A. LỜI GIỚI THIỆU
I. Lý do chọn đề tài:
Ngữ Văn là một môn học có ý nghĩa xã hội rất quan trọng. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, môn Văn có vai trò và sứ mệnh riêngnhưng đều nhằm mục đích phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Vận mệnh của Tiếng Việt và nền quốc văn gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Vì vậy, môn Ngữ Văn có vai trò, vị trí rất quan trọng trong nhà trường nói chung và nhà trường trung học phổ thông nói riêng giúp cho thế hệ trẻ thấy rằng: môn Văn là một nghệ thuật của cuộc sống, là quà tặng tinh thần, là kim chỉ nam của những tâm hồn đang lớn. Vì thế đây là một trong những môn học chính, quan trọng trong nhà trường.
Dạy học theo chủ đề tích hợp là một quan niệm dạy học hiện đại, nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, giúp người học nhận thức được sự phát triển xã hội một cách liên tục, thống nhất, thấy được mối quan hệ hữu cơ giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội, khắc phục được tính rời rạc trong kiến thức.
Dạy học tích hợp trong môn Ngữ văn là hình thức liên kết những kiến thức giao thoa như Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Tin học,… Rèn luyện kĩ năng sống, giáo dục bảo vệ di sản văn hóa địa phương,…để học sinh tiếp thu kiến thức, biết vận dụng vào cuộc sống và ngược lại từ cuộc sống để giải quyết các vấn đề liên quan đến môn học.
Nếu quan niệm nghệ thuật dạy học và nghệ thuật thức tỉnh trong tâm hồn các em thanh thiếu niên tính ham hiểu biết, dạy các em biết suy nghĩ và hành động tích cực, mà tính ham hiểu biết đúng đắn và sinh động chỉ có được trong đầu óc sảng khoái.
Để học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập thì tất yếu phải đổi mới phương pháp giảng dạy mà dạy học theo hướng tích hợp liên môn là một phương pháp tiêu biểu. Việc giảng dạy tích hợp trong bài Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh trong chương trình Ngữ văn lớp 12 không phủ định việc dạy các tri thức, kỹ năng riêng của từng phân môn (Đọc văn, Tiếng Việt, Làm văn) đồng thời đó còn là sự tích hợp liên môn giữa Ngữ văn và các môn học khác như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học, Tư tưởng Hồ Chí Minh… để đạt tới mục tiêu chung của bài học.
a. Cơ sở lý luận:
Việc vận dụng kiến thức liên môn với môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Tư tưởng Hồ Chí Minh và ứng dụng công nghệ thông tin làm cho hiệu quả của bài học Tuyên ngôn Độc lập được nâng cao, giúp cho học sinh học bài với niềm say mê, hứng thú. Đồng thời làm cho các em hình dung được một cách chân thực, sinh động về những cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong lịch sử gắn liền với truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta từ năm 1858 đến năm 1945. Qua đó hình thành ở các em thái độ biết ơn, biết quý trọng những con người, những vị anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước; đồng thời tự hào hơn về truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc trong thời kì hiện đại.
b. Cơ sở thực tiễn:
Mặc dù phương pháp dạy học tích hợp đã được triển khai vào trường học từ nhiều năm nay. Sở giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc cũng đã có nhiều cuộc thi soạn giảng tích hợp liên môn dành cho giáo viên và Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết một tình huống thực tiễn dành cho học sinh. Nhưng có một thực tế là trong các nhà trường phương pháp tích hợp chưa thực sự phổ biến dẫn đến hiệu quả thấp. Do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
b1. Về phía học sinh:
- Đa số học sinh còn nhiều hạn chế trong việc tiếp thu và cảm thụ văn bản văn học các em đọc mà không hiểu do ảnh hưởng nặng nề của lối sống hiện đại và đặc biệt là văn hóa nghe - nhìn. Một mặt do trình độ nhận thức của một số học sinh còn yếu, chưa có tư duy sáng tạo.
- Một số học sinh chưa nắm bắt được mối liên hệ giữa thời đại lịch sử thông qua bộ môn lịch sử, vị trí địa lí, kinh tế, xã hội qua bộ môn địa lí,... với giá trị phản ánh của tác phẩm văn học.
- Thực tế cho thấy, hiện nay một số học sinh lạm dụng sách tham khảo, tài liệu chất lượng kém làm cho các em lúng túng, thiếu tự tin, bị động, thiếu sự tìm tòi, đánh giá, phân tích chi tiết. Không phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo của từng cá nhân dẫn đến hiện tượng sao chép tài liệu một cách máy móc không xác định được kiến thức trọng tâm của bài học.
- Một thực tế đang tồn tại ở trường THPT Triệu Thái (nay là Trường THPT Ngô Gia Tự) là học sinh bị hổng, kiến thức từ các cấp, lớp học dưới, các em học trước quên sau. Cho nên học sinh rất khó tiếp thu được kiến thức của văn bản khi chưa hiểu hết ý nghĩa của các sự kiện lịch sử, vị trí địa lí, quyền và nghĩa vụ của công dân,...được sử dụng trong bài học.
- Phần lớn học sinh ít có tư liệu để đọc, tham khảo và cũng chưa có thói quen đọc sách tham khảo để bổ sung kiến thức môn học.
- Nguyên nhân khách quan là hiện nay do thời lượng dạy bài Tuyên ngôn Độc lập là quá ít để nghiên cứu trên lớp, học sinh rất khó có thể nắm bắt hết được toàn bộ các giá trị của văn bản và việc dạy tích hợp trở nên khó khăn và kém hiệu quả.
b2. Về phía giáo viên:
- Có giáo viên chỉ tập trung chuyển tải một cách rập khuôn những thông tin có trong bài học mà chưa cha chó träng khai th¸c những vấn đề liên quan.
- Giáo viên còn lúng túng khi đưa ra hệ thống câu hỏi khai thác cũng như phương pháp triển khai những văn bản văn học.
- Vẫn còn hiện tượng giáo viên thiếu nhiệt tình trong quá trình tìm tòi, sưu tầm những kiến thức liên quan bổ sung cho nội dung bài dạy dẫn đến khả năng tích hợp còn hạn chế.
- Mặt khác, kiến thức lý luận văn học của một bộ phận giáo viên chưa thật sự vững .
Từ những cơ sở trên, là một giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, tôi thấy tính ưu việt của phương pháp này hơn hẳn những phương pháp trước đây được vận dụng. Tính ưu việt của phương pháp thể hiện rõ qua thái độ, niềm say mê, kết quả tiếp nhận của học sinh trong bài học. Học sinh không chỉ được chiếm lĩnh kiến thức, có kĩ năng đọc - hiểu thể loại tuyên ngôn, văn bản chính luận mà còn có khả năng tạo lập văn bản, hiểu thêm nhiều kiến thức về cuộc sống.
Với vấn đề đặt ra như trên, tôi mạnh dạn chọn đề tài: Phương pháp dạy học tích hợp trong bài Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh, hy vọng sẽ góp phần cùng đồng nghiệp từng bước nâng dần chất lượng giờ học bài Tuyên ngôn Độc lậpcủa Hồ Chí Minh ở trường THPT Ngô Gia Tự nói riêng và các trường THPT nói chung.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Đây là một đề tài gắn liền với thực tiễn giảng dạy nên tôi tập trung nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện trong nhà trường phổ thông một cách hiệu quả.
3. Phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp phân tích - tổng hợp
Phương pháp so sánh
Phương pháp đọc - hiểu văn bản chính luận theo đặc trưng thể loại.
Phương pháp khảo sát thống kê - phân loại
Phương pháp hệ thống
Thảo luận nhóm, điều tra thực tiễn, tự liên hệ.
Tổ chức cho HS nghe băng, xem băng hình về chủ đề “Bác Hồ”.
II. Tên sáng kiến: PHƯƠNG PHÁP TÍCH HỢP TRONG BÀI “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP” CỦA HỒ CHÍ MINH.
III. Tác giả sáng kiến:
IV. Lĩnh vực áp dụng sáng kiến:
- Sáng kiến được áp dụng trong lĩnh vực giảng dạy bộ môn Ngữ văn trong
nhà trường THPT nói chung và trong bài “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh nói riêng.
V. Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu hoặc áp dụng thử:
- Sáng kiến được áp dụng lần đầu tiên vào học kì I năm học 2012 - 2013
VI. Mô tả bản chất của sáng kiến:
1. Về nội dung lí luận của sáng kiến:
a) Khái niệm:
Theo từ điển Tiếng Việt: “Tích hợp là sự kết hợp những hoạt động, chương
trình hoặc các thành phần khác nhau thành một khối chức năng. Tích hợp có nghĩa là sự thống nhất, sự hòa hợp, sự kết hợp”.
Theo từ điển Giáo dục học: “Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học”.
Trong tiếng Anh, tích hợp được viết là “integration” một từ gốc Latin (integer) có nghĩa là “whole” hay “toàn bộ, toàn thể”. Có nghĩa là sự phối hợp các hoạt động khác nhau, các thành phần khác nhau của một hệ thống để bảo đảm sự hài hòa chức năng và mục tiêu hoạt động của hệ thống ấy.
Đưa tư tưởng sư phạm tích hợp vào trong quá trình dạy học là cần thiết. dạy học tích hợp là một xu hướng của lí luận dạy học và được nhiều nước trên thế giới thực hiện.
b. Mục đích của dạy học tích hợp trong môn Ngữ văn
- Học đi đôi với hành, chú trong năng lực hoạt động.
- Dạy học hướng đến hình thành các năng lực đọc – hiểu, tạo lập văn bản theo các thể loại.
- Khuyến kích người học học một cách toàn diện hơn
- Nội dung dạy học có tính động hơn là dự trữ.
- Người học tích cực, chủ động, độc lập hơn...
c. Đặc điểm của dạy học tích hợp
- Lấy người học làm trung tâm:
- Định hướng đầu ra
- Dạy và học các năng lực thực hiện
d. Các bước thực hiện giải pháp cũng như các điều kiện cần thiết để áp dụng giải pháp.
* Quan điểm dạy học trong tổ chức dạy học tích hợp
- Dạy học giải quyết vấn đề: nhằm phát triển khả năng tìm tòi khám phá độc lập của học sinh bằng cách đưa ra các tình huống có vấn đề và điều khiển hoạt động của học sinh nhằm giải quyết các vấn đề. Cách dạy này gồm có ba bước:
Bước 1: Tri giác vấn đề
- Tạo tình huống gợi vấn đề
- Giải thích và chính xác hóa để hiểu đúng tình huống
- Phát biểu vấn đề và đặt mục đích giải quyết vấn đề đó
Bước 2: Giải quyết vấn đề
- Phân tích vấn đề, làm rõ những mối liên hệ giữa cái đã biết và cái phải tìm
- Đề xuất và thực hiện hướng giải quyết, có thể điều chỉnh, thậm chí bác bỏ và chuyển hướng khi cần thiết.
- Trình bày cách giải quyết vấn đề
Bước 3: Kiểm tra và nghiên cứu lời giải
- Kiểm tra sự đúng đắn và phù hợp thực tế của lời giải
- Kiểm tra tính hợp lý hoặc tối ưu của lời giải
- Tìm hiểu những khả năng ứng dụng kết quả
- Đề xuất những vấn đề mới có liên quan nhờ xét tương tự, khái quát hóa, lật ngược vấn đề và giải quyết nếu có thể.
* Thực hiện dạy học giải quyết vấn đề theo 4 bước
Bước 1: Đưa ra vấn đề: Đưa ra các nhiệm vụ, tình huống và mục đích của hoạt động
Bước 2: Nghiên cứu vấn đề: Thu thập hiểu biết của học sinh, nghiên cứu tài liệu
Bước 3: Giải quyết vấn đề: Đưa ra lời giải, đánh giá chọn phương án tối ưu
Bước 4: Vận dụng: Vận dụng kết quả để giải quyết bài tình huống, vấn đề tương tự.
- Dạy học định hướng hoạt động: trang bị cho học sinh các năng lực thực hiện nhiều hơn những tri thức có tính tái hiện.
Giai đoạn 1: Đưa ra vấn đề nhiệm vụ bài dạy - Trình bày yêu cầu về kết quả học tập (sản phẩm)
Giai đoạn 2: Tổ chức lập kế hoạch hoạt động giải quyết vấn đề
Giai đoạn 3: Tổ chức thực hiện theo kế hoạch, qui trình đã lập
Giai đoạn 4: Tổ chức đánh giá
e. Tổ chức dạy học tích hợp bài Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh
e1) Bài dạy học tích hợp:
Bài dạy tích hợp liên quan đến các thành phần sau:
- Giáo án tích hợp
- Đề cương bài giảng theo giáo án
- Đề kiểm tra
- Các mô phỏng, bản vẽ, biểu mẫu sử dụng trong bài giảng
Trong đó, giáo án tích hợp là thành phần quan trọng nhất. Vì vậy, để tổ chức dạy học tích hợp thành công đó là GV phải biên soạn được giáo án tích hợp phù hợp với trình độ của người học, với điều kiện thực tiễn của cơ sở đào tạo, nhưng vẫn đảm bảo thời gian và nội dung theo chương trình khung đã quy định.
e2) Giáo án tích hợp bài “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh
* Cấu trúc giáo án tích hợp
Kết hợp nghị định 62 và công văn 1610, người nghiên cứu đưa ra cấu trúc cơ bản của giáo án tích hợp.
GIÁO ÁN:7, 8. Đọc văn | Thời gian thực hiện: 2 tiết |
TÊN BÀI:
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
(Phần II: Tác phẩm) - Hồ Chí Minh
A. MỤC TIÊU CỦA BÀI:
Sau khi học xong bài này người học có khả năng:
a. Kiến thức
a.1. Môn Ngữ văn:
- Hiểu được Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực: lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng hùng hồn, sức thuyết phục to lớn.
a.2. Môn Lịch sử:
- Hiểu được Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử lớn tổng kết về một thời kì đau thương nhưng vô cùng anh dũng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc và khẳng định mạnh mẽ quyền tự do, độc lập của nước Việt
a.3. Môn Địa lý:
- Hiểu được biên giới, lãnh thổ và vị trí của nước Việt
a.4. Môn Giáo dục công dân:
- Hiểu được quyền cá nhân và quyền dân tộc cũng như trách nhiệm của mỗi công dân Việt
b. Kỹ năng
b.1. Môn Ngữ văn :
- Đọc – hiểu văn bản chính luận theo đặc trưng thể loại
b.2. Môn Lịch sử:
- Nhận biết các sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại trong đời sống của đất nước.
b.3. Môn Địa lí :
- Nhận thức được vị trí của dân tộc Việt
b.4. Môn Giáo dục công dân:
- Biết sống hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước.
b.5. Kỹ năng sống:
- Nghiêm túc, thẳng thắn, biết phân biệt tốt – xấu, bạn – thù, sống vị tha, nhân đạo, khéo léo song cũng phải dũng cảm, kiên quyết; trong đấu tranh nên dùng lí lẽ thuyết phục thay cho hành động, biết lập luận thấu tình đạt lí, đi vào lòng người,…
c. Thái độ:
- Thái độ học tập tích cực, đam mê khám phá, tìm tòi và sáng tạo
- Giáo dục ý thức đấu tranh chống cái ác, cái xấu; Lòng yêu nước, yêu con người, yêu đạo lí và yêu chuộng hòa bình.
B. ĐỒ DÙNG VÀ TRANG THIẾT BỊ DẠY HỌC
1. Giáo viên:
- Một số hình ảnh về tội ác của thực dân Pháp gây ra cho dân tộc suốt gần một thế kỉ, về nạn đói năm 1945
- Hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào sáng ngày 02 tháng 09 năm 1945; Tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt
- Phiếu học tập của học sinh
2. Học sinh:
- Chuẩn bị bài soạn ở nhà theo hệ thống câu hỏi Hướng dẫn học bài trong SGK
- Sưu tầm tài liệu về lịch sử Việt
- Bài học về tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.
C. HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC
- Phân tích - tổng hợp
- Quan sát trực quan
- Đọc - hiểu văn bản chính luận theo đặc trưng thể loại.
- Thảo luận nhóm, đàm thoại.
- Tổ chức cho HS nghe băng, xem băng hình về chủ đề “Bác Hồ”, nạn đói năm 1945, các tội ác dã man của thực dân Pháp đối với nhân dân ta.
Thời gian: 2 tiết
Ổn định tổ chức:
Lớp | Ngày dạy | Học sinh vắng |
12a1 | 14/09/2018 | |
12a4 | 18/09/2018 | |
II. THỰC HIỆN BÀI HỌC.
Dẫn nhập: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quí báu của dân tộc ta”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định truyền thống cao quí và thiêng liêng của dân tộc Việt
Hoạt động 1: Tìm hiểu những vấn đề khái quát liên quan đến bản Tuyên ngôn Độc lập
Hoạt động dạy học | Mức độ cần đạt | Tích hợp |
I. Giới thiệu chung. 1. Thể loại tuyên ngôn. - Em biết gì về đặc trưng của thể loại này ? | - Là một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn, có kết cấu chặt chẽ và liền mạch. Thường có bố cục ba phần : + Phần mở đầu : Nêu nguyên lí chung + Phần hai: Chứng minh cho nguyên lí + Phần ba: Tuyên ngôn | |
2. Hoàn cảnh sáng tác - Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh lịch sử - xã hội như thế nào ? - Học sinh chuẩn bị bài tập tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của bản “Tuyên ngôn độc lập”. HS trình bày dự án được giao. GV nhận xét, chốt kiến thức. GV mở rộng: - Phim tư liệu về tình thế “ thù trong, giặc ngoài” của nước ta khi Người đọc “Tuyên ngôn độc lập”. - Bản đồ hóa hoàn cảnh lịch sử nước ta. - Bản đồ Hà Nội và quảng trường Ba Đình. - Cung cấp bản đồ địa lý nước ta vào năm 1945 - Bổ sung những hình ảnh tư, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình vào sáng 02/09/1945. - Cung cấp tri thức lịch sử về Cách mạng tháng Tám 1945 | - Tình hình thế giới: Đầu mùa thu năm 1945 quốc tế có nhiều biến chuyển. Chiến tranh thế giới lần II đã đi vào ngày cuối với sự chiến thắng của phe Đồng minh trước phát xít. Nhân dân ta chớp thời cơ dưới sự lãnh đạo của Đảng giành chính quyềnà Cách mạng thắng lợi, nhiều đế quốc dòm ngó Đông Dương với ý đồ thôn tính nước ta. Núp sau Anh và Tưởng, Pháp muốn quay trở lại xâm lược nước ta với luận điệu lấy lại Đông Dương từ tay Nhật. - Tình hình trong nước: Ngày 26/8/1945 Hồ Chủ Tịch từ Việt Bắc về Hà Nội, tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Người đã soạn thảo bản tuyên độc lập khai sinh ra nước Việt Nam DCCH và đọc tại Quảng trường Ba Đình vào sáng ngày 2/9/1945 trước hàng chục vạn đồng bào. | Tích hợp kiến thức lịch sử lớp 12 – Bài 17: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ ngày 2 – 9 – 1945 đến trước ngày 19 – 12 - 1946 GV tích hợp kiến thức lịch sử, địa lí: - Bản đồ Việt Nam (Bài 2 – Địa lí lớp 12: Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ). - Bản đồ Hà Nội và quảng trường Ba Đình (Bài 43 – Địa lí lớp 12: Địa lí địa phương): GV tích hợp kiến thức nếp sống văn minh-thanh lịch của HS Hà Nội |
3. Ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa văn học * Nhóm 1 trình bày - Về phương diện lịch sử Bản tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa gì ? - Giá trị văn học của bản tuyên ngôn ? | - Ý nghĩa lịch sử: + Đánh dấu trang sử vẻ vang trong lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc. Chấm dứt chế độ phong kiến, thực dân, tuyên bố với quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam DCCH. + Đập tan những luận điệu xảo trá của Mĩ, Anh, Pháp về việc “khai hóa”, “bảo hộ” nhằm tái chiếm Đông Dương. - Giá trị văn học: Tuyên ngôn Độc lập là áng văn chính luận mẫu mực, phát huy thể loại văn tuyên ngôn: ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn đầy sức thuyết phục. | - Tích hợp kĩ năng Hợp tác, làm việc theo nhóm. |
4. Mục đích và đối tượng của bản tuyên ngôn * Nhóm 2 trình bày - Tìm mục đích và đối tượng của bản tuyên ngôn ? - Bổ sung hình ảnh về kẻ thù dân tộc: Anh, Pháp, Mĩ, Tưởng. | - Mục đích: + Khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc trước quốc dân đồng bào và thế giới. Bác đại diện cho cách mạng vô sản và mở đường khai sinh ra nước Việt Nam DCCH. + Thể hiện lập trường nhân đạo, chính nghĩa, nguyện vọng hòa bình cũng như tinh thần quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. + Thực sự là cuộc đấu lí, tranh luận ngầm với thực dân Pháp, xóa bỏ mọi đặc quyền đặc lợi của Pháp trên đất nước ta, mở ra một kỉ nguyên mới – kỉ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. - Đối tượng: + Nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới + Kẻ thù của dân tộc: Anh, Pháp, Mĩ đặc biệt là Pháp. | - Tích hợp kĩ năng Hợp tác, làm việc theo nhóm. |
5. Văn bản a. Bố cục : - Bản tuyên ngôn gồm có mấy phần ? Nội dung chính của từng phần là gì ? => Bố cục rõ ràng, chặt chẽ, ở mỗi phần đều có luận điểm chính và được triển khai bằng các lập luận chặt chẽ. | * Bản tuyên ngôn gồm có 3 phần: - Phần 1 (Từ đầu đến “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được” : Nêu nguyên lí chúng – luận điểm nền tảng, coi độc lập tự do, bình đẳng là những thành tựu lớn của nhân loại, đồng thời là lí tưởng hết sức cao đẹp. - Phần 2 (Tiếp theo cho đến “Dân tộc đó phải được độc lập.’’: Tố cáo tội ác của thực dân Pháp và khẳng định thực tế lịch sử là nhân dân ta đã kiên trì đấu tranh và nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam DCCH. - Phần 3 (Còn lại): Lời tuyên ngôn và những tuyên bố về ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. | - Phát triển kĩ năng lắng nghe băng ghi âm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/ 9/ 1945 |
b. Đọc văn bản | - Chú ý ngữ điệu, giọng văn | |
Hoạt động 2 : Tìm hiểu về cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn
Hoạt động dạy học | Mức độ cần đạt | Tích hợp |
II. Đọc – hiểu văn bản 1. Nguyên lí chung mang tính phổ quát. - Bác đã tạo cơ sở pháp lí cho bản tuyên ngôn bằng cách nào? | - Bác đã tạo cơ sở pháp lí cho bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc bằng cách trích dẫn hai bản tuyên ngôn: + Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ 1776: “Tất cả mọi người...quyền mưu cầu hạnh phúc” + Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp 1791: “Người ta sinh ra...về quyền lợi” => Đó là kết quả của hai cuộc cách mạng lớn của loài người à tạo cơ sở pháp lí chắc chắn có sức thuyết phục. | GV tích hợp kiến thức lịch sử: Bài 30 – Lịch sử 10: Chiến tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ – Sự thành lập Hợp chúng quốc Mĩ) & Bài 31 – Lịch sử 10 (Cách mạng tư sản Pháp) - Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ (1776) là văn bản do Jefferson soạn thảo tuyên bố li khai khỏi Anh của 13 bang thuộc địa Bắc Mĩ. - Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp (1791) do những người đại diện cho Nhân dân Pháp tổ chức thành một quốc hội công bố, là văn bản chính trị nền tảng cho cách mạng Pháp. |
- Vì sao Bác lại trích hai bản tuyên ngôn đó? - Cách lập luận có gì đặc sắc? => Bài học về kĩ năng sống : lập luận trong ứng xử thấu tình đạt lí và hiệu quả. | - Vì: + Hai bản tuyên ngôn đã được thế giới công nhận + Bác nhìn đúng đối thủ là Pháp và Mĩ. - Cách lập luận vừa khéo léo lại vừa kiên quyết : + Khéo léo : Tỏ ra trân trọng những danh ngôn bất hủ của Pháp và Mĩ + Nhắc nhở họ đừng phản bội chính tổ tiên mình nếu nhất định xâm lược Việt Nam. => Một đòn “Gậy ông lại đập lưng ông” đích đáng. Bởi không gì thích thú bằng dùng lí lẽ của đối phương với thái độ trân trọng mà có sức tiến công kiên quyết vào sự phản bội chính mình của bè lũ thực dân. | GV tích hợp kiến thức lịch sử, địa lí: - Bài 4 – Lịch sử 11: Các nước Đông Nam Á (cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX) Bản đồ lịch sử các nước Đông Nam Á giành độc lập. |
- Đặt ba bản tuyên ngôn ngang hàng, tác giả nhằm thể hiện điều gì ? Gợi cho em nhớ tới bài thơ nào ? Của ai ? | - Thể hiện ý thức bình đẳng, tự tôn, tự hào dân tộc. - Gợi lại niềm tự hào của tác giả Bình Ngô đại cáo “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần....phương”à truyền thống độc lập, tự cường dân tộc | - GV tích hợp kiến thức giáo dục công dân: Bài 3 – GDCD lớp 12: Công dân bình đẳng trước pháp luật. |
- Ý kiến bình luận của Hồ Chí Minh ”Suy rộng ra” có ý nghĩa gì ? Một nhà nghiên cứu nước ngoài đã thừa nhận : “Cống hiến nổi tiếng của cụ HCM là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết tự quyết lấy vận mệnh của mình” | - “Suy rộng ra” từ quyền con người đến quyền dân tộc à khẳng định quyền hợp pháp của dân tộc Việt Nam, khích lệ phong trào đấu tranh của các dân tộc trên thế giới, đó là cống hiến lớn lao của Hồ Chí Minh. - Cách vận dụng khéo léo, đầy sáng tạo à đóng góp riêng của tác giả và cũng là của dân tộc ta vào một trong những trào lưu tư tưởng cao đẹp vừa mang tầm vóc quốc tế, vừa mang ý nghĩa nhân đạo của nhân lọai trong thế kỉ XX. | - Bài 6 – GDCD lớp 12: Công dân với các quyền tự do cơ bản. |
=> Ý nghĩa của đoạn văn. - Đoạn văn có ý nghĩa như thế nào ? | - Ý nghĩa: + Khẳng định chính nghĩa của ta là có nguyên lí chung + Sự phản bội chính nghĩa của kẻ thù + Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ cho lẽ phải của nhân dân tiến bộ trên thế giới, bẻ gãy mọi luận điệu xảo trá của kẻ thù muốn “hợp pháp hóa” cuộc xâm lược của chúng trước dư luận quốc tế. | |
Hoạt động 3: Tìm hiểu về tội ác của thực dân Pháp gây ra cho dân tộc Việt Nam suốt gần một thế kỉ và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta giành chính quyền.
Hoạt động dạy học | Mức độ cần đạt | Tích hợp |
2. Tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tôn trọng đạo lí chính nghĩa của ta. a. Tội ác của thực dân Pháp : - Thực dân Pháp đã gây ra những tội ác dã man nào ? Dẫn chứng cụ thể ? * Tác phẩm: “Đôi mắt” của Nam Cao; “Vợ nhặt” của Kim Lân. - Cách lập luận của đoạn văn có gì đặc sắc ? | * Pháp phản bội và chà đạp lên chính nguyên lí mà tổ tiên họ đã từng gây dựng như một thành tựu của tư tưởng và văn minh. Chúng lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái che dấu những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Vạch trần công lao “khai hóa” và sứ mệnh “bảo hộ” mà thực dân Pháp cố tình rêu rao trước công luận quốc tế. * Thực chất của công lao “khai hóa”: - Chính trị: Thủ tiêu quyền tự do dân chủ, chia rẽ ba kì, tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu, thi hành chính sách ngu dân, đầu độc dân tộc ta bằng rượu cồn và thuốc phiện... - Kinh tế: Vơ vét đến tận xương tủy à nạn đói 1945 khiến hơn hai triệu đồng bào chết đói từ Quảng Trị đến Bắc kì. * Thực chất của sứ mệnh “bảo hộ”: - Khi Nhật xâm lược Đông Dương, Pháp quỳ gối đầu hàng bỏ chạy, ko bảo hộ được ta. - Trong năm năm chúng bán nước ta hai lần cho Nhật, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh, nhẫn tâm giết nốt số đông tù binh chính trị => Vạch trần bản chất thực dân xảo quyệt, tàn bạo và man rợ bằng những lời lẽ xác đáng và sự thật lịch sử không ai chối cãi được. => Đoạn văn đã vạch rõ âm mưu thâm độc, những chính sách tàn bạo, những thủ đoạn không thể tha thứ à Bản cáo trạng đanh thép về tội ác, bản chất vô nhân đạo của thực dân suốt hơn 80 năm đối với nhân dân VN bằng giọng văn mạnh mẽ đầy sức thuyết phục. * Cách lập luận: - Hình thức lặp cấu trúc cú pháp: “Sự thật là...” làm tăng tính thuyết phục, vì không gì thuyết phục bằng sự thật. Tăng tính hùng biện nhằm bác bỏ, tuyên bố thoát li hoàn toàn với Pháp, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp ở Việt Nam, vạch trần dã tâm xâm lược của Pháp trước công luận. Vì sức mạnh của chính nghĩa đồng thời cũng là sức mạnh của sự thật. - Chân xác về tư liệu, chặt chẽ về lập luận, giàu hình ảnh. Điệp từ “chúng” à “ta”: chủ ngữ chỉ có một nhưng tội ác mà chúng gây ra là vô kể, đó là những tội ác chồng chất đối với nhân dân ta. => Âm hưởng nhức nhối, dẫn chứng hùng hồn, ngôn ngữ như cháy lên ngọn lửa căm thù và chan chứa một tình cảm xót thương nhân dân. | - GV tích hợp kiến thức lịch sử Lớp 12: Cách mạng tháng Tám năm 1945. - Tích hợp khả năng cảm nhận hội họa : - Cho hs xem một số hình ảnh và vi deo về tội ác tày trời của chủ nghĩa thực dân gây ra cho nhân dân ta từ năm 1858 đến năm 1945. - Kĩ năng lập luận trong giao tiếp nhằm mục đích thuyết phục người nghe. |
b. Lập trường chính nghĩa của ta. - Ta đã làm gì ? Việc làm đó có ý nghĩa như thế nào ? - Cách lập luận của Bác trong đoạn hai có gì đặc sắc ? - Bài Bình Ngô đại cáo : “Lưu Cung tham công....Ô Mã ” | * Về phía ta: - Kêu gọi người Pháp liên minh chống Nhật à ta đứng về phe Đồng minh. - Cứu người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật à Nhân đạo - Khi Nhật hàng Đồng minh ta nổi dậy giành chính quyền à Ý chí và khát vọng độc lập - Đánh đổ các xiềng xích thực dân, phong kiến, phát xít à công lao to lớn. * Ý nghĩa: - Khẳng định ta có đủ cơ sở để hưởng độc lập. - Vạch trần lập trường phản động đê hèn của thực dân Pháp và lập trường chính nghĩa của ta qua những việc vừa anh hùng, thông minh vừa nhân đạo => Lời lẽ thấu tình đạt lí, hùng hồn giúp người nghe hiểu rõ: + Tội ác và thái độ vô trách nhiệm của Pháp + Công lao to lớn của nhân dân Việt Nam. + Phê phán chính phủ Anh, Mĩ giúp Pháp là trái với chính nghĩa. * Cách lập luận: - Pháp: từ tàn bạo, phản động à đớn hèn, mạt hạng, thất bạià thái độ căm thù cháy bỏng, ghê tởm, khinh ghét. Ta: từ thảm thương, đau đớn à hóa thân trong một tổ chức cách mạng hiên ngang trên cái nền vững chãi “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn”à thái độ xót thương và tự hào. => Phản ánh một quy luật của lịch sử: Kẻ nào chà đạp lên chân lí ắt có ngày bị chân lí trừng phạt. Đồng thời khẳng định truyền thống chính nghĩa của ta. | - Tích hợp lịch sử lớp 12: Cách mạng Tháng Tám năm 1945. - Tích hợp địa lí lớp 12: Bản đồ vùng miền. - Kĩ năng lập luận trong giao tiếp |
Hoạt động 4: Tìm hiểu về lời tuyên bố độc lập dân tộc.
Hoạt động dạy học | Mức độ cần đạt | Tích hợp |
3. Tuyên bố độc lập : - Tác giả đã tuyên bố nền độc lập dân tộc như thế nào ? | * Tuyên bố độc lập: - Tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ mọi hiệp ước mà Pháp đã kí về nước VN, xóa bỏ hết mọi đặc quyền của thực dân Pháp trên đất nước VN. - Kêu gọi toàn dân VN đoàn kết chống lại âm mưu của thực dân Pháp. - Kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập, tự do của dân tộc VN. - Khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ quyền độc lập, tự do của toàn dân tộc VN. * Ý nghĩa: - Tôn lên vị trí, tiếng nói của dân tộc ta đối với thế giới. - Lời hiệu triệu non sông đất nước, khích lệ tinh thần nhân dân hy sinh giữ nước và có sức trấn áp kẻ thù. - Khát vọng độc lập, tự do và ý chí bảo vệ quyền độc lập, tự do ấy. | - Tích hợp hệ thống hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền Độc lập dân tộc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử 2/9/1945. - Hình ảnh nhân dân cả nước trong ngày Độc lập. |
Hoạt động 6: Tìm hiểu về phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh trong văn bản
Hoạt động dạy học | Mức độ cần đạt | Tích hợp |
4. Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh trong tác phẩm. - Hãy chỉ ra những phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh thông qua tác phẩm ? | - Lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng hùng hồn, ngôn từ sáng sủa, gợi cảm: + Lập luận dựa trên lập trường quyền lợi tối cao của các dân tộc nói chung và của nhân dân Việt Nam nói riêng. + Lí lẽ xuất phát từ tình yêu công lí, thái độ tôn trọng sự thật, dựa vào lẽ phải và chính nghĩa của dân tộc ta. + Bằng chứng: xác thực, hùng hồn ko thể chối cãi à sự quan tâm sâu sắc của tác giả đến vận mệnh của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân ta. + Ngôn ngữ: à Chan chứa tình cảm tha thiết, gần gũi: Hỡi đồng bào, đất nước ta, nhân dân ta, nước nhà của ta, dân tộc ta... à Chính xác: “Thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp” à chỉ thoát li quan hệ thực dân chứ ko khước từ quan hệ ngoại giao, hữu nghị. “Xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam”à kí về (đơn phương và áp đặt) chứ không phải kí với (song phương và có thỏa thuận) | - Kĩ năng lập luận trong văn nghị luận. |
* Củng cố:
- Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tạo cơ sở pháp lý cho bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam bằng việc trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp 1791 ?
- Nêu ý nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới ?
* Hướng dẫn tự học:
- Bài cũ:
1. Đọc kĩ văn bản
2. Tìm hiểu phong cách chính luận Hồ Chí Minh được thể hiện trong văn bản
3. Làm bài tập phần Luyện tập trong sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập 1(trang 42)
- Bài mới:
Đọc trước và soạn bài Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.
IV. TƯ LIỆU PHỤC VỤ TÍCH HỢP LỊCH SỬ, GIÁO DỤC CÔNG DÂN, KĨ NĂNG SỐNG, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH :
- Lịch sử Việt Nam năm 1945: Cách mạng tháng Tám năm 1945; Tội ác của thực dân Pháp gây ra cho dân tộc VN suốt gần một thế kỉ: bóc lột về kinh tế, đàn áp về chính trị, thủ tiêu văn hóa, giáo dục, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí,…
- Giáo dục công dân: Đánh thức nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với đất nước, dân tộc trong thời kì công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
- Kĩ năng sống: Đúng đắn, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức gia đình và đạo đức xã hội.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh: Tư tưởng Độc lập dân tộc gắn liền với quyền lợi của mỗi cá nhân.
III. RÚT KINH NGHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
............................................................................................................................................................................................................................................................................................
Tổ trưởng chuyên môn | Ngày 12 tháng 02 năm 2020 Nguyễn Thị Thúy |
g. Quy trình tổ chức dạy tích hợp bài “Tuyên ngôn Độc lập”
Bước 1: Xác định bài dạy tích hợp
Bước 2: Biên soạn giáo án tích hợp: Gồm các bước sau:
* Xác định mục tiêu của bài học
Xác định chi tiết mục tiêu học tập của từng bài ở 3 mặt kiến thức, kỹ năng và thái độ.
* Xác định nội dung bài học
Dựa vào mục tiêu sẽ chọn lọc nội dung trình bày ngắn gọn, súc tích và để biết cách sắp xếp, trình bày nội dung kiến thức một cách dễ hiểu, mạch lạc, logic, chặt chẽ, giúp HS hiểu bài và ghi bài một cách dễ dàng.
* Xác định các hoạt động dạy-học của GV và HS
- Hoạt động dạy và học tập trung hướng tới mục tiêu
- HS phải hình thành và phát huy năng lực hợp tác
- Để HS nêu cao trách nhiệm trong quá trình học
- HS phải học cách tìm kiếm thông tin
- HS bộc lộ năng lực
- HS rèn luyện để hình thành kỹ năng sống
Từ việc xác định các hoạt động học tập trên thì người giáo viên sẽ lựa chọn được phương pháp dạy học phù hợp cho từng bài dạy
* Xác định các phương tiện dạy học sử dụng trong bài dạy
Căn cứ vào nội dung và phương pháp dạy học mà giáo viên lựa chọn các phương tiện dạy học nhằm tổ chức tốt hoạt động dạy - học của bài học.
* Xác định thời gian cho mỗi nội dung của giáo án.
* Rút kinh nghiệm sau khi thực hiện giáo án: Công tác chuẩn bị, quá trình thực hiện, kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ mà học sinh lĩnh hội được.
Bước 3: Thực hiện bài dạy tích hợp
Bài dạy tích hợp tương ứng với kỹ năng, kỹ năng là năng lực hay khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi. Trong kỹ năng này thường gồm nhiều tiểu kỹ năng. Vì vậy, để thực hiện bài dạy tích hợp, GV cần dạy từng tiểu kỹ năng.
Bước 4: Kiểm tra đánh giá
- Học sinh: Thực hiện bài kiểm tra về các mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ theo mục tiêu bài học đề ra.
- Giáo viên: Từ kết quả kiểm tra mà học sinh đạt được, giáo viên sẽ điều chỉnh nội dung, thay đổi phương pháp dạy học để chất lượng dạy - học ngày một
tốt hơn.
5. Điều kiện tổ chức dạy học tích hợp
- Chương trình dạy học: Chương trình đào tạo được xây dựng mới theo hướng tích hợp
- Phương pháp dạy học: Các phương pháp dạy học được áp dụng theo định hướng tích hợp giữa truyền thụ kiến thức/lý thuyết với hình thành rèn và luyện kỹ năng/thực hành, nhằm tạo điều kiện cho người học chủ động tham gia và hình thành cho người học năng lực thực hành nghề.
- Phương tiện dạy học: Phương tiện dạy học bao gồm cả học liệu được thiết kế, phát triển phù hợp với chương trình đào tạo.
- Giáo viên: Giảng dạy tích hợp là dạy kết hợp lý thuyết và thực hành, do vậy giáo viên phải đảm bảo dạy được cả lý thuyết và thực hành. Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng tay nghề thì giáo viên phải có trình độ xác định các mục tiêu bài dạy, phân bố thời gian hợp lý, chọn lựa phương pháp dạy học phù hợp, khả năng bao quát và điều hành hoạt động của người học.
- Học sinh: Học sinh phải chủ động, tích cực, độc lập, có tinh thần hợp tác.
- Đánh giá: Đánh giá kết quả học tập nhằm xác định/công nhận các năng lực mà người học đã đạt được thong qua đánh giá sự thực hiện cũng như mức độ đạt được các mục tiêu kiến thức, kỹ năng và thái độ.
- Cơ sở vật chất: Bản chất của dạy học tích hợp là tổ chức dạy học kết hợp giữa dạy lý thuyết và dạy thực hành trong cùng không gian, thời gian và địa điểm. Điều này có nghĩa là khi dạy một kỹ năng nào đó thì phần kiến thức liên quan đến đâu sẽ được dạy đến đó và sẽ được thực hành ngay kỹ năng đó. Do đó phòng dạy tích hợp sẽ khác phòng dạy lý thuyết và phòng chuyên dạy thực hành, tức là phải trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học, cũng như dụng cụ thực hành kỹ năng, cụ thể phải đáp ứng điều kiện dạy được cả lý thuyết và thực hành: hiện tại chưa có chuẩn quy định về loại phòng này. Tuy nhiên do đặc điểm của việc tổ chức dạy học tích hợp cho nên phòng học phải có chỗ để học lý thuyết đồng thời cũng phải có chỗ để bố trí máy móc thiết bị thực hành. Vì vậy, diện tích phòng dạy học tích hợp phải đủ lớn để kê bàn, ghế học lý thuyết, lắp đặt các thiết bị hỗ trợ giảng dạy lý thuyết, lắp đặt đủ các thiết bị thực hành cho học sinh
Như vậy, trong quá trình tổ chức cho học sinh khai thác nội dung của bài học, giáo viên đã vận dụng và hướng dẫn học sinh áp dụng phương pháp tích hợp một cách linh hoạt, đa dạng ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh và nhiều phạm vi.
2. Về khả năng áp dụng của sáng kiến:
- Sáng kiến đã được sử dụng một cách hiệu quả trong công tác dạy học theo định hướng tích hợp môn Ngữ văn nói chung và bài “Tuyên ngôn Độc lập” nói riêng.
- Sáng kiến có tính khả thi trong việc giảng dạy bài “Tuyên ngôn Độc lập” trong hệ thống nhà trường THPT.
- Lợi ích từ sáng kiến: Học sinh dễ tiếp thu, nhớ lâu, liên hệ tốt và có kĩ năng sống linh hoạt, năng động và hoàn thiện.
VIII. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:
- Phải có kiến thức về các bộ môn có liên quan như Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Tin học và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Phòng học bộ môn đảm bảo cơ sở vật chất về Máy chiếu, máy tính xách tay,…
- Sưu tầm hệ thống hình ảnh có giá trị đối với học sinh về lịch sử dân tộc từ năm 1858 đến năm 1945.
IX. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả và theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử (nếu có) theo các nội dung sau:
1. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:
Với nội dung nghiên cứu và đưa vào áp dụng cụ thể sáng kiến kinh nghiệm trên, bản thân nhận thấy những lợi ích do áp dụng sáng kiến như sau:
* Về phía học sinh :
- Học sinh sẽ dành thời gian đọc, tiếp cận văn bản nhiều hơn. Buộc các em phải tìm tòi, suy nghĩ để chuẩn bị bài có hiệu quả.
- Tạo cho học sinh tính nhạy bén, năng động, sáng tạo và hứng thú với giờ học văn.
- Mặt khác, hạn chế tối đa thời gian “chết” đối với học sinh, không để cho các em có cơ hội tham gia vào các hoạt động vô bổ ngoài giờ học.
- Học sinh vừa nắm được bài học lại đồng thời có điều kiện ôn lại kiến thức Lịch sử, hiểu thêm về Địa lý, về những hiểu biết xã hội...
* Về phía giáo viên :
- Thúc đẩy giáo viên đầu tư nhiều hơn trong công tác chuẩn bị, thiết kế giáo án cho phù hợp với tinh thần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “lấy học sinh làm trung tâm”
- Đầu tư nghiên cứu kiến thức liên môn có liên quan để cùng hợp tác với học sinh giúp các em chiếm lĩnh nội dung bài học. Đặc biệt chú trọng đến kiến thức của phân môn tiếng Việt và làm văn.
- Làm tốt công tác đầu tư cho tiết dạy sẽ giúp giáo viên chủ động, linh hoạt trong khâu tổ chức, hướng dẫn học sinh tự khai thác và chiễm lính kiến thưc; mặt khác sẽ tránh được sự lúng túng bị động khi học sinh chất vấn về những thông tin liên quan.
- Áp dụng có hiệu quả phương pháp dạy học tích hợp thì khi lên lớp giáo viên sẽ đỡ vất vả vì không phải làm việc nhiều.
Trên đây là kết quả nghiên cứu và thực nghiệm bước đầu của đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Phương pháp tích hợp trong bài Tuyên ngôn Độc lậpcủa Hồ Chí Minh” góp phần nâng cao chất lượng giờ học Ngữ văn ở trường THPT. Rất mong nhận được ý kiến nhận xét, đánh giá và đóng góp của Hội đồng khoa học nhà trường cũng như các đồng nghiệp để đề tài từng bước hoàn chỉnh và áp dụng có hiệu quả hơn nữa. Xin chân thành cảm ơn !
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/