sinh hoạt cụ thể. Lãnh đạo nhà trường cần chọn người tổ trưởng chuyên môn là người giỏi về chuyên môn, có uy tín với đồng nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và có khả năng lãnh đạo tổ của mình. Giáo viên thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn sẽ bàn bạc với nhau  việc thực hiện chương trình, việc giảng dạy những bài khó, cách sử dụng đồ dùng dạy học sao cho hiệu quả nhất.

          Chính vì thế, từ nhiều năm nay, nhất là trong năm học này, chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn đã được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt là các buổi sinh hoạt chuyên môn không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra tiến độ chương trình, trao đổi bài dạy khó, mà các đồng chí giáo viên còn trao đổi với nhau cách hướng dẫn học sinh giải các bài văn hay, toán khó theo cách ngắn gọn, phù hợp với đặc điểm học sinh của trường.

5. Kế hoạch thăm lớp, dự giờ và tổ chức tốt hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường hàng năm:

Thực tế cho thấy, do trình độ của giáo viên không đồng đều nên việc giảng dạy không đều tay, chất lượng học tập của học sinh bị hạn chế. Vì vậy để nâng cao chất lượng giảng dạy, lãnh đạo nhà trường cần có kế hoạch dự giờ thường xuyên (báo trước và đột xuất).

Lãnh đạo nhà trường nên có kế hoạch đi dự giờ cùng với khối trưởng chuyên môn và một số giáo viên giỏi của trường. Hàng năm cứ vào tháng 10, 11 là nhà trường phát động “Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường”. Đó là một dịp để mọi giáo viên đều phải cố gắng thể hiện khả năng của mình trước đồng nghiệp.

Chính vì việc dự giờ được tiến hành có kế hoạch nên lãnh đạo nhà trường đã phát hiện ra những giáo viên có tài năng, cử đi thi giáo viên dạy giỏi các cấp và đạt giải cao. Đồng thời cũng kịp thời giúp đỡ các đồng chí giáo viên còn non yếu về tay nghề vươn lên trong chuyên môn. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp trên mà trong những năm gần đây, năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên trong trường tôi nâng lên rõ rệt. Số lượng các đồng chí giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh năm sau cao hơn năm trước.

6. Bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi các cấp:

Muốn đẩy mạnh phong trào dạy tốt, điều quan trọng là phải xây dựng được mũi nhọn về giáo viên. Muốn có giáo viên giỏi, lãnh đạo nhà trường cần khuyến khích, động viên các đồng chí giáo viên trẻ đăng ký thi giáo viên dạy giỏi và có kế hoạch bồi dưỡng để họ có hướng phấn đấu đi lên.

Muốn có trò giỏi, trước hết phải có thầy giỏi. Thầy giỏi ở đây không phải chỉ giỏi về chuyên môn mà trước hết phải là người có tâm huyết với nghề nghiệp, có trách nhiệm cao với học sinh và mẫu mực về đạo đức, tác phong, lối sống. Có như vậy mới được học sinh kính trọng, mới là: “ Tấm gương sáng để học sinh noi theo”.

7. Tổ chức các chuyên đề:

Để thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp, hàng năm lãnh đạo nhà trường đều có kế hoạch triển khai một số chuyên đề cần thiết, phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở một số môn nhất định.

Ví dụ: Nếu năm học trước đã triển khai chuyên đề: Toán, Tập đọc, Tự nhiên xã hội, Lịch sử và địa lý, thì năm sau có thể chuyển sang các chuyên đề: Tập làm văn, Luyện từ và câu; Khoa học….Sau mỗi lần tổ chức chuyên đề, các đồng chí giáo viên nắm được sâu hơn về phương pháp giảng dạy cũng như yêu cầu cơ bản của bộ môn đó.

8. Đẩy mạnh công tác viết sáng kiến kinh nghiệm và làm đồ dùng dạy học: 

Bồi dưỡng nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học và giáo dục trong đội ngũ giáo viên.Viết sáng kiến kinh nghiệm và tham gia nghiên cứu khoa học sẽ có tác dụng thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ dạy học được tốt hơn, trình độ hiểu biết về chuyên môn cũng được nâng lên một cách cơ bản. Bên cạnh đó, trong các đợt thi giáo viên dạy giỏi các cấp, lãnh đạo nhà trường chú trọng phát động trong giáo viên phong trào tự làm đồ dùng dạy học để phục vụ tốt hơn cho bài giảng của mình. Mỗi giáo viên đều phải đầu tư, suy nghĩ để sáng tạo ra đồ dùng dạy học phù hợp với bài dạy của mình. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, phù hợp với đổi mới phương pháp hiện nay.

Qua mỗi đợt phát động, nhà trường có thêm từ 4 đến 5 đồ dùng dạy học có chất lượng, áp dụng dạy được nhiều bài và nhiều môn khác nhau. Góp phần làm phong phú, đa dạng hơn cho phòng thiết bị đồ dùng dạy học của nhà trường.

9. Nêu gương Người tốt - Việc tốt, khen thưởng khuyến khích vật chất:

Cuối cùng, một yếu tố không thể thiếu được là động viên, khen thưởng kịp thời và thích đáng với những thành tích của giáo viên dạy giỏi và chủ nhiệm giỏi. Lãnh đạo nhà trường cần có phần thưởng xứng đáng để thưởng các giáo viên dạy giỏi, khen thưởng các thầy cô giáo có nhiều học sinh giỏi. Để các thầy cô giáo yên tâm, gắn bó hết mình với nghề nghiệp, đem hết khả năng và trí tuệ phục vụ cho học sinh học tập đạt kết quả cao thì lãnh đạo nhà trường cần thực sự chăm lo, quan tâm đến đời sống tinh thần cũng như vật chất cho đội ngũ giáo viên.

Lãnh đạo nhà trường còn kết hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh để thưởng cho những giáo viên giỏi và học sinh giỏi.

IV. Kết quả, hiệu quả mang lại:

Công tác chỉ đạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy là công việc phức tạp, yêu cầu người cán bộ quản lý phải có biện pháp quản lý và tổ chức phù hợp. Để chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng cao, là cả quá trình chỉ đạo và phấn đấu của các đồng chí cán bộ quản lý và sự cố gắng liên tục của tập thể giáo viên trong trường.

  Trong năm học 2012 - 2013 trường tiểu học xã Hàm Rồng đã đạt được một số thành tích sau:

* Có 18 sáng kiến của lãnh đạo nhà trường cũng như giáo viên đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Năm Căn công nhận.

* Giáo viên giỏi các cấp: 20 giáo viên (cấp tỉnh 04 giáo viên; cấp huyện 09 giáo viên; cấp trường 07 giáo viên), đạt tỷ lệ 83,33%.

* Kết quả đánh giá xếp loại của đoàn thanh tra học chính Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Năm Căn và nhà trường:

- Xếp loại tốt: 25/29 giáo viên, đạt tỷ lệ 86,21%.

- Xếp loại khá: 04/29 giáo viên, đạt tỷ lệ 13.79%.

* Về học sinh giỏi các cấp:

- Có 01 học sinh lớp 5 đạt giải nhất cấp huyện trong kỳ thi Olympic Tiếng Việt.

- Có 11/12 học sinh đạt giải cấp huyện trong Hội thi Viết chữ đẹp, đạt tỷ lệ 91,66%. 

- Có 01 học sinh lớp 3 đạt giải nhất cấp tỉnh trong Hội thi Viết chữ đẹp.

* Chất lượng học sinh giữa học kỳ II năm học 2012-2013:

- Môn Tiếng Việt: Giỏi: 150/415 em đạt 36,14 %; Khá: 172/415 em đạt 41,45 %;

- Môn Toán: Giỏi: 175/415 em đạt 42,17 %; Khá: 124/415 em đạt 29,88 %.

V. Đánh giá về phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến:

Cán bộ quản lý nhà trường phải là những người tâm huyết với công việc và có ý thức học hỏi vươn lên trong công tác. Ngoài năng lực quản lý nhà trường, mọi thành viên trong lãnh đạo nhà trường phải có năng lực chuyên môn thật vữngvàng. Phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, có khen thưởng, động viên kịp thời để ngày càng có nhiều giáo viên dạy giỏi các bộ môn.

Lấy việc sinh hoạt nhóm, tổ chuyên môn và tăng cường việc thăm lớp, dự giờ là phương tiện hữu hiệu nhất để nâng cao năng lực chuyên môn của các thầy cô giáo. Đây cũng là phương pháp tốt nhất để xây dựng đội ngũ giáo viên.

Tóm lại, một cán bộ quản lý tâm huyết với nghề, thực sự yêu quý học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, càng khám phá càng thấy thú vị. Bỏ công sức nhiều ắt gặt hái kết quả tốt đẹp. Đó là quy luật tự nhiên.

Những sáng kiến, cải tiến trên bản thân tôi đã chắt lọc cẩn thận nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót. Rất mong sự góp ý, nhận xét đánh giá của Hội đồng khoa học các cấp, các bạn đồng nghiệp để sáng kiến được hoàn hảo hơn. 

VI. Kiến nghị, đề xuất:

Phòng GD&ĐT huyện: Thường xuyên tổ chức hội thảo, chuyên đề về bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post