CẢI TIẾN MÔ HÌNH “TIẾT SINH HOẠT CHỦ NHIỆM”
Ở CÁC KHỐI LỚP
I. Sự cần thiết, mục đích của việc thực hiện sáng kiến:
Từ trước đến nay xây dựng tiết sinh hoạt chủ nhiệm (SHCN) theo hướng tự quản được BGH Trường Tiểu học đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và tạo điều kiện để giáo viên thực hiện. Và thực sự đã được thực thi và phát huy tác dụng trong quy trình xây dựng tập thể lớp vững mạnh ở tất cả các khối lớp trong Trường Tiểu học.
Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của Ban Giám hiệu, tiết SHCN ở các lớp đã từng bước được tiến hành nghiêm túc theo đúng tinh thần của một “tập thể nhí” tự quản. Hiện tượng tiến hành tiết SHCN cho có, hoặc lấy tiết SHCN làm tiết dạy thêm, hoặc biến tiết SHCN thành giờ sát phạt, truy bức nặng nề căng thẳng đã hầu như không còn xảy ra ở các khối lớp.
Qua dự giờ thăm lớp và báo cáo, tôi thấy ở các khối lớp 3, 4, 5 quy trình một tiết SHCN theo hướng tự quản đã từng bước đi vào ổn định, từng bước trở thành nhu cầu, thành hoạt động không thể thiếu, thành nỗi mong chờ của tập thể học sinh ở nhiều lớp. Đặc biết ở lớp 5A3thực hiện tiết SHCN rất dân chủ, việc thực hiện tiết SHCN ở các khối lớp này cũng đã khởi sắc và đạt tới độ chín đáng trân trọng.
Song điều còn vướng mắc nhất, đáng băn khoăn nhất, luôn thôi thúc nhất bấy lâu nay đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm là chưa có một mô hình nào cụ thể cho một tiết sinh hoạt chủ nhiệm. Hầu hết các giáo viên trực tiếp điều hành, không phát huy được tinh thần làm chủ tập thể, tính tự quản của học sinh.
Xuất phát từ những lý do trên, tôi tiếp tục tìm kiếm, học hỏi và quyết tâm cải tiến mô hình tiết SHCN sao cho phù hợp nhất đối với tất cả các khối lớp.
II. Phạm vi triển khai thực hiện:
Sáng kiến này đã áp dụng tại Trường Tiểu học
Phạm vi áp dụng: tất cả các lớp trong giờ sinh hoạt cuối tuần. Đối tượng trực tiếp thực hiện là giáo viên chủ nhiệm và tập thể cán sự lớp.
III. Mô tả sáng kiến:
1. Thực trạng của việc thực hiện tiết SHCN
Trong những năm gần đây, tại trường Tiểu học đã bước đầu tiếp cận với mô hình tiết SHCN tự quản tuy đã đạt được những viên gạch đầu tiên cho nền móng mô hình, song qua trao đổi, tôi thấy ở tiết này vẫn còn ít nhiều chưa ổn định.
Thực tế trong năm học, tôi luôn nhận thấy khá rõ sự băn khoăn, lúng túng của giáo viên trong thiết kế, chỉ đạo và ứng xử tiết SHCN của lớp mình. Đặc biệt là học sinh lớp 1 vừa thoát thai từ mẫu giáo, có em lại không được học mẫu giáo. Việc quản lí, làm chủ bản thân còn nhiều lúc chưa sâu nói gì đến khả năng bao quát theo dõi quản lí tổ chức các hoạt động của tổ mình, lớp mình. Khả năng đọc, viết mới chỉ được làm quen buổi đầu.
Chính bởi lẻ đó nên khi thực hiện hoạt động báo cáo trong tiết SHCN, hầu như giáo viên đều phải viết sẵn cho các em từ tổ trưởng đến lớp trưởng để các em học thuộc lòng. Các em thuộc không kĩ, phải dừng giữa chừng đành chết đứng, không biết nói gì thêm. Thật thương cho các em. Thương cho giáo viên chủ nhiệm. Những tiết như thế này tôi càng thấy bức xúc phải sớm đưa ra một mô hình tiết SHCN sao cho ở tiết SHCN này vẫn phát huy được tinh thần dân chủ tự quản của các em mà vẫn đảm bảo tính chân thực, hồn nhiên vui vẻ, bớt dần và tiến tới chấm dứt yếu tố kịch bản mang nặng tính trình diễn đối phó rất phi giáo dục như hiện nay.
Để ý tưởng trên trở thành hiện thực, chắt hẳn còn phải đợi thời gian, còn phải trông chờ nhiều ở kinh nghiệm thực tiễn sinh động sáng tạo của từng giáo viên chủ nhiệm. Sáng kiến này chỉ là một phát thảo gợi ý để chúng ta cùng nhau bàn bạc, trao đổi để đi đến thống nhất.
2. Mục đích và yêu cầu của tiết SHCN
Tạo cơ hội để các em tập làm chủ tập thể, có niềm vui trong tập thể vì tập thể, biết quan tâm đến nhau, gắn bó cùng nhau trong danh dự và trách nhiệm vì mục đích xây dựng tập thể tổ, lớp ngày một tiến bộ, vững mạnh.
Vẫn thể hiện được tinh thần chung của tiết SHCN theo hướng tự quản với các hoạt động chính. Song màu sắc và cách thức thực hiện phải uyển chuyển, linh hoạt, tươi vui, hồn nhiên, hấp dẫn … tránh khô khan cứng nhắc, đơn điệu, tránh áp đặt, bày bố dàn dựng.
Đội ngũ cán sự lớp phải được thường xuyên rèn luyện làm quen với phong cách mạnh dạn, tự tin biết trình bày mạch lạc tỏ rõ những chính kiến ngắn gọn giản đơn về vấn đề mình phụ trách, mình quan tâm.
Tiết SHCN phải được coi là tiết sinh hoạt tập thể đặc biệt hàng tuần của các em, mang đậm màu sắc sao nhi đồng mà giáo viên chủ nhiệm là anh chị phụ trách thân tình, vui tính, gần gũi nhưng cũng thật nghiêm khắc, dễ thương.
3. Cách thức thực hiện các hoạt động trong tiết SHCN
3.1. Hoạt động nhận xét, khen thưởng nhắc nhỡ (10-15 phút)
Đối với các lớp 3, 4, 5 thì đây là hoạt động kiểm điểm công việc tuần qua được diễn ra dưới hình thức báo cáo của cán sự. (Đây là hoạt động chính với đối tượng các lớp lớn. Lớp càng cao thời lượng phần này càng chiếm tỉ lệ nhiều. Song không vượt quá 15 phút). Còn với lớp 1, 2 hoạt động này cần được thực hiện nhẹ nhàng không nên mang tính báo cáo, kiểm điểm nặng nề mà chỉ nên thực hiện dưới góc độ xem xét, lồng ghép luôn với khen chê từng mặt, từng tổ và từng cá nhân.
Các hoạt động có thể thực hiện như sau:
- Người điều hành:
+ Lớp 1: 15 tuần đầu giáo viên chủ nhiệm, 10 tuần tiếp theo là lớp trưởng với sự trợ giúp của giáo viên chủ nhiệm, các tuần còn lại, lớp trưởng độc lập điều hành (GVCN có thể cố vấn khi cần thiết).
+ Lớp 2, 3: 10 tuần đầu giáo viên chủ nhiệm, 5 tuần tiếp theo là lớp trưởng với sự trợ giúp của giáo viên chủ nhiệm, các tuần còn lại, lớp trưởng độc lập điều hành (GVCN có thể cố vấn khi cần thiết).
+ Lớp 4, 5: 5 tuần đầu giáo viên chủ nhiệm, 03 tuần tiếp theo là lớp trưởng với sự trợ giúp của giáo viên chủ nhiệm; các tuần còn lại, lớp trưởng độc lập điều hành (GVCN làm cố vấn).
- Công việc:
+ Tổ chức nhận xét, khen chê: người điều hành chỉ đạo lần lược từng tổ (tổ trưởng) báo cáo đơn giản ngắn gọn theo 5 nội dung: chuyên cần, kĩ luật, học tập, phong trào, cá nhân tiêu biểu (Ví dụ có thể nói: “Thưa cô và các bạn, tổ em tuần này 3 mặt đạt hoa đỏ chỉ có mặt chuyên cần đạt hoa vàng vì bạn Nam nghỉ học, bạn Bắc đi muộn. Tổ em tuyên dương bạn Đông”).
Lớp trưởng mời các bạn tổ khác nhận xét, bổ sung (nếu có). Tuy nhiên phần này không nên lạm dụng vì rất dễ xảy ra tình trạng “vạch lá tìm sâu”, sát phạt lẫn nhau làm mất thời gian và sẽ biến tướng tiết SHCN thành “đấu trường”. Sau đó lớp trưởng nhận xét (ví dụ có thể nói: “Thưa cô và các bạn, bạn An tổ trưởng tổ 2 báo cáo chính xác, đề nghị tổ 2 khắc phục việc đi muộn và nghỉ học. Mời bạn Bình tổ trưởng tổ 3 báo cáo!”).
Giáo viên xem xét công nhận và khen chê luôn rồi gắn hoa lên bảng thi đua. (Nếu không có bảng thi đua thì quy ước bằng điểm số, có thể quy ước mỗi nội dung 2 điểm). Đối với lớp 1 giáo viên nên dùng bảng thi đua và hoa màu để biểu thị thành tích của tổ.
+ Ghi bảng thi đua: chỉ nên chia 7 cột (5 nội dung). Gợi ý như sau:
Tổ | Chuyên cần | Kỷ luật | Học tập | Phong trào | Cá nhân tiêu biểu | Xếp hạng |
… | | | | | | |
… | | | | | | |
… | | | | | | |
Giáo viên trực tiếp thực hiện việc này trên bảng (có thể lập sẵn bảng phụ) theo hướng định tính bằng hình thức gắn hoa (đỏ, xanh, vàng), hoặc ghi điểm.
3.2. Hoạt động dặn dò công việc tuần mới (6–8 phút)
- Yêu cầu: cần nhẹ nhàng, ngắn gọn, thiết thực, cụ thể. Tránh chung chung, rập khuôn, máy móc. (Giáo viên thực hiện).
- Nội dung:
+ Nêu phương hướng, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm tuần qua (giáo viên chỉ cần nói mà không cần ghi bảng).
+ Nêu cụ thể các công việc trọng tâm phải làm trong tuần tới (giáo viên ghi bảng ngắn gọn). Nếu nội dung nào cần thiết thì cho học sinh trao đổi.
3.3. Hoạt động văn nghệ, vui chơi (GV cố vấn, hs điều hành) (17-20’)
- Yêu cầu:
+ Phải được coi là hoạt động chính yếu góp phần tạo nền, tạo không khí sôi nổi, vui tươi gắn kết và làm sinh động hóa, hiệu quả hóa các hoạt động khác.
+ Các trò chơi và tiết mục văn nghệ phải được chọn lọc phù hợp tâm lý lứa tuổi, mang ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa chủ đề.
- Cách thực hiện: nên sắp xếp, rải đều các trò chơi các tiết mục văn nghệ, kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong suốt tiết sinh hoạt để học sinh không nhàm chán (ưu tiên tiết mục tập thể), giáo viên cần tham gia kể mỗi tuần một truyện lí thú và bổ ích).
4. Các tiêu chí của 5 nội dung trong tiết SHCN
4.1. Chuyên cần: đi học đều, đúng thời gian. Vi phạm: nghỉ học không phép, đi học trễ, bỏ tiết học (thể dục …), bỏ tiết chào cờ, không đi lao động.
4.2. Kỷ luật: thực hiện đúng nội quy nhà trường, đúng nhiệm vụ của học sinh tiểu học, đúng 5 điều Bác Hồ dạy. Vi phạm: làm trái với các quy định trên.
4.3. Học tập: Phát biểu xây dựng bài sôi nổi, đạt được điểm cao trong học tập. Vi phạm: bị điểm yếu, không viết bài, không làm bài, không cố găng trong học tập, thực hành các môn học năng khiếu chưa tốt, không hợp tác với bạn khi học nhóm.
4.4. Phong trào: tham gia đầy đủ các phong trào thi đua (hoa điểm 10, văn nghệ, vẽ tranh, kể chuyện, TD-TT, nhân đạo, kế hoạch nhỏ, …). Vi phạm: được GVCN chọn nhưng không tham gia, lôi kéo người khác không tham gia; không quyên góp phế liệu để gây quỹ kế hoạch nhỏ, né tranh công việc trong các buổi lao động tập thể; không thực hiện tốt các nội dung trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…
4.5. Cá nhân tiêu biểu: những cá nhân đạt xuất sắc 4 nội dung trên (ví dụ: học sinh A đi học đều và đúng giờ trong suốt tuần lễ, thực hiện tốt nội quy nhà trường, đạt được 2 điểm 10, tham gia đầy đủ các phong trào thi đua trong tuần nếu có. Hoặc học sinh B nhặt được của rơi trả lại người đánh mất; hoặc học sinh C tự giác làm vệ sinh sân trường, hoặc giúp đỡ bạn, tích cực trong hoạt động nhân đạo, …)
IV. Kết quả, hiệu quả mang lại:
Sau khi triển khai mô hình này đến toàn trường và giáo viên trực tiếp giảng dạy. Qua báo cáo của GVCN lớp cũng như bản thân trực tiếp dự giờ, đã khẳng định sáng kiến đạt được kết quả thật sự thành công:
- Các em đã bước đầu làm chủ tập thể, có niềm vui trong sinh hoạt tập thể, biết quan tâm đến nhau, gắn bó cùng nhau trong danh dự và trách nhiệm vì mục đích xây dựng tập thể tổ, lớp ngày một tiến bộ, vững mạnh.
- Thể hiện được tinh thần chung của tiết sinh hoạt theo hướng tự quản với các hoạt động chính. Cách thức thực hiện tương đối uyển chuyển, linh hoạt, tươi vui, hồn nhiên, hấp dẫn hơn. Không còn tình trạng đơn điệu, áp đặt, bày bố dàn dựng. Không còn tình trạng nặng tính ganh đua, cải lại lời nhận xét hoặc tiếp thu một cách miễn cưởng.
- Đội ngũ cán sự lớp đã được rèn luyện phong cách mạnh dạn, tự tin biết trình bày mạch lạc tỏ rõ những chính kiến ngắn gọn đơn giản về vấn đề mình phụ trách, mình quan tâm.
V. Đánh giá về phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến:
Sau khi áp dụng sáng kiến này vào thực tiễn, hầu hết các giáo viên chủ nhiệm đều vận dụng một cách tích cực. Giáo viên như đã có được một lối đi vững chắc trong một tiết SHCN mà bấy lâu nay chưa được trải nghiệm.
Giáo viên Tổng phụ trách Đội rất dễ dàng trong việc tổng kết thi đua trong tuần từ kết quả của các lớp. Vì bảng thi đua của từng lớp vốn đã phản ánh một cách trung thực tất cả các hoạt động của lớp đó trong tuần.
Tiết SHCN đã được các em học sinh trông đợi, đón nhận như một tiết hoạt động tập thể đặc biệt hàng tuần của các em, vì các em, mang đậm màu sắc Đội và Sao nhi đồng. Ở nơi đó, các em được bày tỏ ý kiến; được các bạn nhắc nhỡ, trao đổi; được tập thể tôn vinh khi được “Cá nhân tiêu biểu”.
Cha mẹ học sinh tiếp nhận mô hình này một cách tích cực, nhà trường đã tạo cơ hội cho con em họ tập làm quen với “diến đàn”; họ yên tâm hơn khi con họ được bảo vệ trong môi trường trong lành, thân thiện.
Nếu được tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, tôi sẽ mạnh dạn triển khai mô hình này đến các đơn vị trường tiểu học trên địa bàn huyện Năm Căn và chắc chắn hiệu quả sẽ rất khả quan.
VI. Kiến nghị, đề xuất:
Đối với các đồng nghiệp là CBQLGD trường tiểu học:
Xây dựng mô hình tiết SHCN cho các khối lớp không chỉ là mối quan tâm, bức xúc từ lâu của trường, của mỗi giáo viên tiểu học đang trực tiếp giảng dạy mà còn là yêu cầu của thực tiễn, của chuyên môn, của mục tiêu giáo dục trong thời kì phát triển mới của đất nước. Tôi hy vọng với tinh thần chủ động sáng tạo vì phong trào, từ phong trào, từ kinh nghiệm thực tiễn chúng ta mạnh dạn nêu ra và thống nhất với nhau mô hình này với mong muốn như một gợi ý, một thử nghiệm nhằm không ngừng góp phần nâng cao từng bước chất lượng thật của tiết SHCN theo hướng tự quản.