PHẦN I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lý do chọn đề tài.
Từ ngàn đời nay, Biển Đông cùng với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của mọi ngườidân đất Việt. Quyết tâm giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đã thôi thúc nhân dân Việt Nam đoàn kết hơn, chung sức, đồng lòng vì biển đảo thân yêu.
Việt Nam là đất nước trải qua nhiều thăng trầm, đau thương và mất mát. Có đi dọc những nghĩa trang liệt sỹ ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước; có gặp, nói chuyện với những người đã gửi một phần tuổi trẻ, thanh xuân cho đất nước; có tận mắt nhìn những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam..., thì mới thấm thía giá trị của hòa bình, mới quý trọng vô cùng máu xương của cha anh đã dâng hiến cho Tổ quốc.
Thế hệ trẻ hôm nay chưa đi qua cuộc chiến, sẽ chưa hiểu hết sự khốc liệt của chiến tranh. Nhưng chúng ta có thể thấy ở những quốc gia đang hàng ngày phải hứng chịu bom rơi đạn nổ, có thể gặp các thế hệ đi trước, để biết rằng, không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đại thắng mùa xuân 1975 trở thành dấu son chói lọi đối với dân tộc và mỗi người con quê hương đất Việt. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta vẫn quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Với biển đảo quê hương, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trải qua nhiều mất mát, đau thương nên Việt Nam luôn thực tâm mong mỏi và quyết tâm gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông. Song, Việt Nam cũng bằng mọi biện pháp để luôn mạnh mẽ đấu tranh không khoan nhượng trước hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình đã được công nhận theo luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động chưa từ bỏ âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình, can thiệp vào công việc nội bộ, gây mất ổn định chính trị - xã hội, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới biển đảo của nước ta thì bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biên giới quốc gia trên biển là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thế kỉ XXI bởi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số hiện nay, tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo được trên đất liền sẽ bị cạn kiệt sau vài ba thập kỉ tới. Trong bối cảnh đó, các nước có biển, nhất là các nước lớn đều vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển nên các nhà chiến lược xem thế kỉ XXI là “thế kỉ đại dương”. Việt Nam là một quốc gia có biển, biển Việt Nam không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn mà còn là cửa ngõ để chúng ta mở rộng quan hệ với quốc tế; Biển còn đóng vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng, là địa bàn chiến lược quan trọng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Môn lịch sử với chức năng giáo dục của mình đã “...góp phần hình thành thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, cách mạng, bồi dưỡng các năng lực tư duy hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội”. Đặc biệt trong xu thế quốc tế hóa ngày càng mở rộng, việc giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị truyền thống, những phẩm chất cao quý và những bài học lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng và môn lịch sử ở nhà trường phổ thông đã góp phần quan trọng trong chiến lược chung của quốc gia về giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo Tổ quốccho học sinh – những người làm chủ tương lai củađất nước.
Xuất phát từ những lí do trên, tôi chọn vấn đề “Giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho học sinh trong dạy học Lịch sử Việt Nam ở trường THPT” (chương trình chuẩn) làm đề tài cho sáng kiến kinh nghiệm của mình, với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc và khơi dậy trong các em, ý thức đóng góp sức mình vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền dân tộc trong đó có chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
2. Điểm mới, đóng góp của đề tài
Kết quả nghiên cứu đề tài góp phần làm phong phú về mặt lí luận dạy học, khẳng định vai trò, ý nghĩa của giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho học sinh Trung học Phổ thông trong dạy học lịch sử.
Đồng thời, đề tài đề xuất những phương pháp tổ chức các hoạt động dạy học lịch sử Việt Nam cho học sinh nhằm giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiệu quả, nâng cao chất lượng bộ môn.
Đề tài giúp tôi trong quá trình dạy học thực tiễn, ngoài ra đề tài là tài tiệu tham khảo đối với các đồng nghiệp, đặc biệt đối với giáo viên dạy môn lịch sử ở các trường Trung học Phổ thông cũng như những ai quan tâm tâm và vận dụng nội dung kiến thức về vấn đề chủ quyền biển, đảo trong dạy học Lịch sử Việt Nam ở trường THPT vào quá trình dạy học, góp phần nâng cao chất lượng và tính hiệu quả trong dạy học bộ môn Lịch sử ở trường THPT trong cả nước. Đề tài còn góp phần đổi mới phương pháp dạy học hiện nay và tiến tới thay đổi SGK, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tới.
PHẦN II. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC GIÁO DỤC Ý THỨC VỀ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO TỔ QUỐC CHO HỌC SINH TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG THPT
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.1. Một số khái niệm
1.1.1.1. Khái niệm “Ý thức”, “Giáo dục ý thức”
Theo từ điển Tiếng Việt:
“Ý thức” là khả năng của con người phản ánh và tái hiện hiện thực vào trong tư duy; là sự nhận thức đúng đắn, biểu hiện bằng thái độ hành động cần phải có (ý thức được việc làm của mình).
“Giáo dục” là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra.
“Giáo dục ý thức” là sự phản ánh của hiện thực khách quan, hình thức thông qua quá trình giáo dục con người. Như ý thức về chủ quyền lãnh thổ tổ quốc, ý thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc...Giáo dục ý thức chính là quá trình giáo dục làm khơi dậy sự phản ánh của hiện thực khách quan cho con người.
1.1.1.2. Khái niệm “chủ quyền biển, đảo”
Khái niệm “chủ quyền biển, đảo” nằm trong khái niệm “chủ quyền lãnh thổ quốc gia”.
Theo Từ điển thuật ngữ Lịch sử phổ thông: “chủ quyền quốc gia” là quyền cao nhất của một dân tộc, một quốc gia độc lập, tự mình làm chủ đất đai, tài sản, tự mình quyết định vận mệnh của mình. Những nội dung này được khẳng định trong pháp luật mỗi nước, trong văn bản pháp lý quốc tế, là nguyên tắc cơ bản cần tuân theo.
Vì vậy, “Chủ quyền lãnh thổ quốc gia” là quyền tối cao tuyệt đối, hoàn toàn và riêng biệt của quốc gia đối với lãnh thổ và trên lãnh thổ của mình. Quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ là quyền quyết định mọi vấn đề của quốc gia đối với lãnh thổ, đó là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Quốc gia có quyền đặt ra quy chế pháp lí đối với lãnh thổ. Với tư cách là chủ sở hữu, Nhà nước có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với lãnh thổ thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước như các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo Hiến pháp 1992 của nước ta: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) được thông qua tại thành phố Môn-tê-gô-bay của Gia-mai-ca vào ngày 10-12-1982. Công ước đã có hiệu lực và hiện nay có 161 thành viên tham gia, trong đó có các nước ven Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po và Bru-nây. Công ước quy định các quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chiều rộng của các vùng biển này được tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của quốc gia ven biển. UNCLOS 1982 quy định rất rõ quy chế pháp lý của từng vùng biển.
1.1.2. Nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong dạy học Lịch sử dân tộc ở trường phổ thông
1.1.2.1. Giáo dục ý thức cho HS về vai trò, vị trí của biển, đảo trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Thông qua bài học lịch sử HS thấy được vai trò của biển, đảo nước ta: Đã bao đời nay gắn với đời sống kinh tế, văn hóa con người Việt Nam. Biển, đảo đã góp phần tạo nên những thắng lợi hiển hách trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Biển, đảo có vị trí quốc phòng an ninh quan trọng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển luôn gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vươn ra biển, khai thác những tiềm năng của biển để làm giàu đất nước cũng chính là bảo vệ Tổ quốc từ phía biển.
1.1.2.2. Giáo dục cho HS ý thức về chủ quyền quốc gia và quá trình chiếm hữu thật sự, hòa bình và thực thi liên tục chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ thời phong kiến đến nay.
Đó là quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền biển, đảo - Trường Sa, Hoàng Sa cũng như Sự khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử được thể hiện hết sức mạnh mẽ qua các hoạt động: Quản lý hành chính liên tục, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, vẽ bản đồ… Từ thời phong kiến đến Pháp đô hộ (1884-1954 ), đến giai đoạn Việt Nam tạm thời bị chia cắt (1954 – 1975) và thời kỳ đất nước thống nhất cho đến nay.
1.1.2.3. Giáo dục cho HS về những giá trị, tiềm năng kinh tế biển, đảo Việt Nam và vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo.
Giá trị, tiềm năng kinh tế biển, đảo Việt Nam hết sức to lớn: Du lịch, nguồn thủy hải sản phong phú không chỉ là nguồn sống của ngư dân ven biển mà còn là nguồn đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm kinh tế quốc dân, ịch vụ giao thông biển đang ngày càng được chú trọng. Nguồn khoáng sản biển hết sức đa dạng: Cát, sỏi, muối, titan, monazite... với trữ lượng lớn, dễ khai thác. Đáng kể là dầu thô và khí đốt là những nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú ở khu vực biển Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đồng thời cũng là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nền kinh tế. Tuy nhiên tài nguyên, môi trường biển, đảo đang bị đe dọa:Ô nhiễm nguồn nước, khai thác bừa bãi, mang tính hủy diệt, khai thác chưa đi đôi với bảo vệ bền vững, việc đánh bắt hải sản bằng các phương tiện “hủy diệt” như mìn, hóa chất, xung điện, lưới nhỏ hay khai thác san hô để nung vôi, làm đồ trang trí… vẫn diễn ra ở các vùng biển nước ta. Các tài nguyên khác như khoáng sản, vận tải biển, du lịch biển, tài nguyên địa chiến lược… chưa được đầu tư khai thác đúng mức nên chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.
Tình hình trên đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, vì đây là vấn đề sống còn và cấp bách, ảnh hưởng lâu dài đến sự tồn tại và phát triển của từng quốc gia, dân tộc. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là phải đưa nội dung bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo vào trong nhà trường. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng không thể thiếu khi thực hiện mục tiêu giáo dục cho HS về chủ quyền biển, đảo trong dạy học LSDT ở trường THPT.
1.1.2.4. Giáo dục cho HS về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hiện nay.
Từ thời phong kiến cho đến nay, Việt Nam luôn đấu tranh cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực cũng như của thế giới. Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề biển, đảo - Hoàng Sa và Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế, trên cở sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà. Dựa vào những bằng chứng lịch sử và pháp lí quốc tế, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng luôn khẳng định lập trường nhất quán về chủ quyền không thể tranh cãi của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
1.1.3. Vai trò, ý nghĩa của việc giáo dục cho học sinh về chủ quyền biển, đảo trong dạy học Lịch sử ở trường THPT
1.1.3.1. Về kiến thức: Thông qua việc dạy học Lịch sử nhằm giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho HS để HS biết được vị trí địa lí, tầm quan trọng của biển, đảo, những thành tựu về kinh tế, những mối đe dọa đối với biển, đảo như tranh chấp chủ quyền, ô nhiễm môi trường…); biết được những nét chính về quá trình xác lập, thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; biết được những thay đổi mạnh mẽ của kinh tế, xã hội ở các vùng biển đảo nước ta hiện nay. HS được khắc sâu những kiến thức cơ bản của bài học Lịch sử, nắm bắt được vai trò của biển, đảo trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vai trò của biển, đảo đối với công cuộc phát triển kinh tế đất nước hiện nay.
1.1.3.2. Về phẩm chất năng lực: Thông qua việc dạy học Lịch sử dân tộc nói chung, dạy học về chủ quyền biển, đảo Việt Nam nói riêng nhằm giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào về lịch sử lâu đời của dân tộc; bồi dưỡng ý thức độc lập dân tộc, bảo vệ sự thống nhất nước nhà qua nhiều thế kỉ. Giáo dục lòng biết ơn đối với các thế hệ tổ tiên, các anh hùng dân tộc đã chiến đấu vì độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc trong đó có chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Từ đó có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, xác định động cơ học tập vì lý tưởng cao đẹp, phục vụ lợi ích của Tổ quốc.
Ngoài ra nhằm hình thành và phát triển cho HS các năng lực tư duy như: Phát hiện, phân tích, khả năng xác định điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, mối quan hệ tác động qua lại giữa biển, đảo với đời sống con người trong xã hội, rèn luyện cho HS năng lực đánh giá, nhận xét vai trò của biển, đảo đối với sự vận động và phát triển của xã hội. Qua đó các em sẽ có khả năng phân biệt, có thái độ ứng xử đúng đắn đối với vấn đề chủ quyền biển, đảo hiện nay
1.2.1. Thực trạng của việc giáo dục cho học sinh về chủ quyền biển, đảo trong dạy học Lịch sử ở trường THPT
Việt Nam là một quốc gia biển có hơn 3260 km bờ biển và 4000 hòn đảo, trong đó có 2 quần đảo Hoàng sa, Trường Sa nằm giữa Biển Đông – một giao lộ hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Tài nguyên biển đa dạng: thuỷ-hải sản (11000 loài sinh vật…); dầu khí, băng cháy, đất hiếm,…tiềm năng du lịch rất lớn với 125 thắng cảnh. Biển đảo Việt Nam là một bộ phận của lãnh thổ Tổ quốc chúng ta, có vai trò to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay. Đặc biệt trong thời gian gần đây dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đã dành sự quan tâm rất lớn đến chủ quyền biển đảo, nhất là khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép HD 981 trong vùng thềm luc địa nước ta, bởi vậy việc giáo dục về biển đảo Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong nhà trường phổ thông hiện nay.
Bên cạnh đó toàn ngành giáo dục đang ra sức thực hiện công tác đổi mới phương pháp dạy học để mang lại hiệu quả cao. Riêng bộ môn lịch sử trong thời gian gần đây cũng thường xuyên bị “đưa lên bàn cân” vì sự thờ ơ của học sinh, vì kết quả thấp trong các kỳ thi hàng năm, ý thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của thế hệ trẻ nói chung và học sinh THPT nói riêng đang có chiều hướng đi xuống, thế hệ trẻ hôm nay khi nhắc đến vấn đề chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thì rất “mơ hồ” vậy nên nhiệm vụ của GV môn lịch sử phải giáo dục HS đế các em nhận thức được quá trình xác lập chủ quyền biển đảo, tầm quan trọng của việc khai thác chủ quyền biển đảo, chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về chủ quyền biển đảo, cũng như thấy được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.
Để hiểu rõ thực tiễn việc giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho học sinh trong dạy học lịch sử ở nhà trường phổ thông, tôi tiến hành điều tra, khảo sát một số trường THPT trên địa bàn huyện (Phụ lục 1, 2).
1.2.1.1.Về nội dung điều tra:
Đối với Giáo viên: Tôi tập trung làm rõ một số vấn đề chủ yếu như: Sự cần thiết phải giáo dục cho HS về chủ quyền biển, đảo trong dạy học LSDT những nội dung về vấn đề biển, đảo trong SGK Lịch sử hiện nay, phương pháp dạy học những nội dung về biển, đảo trong các bài học LSDT, những ý kiến đề xuất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn cũng như nâng cao hiệu quả dạy học về vấn đề biển, đảo trong các bài học LSDT ở trường THPT..
Đối với Học sinh: Tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản như sau:Tìm hiểu sự hứng thú của HS đối với vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam, nhận thức của HS về vấn đề chủ quyền biển, đảo thông qua các môn học, các hình thức giáo dục chủ quyền biển, đảo được tổ chức trong nhà trường, sự hiểu biết của các em về vấn đề chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, khó khăn của HS trong học tập nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo.
1.2.1.2. Về phương pháp điều tra
Tôi tiến hành các phương pháp như dùng phiếu điều tra, trao đổi trực tiếp với GV, HS, quan sát, dự giờ... Sau khi xử lý các nguồn thông tin điều tra, kết quả điều tra thực tiễn đã cho phép tôi rút ra một số kết luận về các vấn đề đã đặt ra như sau:
Về phía Giáo viên:
Khi hỏi về sự cần thiết phải giáo dục cho HS về chủ quyền biển, đảo trong dạy học LSDT: có 90% GV được hỏi đều cho rằng đây là việc làm rất cần thiết, 100% cho rằng cần thiết, không có ý kiến nào cho rằng đây là việc làm không cần thiết.
Về bộ môn có ưu thế trong việc giáo dục cho HS về chủ quyền biển, đảo trong nhà trường phổ thông: có đến 90% GV cho rằng môn Lịch sử có ưu thế nhất, có 50% ý kiến GV cho rằng môn Địa lý, 50% ý kiến cho rằng môn Giáo dục công dân và môn Giáo dục quốc phòng là 25%.
Về sử dụng Phương pháp dạy học đối với môn Lịch sử khi dạy phần LSDT nói chung và dạy học về nội dung chủ quyền biển, đảo nói riêng: Có đến 90% ý kiến cho rằng cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp dạy học kết hợp giữa dạy học hiện đại và truyền thống nhằm phát huy được tính tích cực, độc lập của HS. Tuy nhiên vẫn còn một số ít GV (10%) có ý kiến không muốn đổi mới phương pháp dạy, vẫn muốn sử dụng phương pháp truyền thống.
Về thực trạng của việc giáo dục cho HS về chủ quyền biển, đảo trong nhà trường phổ thông hiện nay: Có đến 75% ý kiến cho rằng có đề cập tới vấn đề giáo dục chủ quyền biển, đảo cho HS trong nhà trường, 25% GV có dạy lồng ghép nội dung chủ quyền biển, đảo; 15% ý kiến cho rằng có đưa vấn đề chủ quyền biển, đảo vào dạy lồng ghép trong các môn như Địa lý, Giáo dục công dân và môn Giáo dục quốc phòng.
Khi hỏi về hình thức để giáo dục cho HS về chủ quyền biển, đảo trong dạy học LSDT: có 50% ý kiến GV cho rằng muốn thực hiện việc giáo dục chủ quyền biển, đảo cho HS trong bài học nội khóa LSDT và bài LSĐP, 90% ý kiến GV chọn hình thức ngoại khóa để tuyên truyền giáo dục về vấn đề này; 10% cho rằng HS tự tìm hiểu, tiếp cận, khai thác trên các kênh thông tin (mạng Internet, tivi, báo, radio…).
Về vấn đề nội dung chương trình trong SGK, tất cả GV được hổi đều nhấn mạnh: Vấn đề xác lập, thực thi liên tục chủ quyền biển, đảo của nhà nước ta qua các thời kì lịch sử (từ thế kỉ XVII đến nay) và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay của Việt Nam cần được đưa vào chương trình SGK phần LSDT ở tất cả các khối lớp.
Kết quả thu được từ phiếu điều tra HS về sự cần thiết của việc đưa nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo vào chương trình SGK phần LSDT: Có 90% ý kiến HS cho rằng đây là việc làm cần thiết, chỉ có 10% cho rằng đây là việc làm không cần thiết.
Khi hỏi hiểu biết của các em về những vấn đề cơ bản nhất liên quan đến biển, đảo Việt Nam cũng như những tài liệu chứng minh cho chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Chỉ có khoảng 20% HS trả lời đúng, còn lại đa số các em trả lời sai hoặc không trả lời.
Khi đề cập tới các hình thức giáo dục chủ quyền biển, đảo đã được tổ chức trong nhà trường: Có 70% ý kiến HS cho rằng đã đưa vào chương trình nội khóa dạy lồng ghép trong một số môn học như Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý, Giáo dục quốc phòng; 90% HS cho rằng nhà trường đã tiến hành tổ chức hoạt động ngoại khóa.
Về hình thức giáo dục chủ quyền biển, đảo gây hứng thú cho HS: Đa số các em cho rằng hình thức tổ chức ngoại khóa gây nhiều hứng thú cho các em trong học tập (90%), một số ít (25%) cho rằng bài học nội khóa.
Những khó khăn của bản thân trong học tập các nội dung giáo dục về chủ quyền biển, đảo: 88.9% HS cho rằng thiếu dụng cụ, tài liệu học tập; 61.1% cho rằng GV lên lớp chưa thực sự hấp dẫn; 52.8% HS cho rằng đó là những kiến thức khô khan, nhàm chán.
Nhận xét: thông qua việc khảo sát, điều tra nhỏ tôi rút ra được một số nhận xét như sau:
Về phía Giáo viên: Hầu hết GV đều nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc dạy học nội dung về chủ quyền biển, đảo trong chương trình LSDT. 100% GV cho rằng nên đưa nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo vào chương trình SGK để dạy học cho HS. Tuy nhiên, vấn đề còn dừng lại ở nhận thức lý luận. Nhiều GV còn tỏ ra khá lúng túng khi khai thác các vấn đề về chủ quyền biển, đảo trong chương trình giảng dạy, nhất là việc lựa chọn và vận dụng phương pháp dạy học phù hợp với nội dung yêu cầu.
Đa số GV chỉ sử dụng một phương pháp dạy học duy nhất đó là trình bày miệng, chưa kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học trong một bài học Lịch sử, do đó dẫn đến sự nhàm chán, đơn điệu, không khai thác hết nội dung và yêu cầu bài học. Một số GV còn lạm dụng khi sử dụng tài liệu tham khảo nên dẫn đến tình trạng "quá tải", làm cho giờ học trở nên nặng nề, hoặc làm loãng nội dung, làm mất tính đặc trưng của bài học Lịch sử. Sự kết hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học của một bộ phận GV còn nhiều hạn chế, các hình thức ngoại khóa chưa thật phong phú.
Về phía Học sinh: Hầu hết HS THPT về cơ bản đều quan tâm đến vấn đề chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhưng ở mức độ khác nhau. Đa số HS đều cho rằng cần phải đưa nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo vào trong nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, vẫn còn một tỉ lệ không ít những HS không quan tâm hoặc thờ ơ với vấn đề này. Điều đó cho thấy ý thức về trách nhiệm công dân của HS chưa cao, chưa được uốn nắn, giáo dục một cách kịp thời và nghiêm túc.
Về phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục về nội dung chủ quyền biển đảo: Đa số các em cho rằng nên kết hợp cả hình thức nội khóa và ngoại khóa, bên cạnh đó GV cần đổi mới phương pháp dạy học để tiết học thoải mái và đạt kết quả cao hơn.
Tuy vậy, nhận thức của HS về vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam còn rất hạn chế, nhiều vấn đề các em nhận thức còn theo cảm tính. Khi đề cập tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, tôi hỏi những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này hay tên các đảo ở Trường Sa... thì vẫn còn nhiều HS không đưa ra được câu trả lời đúng. Đây thực sự là vấn đề thực tế và cũng là vấn đề cấp thiết được đặt ra trong nhận thức của HS. Hay nói một cách khác là kiến thức của HS nói riêng và của mọi người dân Việt Nam nói chung về vấn đề chủ quyền biển, đảo hiện nay đang yếu cần được giáo dục một cách nghiêm túc và cẩn thận.
1.2.2. Những vấn đề đặt ra cần giải quyết
Thứ nhất, về chương trình và sách giáo khoa, những vấn đề cần thiết thực tiễn như vấn đề xác lập chủ quyền biển, đảo của các nhà nước trong lịch sử dân tộc, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo chưa được đưa vào chương trình sách giáo khoa.
Thứ hai, về phương pháp dạy học. Trong đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử hiện nay, hứng thú học tập là “chìa khóa vàng” cần thiết để học sinh vượt khỏi tính áp đặt của cách học truyền thống, hướng đến cách học tích cực. Cùng với chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy của giáo viên hết sức quan trọng. Dĩ nhiên, dạy và học môn Lịch sử không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa, trong bốn bức tường của lớp học mà cần được mở rộng với những hình thức như tham quan bảo tàng, nhà lưu niệm, ngoại khóa… Giáo dục lịch sử trong trường phổ thông còn cần sự kết hợp với cả môi trường giáo dục của gia đình, xã hội, của các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ ba, quan niệm “Môn chính”, “Môn phụ” trong trường phổ thông đã chi phối và ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy học Lịch sử. Tâm lí đó đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều cán bộ quản lí, GV, phụ huynh và HS dẫn đến những ứng xử lệch chuẩn làm cho bộ môn Lịch sử không được nhìn nhận và đánh giá đúng vị thế của nó. Nhiều HS vốn không thích học Lịch sử, nên càng không hứng thú với các nội dung cần sự tư duy, phân tích và vận dụng như môn Lịch sử. Nhất là thời lượng dành cho bộ môn này còn quá ít. Vì vậy, GV càng khó khăn trong việc nâng cao chất lượng và phát huy ưu thế giáo dục thế hệ trẻ của bộ môn.
Thứ tư, vấn đề giáo dục chủ quyền biển, đảo trong trường phổ thông hiện nay chưa đồng bộ, còn mang tính hình thức, phong trào và hầu như được quan niệm là của riêng môn Lịch sử. Điều này dẫn tới việc tiếp thu của HS có phần phiến diện. Bên cạnh đó, trong hoạt động ngoại khóa, nhiều trường chỉ giao cho một số ít GV trong trường thực hiện. Cách làm này có chiều rộng về phong trào hơn là chiều sâu về kiến thức, hiệu quả giáo dục mang lại chưa cao.
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/
CHƯƠNG 2
CÁC BIỆN PHÁP GIÁO DỤC Ý THỨC VỀ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO TỔ QUỐC CHO HỌC SINH TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAMỞ TRƯỜNG THPT
2.1. Vị trí, mục tiêu của chương trình Lịch sử Việt Nam ở trường THPT.
Trong chương trình Lịch sử hiện nay, phần LSVN được dạy ở cả ba khối lớp 10, 11, 12 như sau:
Khối lớp 10: Khái quát LSVN từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XIX (từ bài 13 đến bài 28).
Khối 11: LSVN từ năm 1858 đến kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1918) (từ bài 19 đến bài 24).
Khối 12: LSVN từ năm 1919 đến năm 2000 ( từ bài 12 đến bài 27).
Lịch sử xã hội loài người là quá trình thống nhất, hợp quy luật, đầy mâu thuẫn và đa dạng. LSVN là một bộ phận của lịch sử thế giới, nó vừa thể hiện những quy luật chung của loài người vừa có những quy luật riêng đặc thù của từng dân tộc. Nói cách khác, lịch sử của mỗi quốc gia nằm trong dòng chảy của lịch sử nhân loại. Do vậy, LSDT Việt Nam có tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của lịch sử loài người.
2.1.2. Mục tiêu
2.1.2.1. Về kiến thức:
Học xong phần Lịch sử Việt Nam, HS phải nắm được:
Những kiến thức đầu tiên về sự ra đời, cuộc sống vật chất và tinh thần của người nguyên thủy ở Việt Nam. Những chính sách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc ở nước ta dẫn đến những chuyển biến về kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta thời kì này. Quá trình hình thành và phát triển của nhà nước phong kiến Việt Nam từ thế kỉ X - XV. Trải qua 5 thế kỉ độc lập, nhân dân Việt Nam đã xây dựng được cho mình một nền kinh tế phát triển, một nền văn hóa dân tộc tiên tiến và củng cố chính quyền ngày càng vững chắc.
Bước sang thời cận đại, đứng trước những khó khăn và thử thách của dân tộc, và tình hình chung của thế giới, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đã liên tục đấu tranh và liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn, lật đổ chế độ phong kiến, giải phóng đất nước thoát khỏi quân phát xít, thành lập chính quyền mới do Đảng cộng sản lãnh đạo.
Đến thời kì hiện đại dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất nhân dân ta đã đánh đổ hai thế lực xâm lược hùng mạnh là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc về mặt địa lí cũng như hành chính. Từ năm 1975 đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn thực hiện những hành động nhằm củng cố, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia nói chung và chủ quyền biển, đảo của dân tộc nói riêng.
2.1.2.2. Về phẩm chất, năng lực.
Qua dạy học phần Lịch sử dân tộc nói chung, dạy học những nội dung về chủ quyền biển, đảo nói riêng, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào về lịch sử lâu đời của đất nước. Bồi dưỡng ý thức tinh thần lao động sáng tạo, ý thức về văn hóa dân tộc, về chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Giáo dục lòng biết ơn đối với các thế hệ tổ tiên, các anh hùng dân tộc đã chiến đấu vì độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong đó có ý thức về chủ quyền biển, đảo quốc gia. Từ đó HS phải có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, xác định được động cơ học tập vì lý tưởng cao đẹp, phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc.
Rèn luyện cho HS tinh thần chủ động, tích cực trong học tâp, các kĩ năng học tập và thực hành bộ môn (sử dụng SGK, tài liệu tham khảo, tranh ảnh, bản đồ, lập niên biểu, thống kê…), phát triển các thao tác của tư duy HS: quan sát, đối chiếu các sự kiện, hiện tượng lịch sử, so sánh, phân tích, tổng hợp, hình dung… góp phần phát huy năng lực nhận thức, năng lực thực hành, kỹ năng, kỹ xảo của HS. Biết vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống cũng như trong học tập như: làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết vấn đề, biết ứng phó trước vấn đề hiện tại đặt ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập.
2.2. Những nội dung cần khai thác trong chương trình Lịch sử Việt Nam nhằm giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho HS THPT.
2.2.1. Ý thức về chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển.
Nhiều chứng cứ lịch sử cho thấy, từ thời các chúa Nguyễn (thế kỉ XVII) cho đến nay, ý thức về chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển luôn được các chính quyền Nhà nước đề cao. Điều đó được thể hiện bằng nhiều hoạt động, trong đó có ý thức tiến hành việc đo đạc vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền… Có nhiều tư liệu lịch sử đã ghi lại như: Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục…Bên cạnh đó, nhiều tấm bản đồ được vẽ trong khoảng thời gian này như: Vương quốc An Nam (1650); “Bãi Cát vàng” (Hoàng Sa – 1686; Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, cùng với các chiến dịch giải phóng trên đất liền, chiến dịch giải phóng Trường Sa và các đảo ven bờ đã nổ ra thắng lợi (4-1975), giang sơn thu về một mối.
GV có thể dạy lồng ghép nội dung trên trong các bài: Bài 25, lớp 10: Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn (Nửa đầu thế kỉ XIX), mục 1 - Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước - Chính sách ngoại giao.
Bài 23, lớp 12: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973 - 1975), mục III. 2 - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
2.2.2. Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền biển, đảo Tổ quốc một cách hòa bình và liên tục qua các triều đại phong kiến Việt Nam.
Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, con đường mở mang bờ cõi xuống phía Nam của người Việt cũng đồng thời là con đường tiến ra chiếm lĩnh biển, đảo. Các triều đại phong kiến Việt Nam kể từ khi giành quyền tự chủ lâu dài đã xác định hải giới và chú trọng bảo vệ chủ quyền trên biển được thể hiện qua các nội dung: quá trình mở rộng lãnh thổ, tổ chức quân đội, chính sách đối nội và đối ngoại của các triều đại phong kiến
GV có thể dạy lồng ghép nội dung trên trong các bài: Bài 17, lớp 10: Quá trình hình thành và phát triển của nhà nước phong kiến (từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, Bài 22, lớp 11: Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp, mục 1 - Những chuyển biến về kinh tế; Bài 24, lớp 12: Việt Nam trong năm đầu sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước năm 1975, mục III - Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước (1975-1976); Bài 26, lớp 12: Đất nước trên đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội (1986 - 2000), mục I. 2 - Đường lối đổi mới của Đảng.
2.2.3. Vai trò của biển, đảo góp phần tạo nên những thắng lợi hiển hách trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc
Từ thế kỉ X đến thế kỉ XVIII, thủy quân Việt Nam đã biết dựa vào thế mạnh của sông, biển chiến thắng nhiều trận oanh liệt như: chiến thắng Bạch Đằng các năm (938, 981, 1288); thắng lợi ở Rạch Gầm – Xoài Mút của nghĩa quân Tây Sơn, thắng lợi trước hạm đội của thực dân Anh năm 1702 tại đảo Côn Lôn (nay là Côn Đảo)… Bước sang thế kỉ XIX và XX, phát huy truyền thống đánh giặc của cha ông trong lịch sử, nhân dân Việt Nam tiếp tục chiến đấu và giành thắng lợi trước hai thế lực lớn mạnh đến từ phương Tây là Pháp và Mỹ. Nhiều trận thắng đã đi vào lịch sử như: thắng lợi trước liên quân Pháp và Tây Ban Nha tại cửa biển Đà Nẵng (9 -1858) làm thất bại bước đầu kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của quân Pháp; thắng lợi trong Cuộc tiến công và giải phóng Trường Sa (từ 9- 4 đến 29 – 4- 1975)...
GV có thể chọn một số kiến thức để giáo dục cho HS qua một số bài sau: Bài 19, lớp 10: Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X - XV, mục I và II; Bài 19, lớp 11:Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp xâm lược (Từ năm 1858 đến trước năm 1873), mục I - 3: Chiến sự ở Đà Nẵng năm 1858; ; Bài 23, lớp 12: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973 - 1975), mục III - 2: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975…
2.2.4. Những giá trị, tiềm năng kinh tế biển, đảo Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay và vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo.
Biển, đảo nước ta có giá trị, tiềm năng kinh tế hết sức to lớn như: Du lịch biển, đảo; nguồn thủy hải sản phong phú; giao thông đường biển thuận lợi; nguồn khoáng sản biển đa dạng… Chính vì vậy, ngay sau ngày đất nước được thống nhất, Nhà nước ta rất chú trọng đến việc phát triển nền kinh tế biển thông qua việc ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị… phấn đấu mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển. Tuy nhiên, trước thực trạng về tài nguyên, môi trường biển, đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng, vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo cũng được chú trọng thông qua việc kí kết các công ước quốc tế và ra nhiều văn bản liên quan đến vấn đề biển, đảo như: Công ước Luật Biển 1982, Luật Biên giới quốc gia 2013...
Ở phần này, GV có thể chọn một số kiến thức tiêu biểu để giáo dục cho HS qua một số bài sau: Bài 18, lớp 10: Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế trong các thế kỉ X - XV, mục 3 - Mở rộng thương nghiệp; Bài 22, lớp 10: Tình hình kinh tế ở các thế kỉ XVI - XVIII, mục 3 - Sự phát triển của thương nghiệp; Bài 26, lớp 12: Đất nước trên đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội (1986 - 2000), mục I - 2: Đường lối đổi mới của Đảng.
2.2.5. Giáo dục cho HS về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hiện nay.
Ở nội dung này, GV cần cho HS khai thác nội dung của các văn bản mang tính pháp lí quốc tế như: Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002; quá trình thúc đẩy việc hướng tới kí kết COC; để giáo dục cho HS thấy, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, luôn tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình theo đúng pháp luật Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế, củng cố hòa bình, an ninh trên biển; trên cơ sở đó khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, đảo phục vụ công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước.
GV có thể lựa chọn những kiến thức trên để dạy lồng ghép trong các bài:Bài 24, lớp 12: Việt Nam trong năm đầu sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước năm 1975, mục III - Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước (1975-1976); Bài 26, lớp 12:Đất nước trên đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội (1986 - 2000), mục I. 2 - Đường lối đổi mới của Đảng.
2.3.1. Phải xác định đúng kiến thức cơ bản cần giáo dục
Đây là yêu cầu quan trọng để dạy học bộ môn Lịch sử nói chung và dạy học về vấn đề chủ quyền biển, đảo nói riêng. Vì có xác định đúng kiến thức cơ bản mới có biện pháp giáo dục phù hợp. Việc xác định đúng kiến thức cơ bản của bài học sẽ định hướng cho GV biết cần phải dạy cái gì và dạy như thế nào, HS học tập và lĩnh hội kiến thức gì và bằng cách nào. Như vậy mới có thể giúp GV thực hiện được mục tiêu của bộ môn và bài học hướng tới, giúp HS nhận thức đúng vấn đề cần giáo dục, mang lại hiệu quả bài học cao.
2.3.2. Đảm bảo tính khoa học, chính xác về nội dung và tính tư tưởng
Tính khoa học được thể hiện qua việc lựa chọn những kiến thức cơ bản nhất, chính xác nhất để hình thành những kiến thức lịch sử cho học sinh, từ đó giáo dục cho các em về thế giới quan khoa học, đúng đắn, xây dựng cho các niềm tin, ý thức trách nhiệm đối với những vấn đề của quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi dạy học lịch sử nói chung, dạy về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc nói riêng, phải cung cấp cho học sinh những tư liệu lịch sử khoa học, chính xác làm bằng chứng về việc xác lập chủ quyền biển, đảo Tổ quốc qua các giai đoạn lịch sử, của bao thế hệ người Việt Nam. Từ đó hình thành cho thế hệ trẻ ý thức, trách nhiệm để bảo vệ những thành quả mà cha ông ta đã dựng xây, bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc nói chung, biển đảo nói riêng.
Bên cạnh đó GV cần phải tôn trọng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong vấn đề biển, đảo và giáo dục chủ quyền biển đảo, tránh những kích động không cần thiết đối với HS. Từ việc giáo dục chủ quyền biển, đảo hình thành cho HS ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia nói chung, chủ quyền biển, đảo nói riêng, bảo vệ những thành quả mà cha ông ta đã xây dựng để có được
2.3.3. Đảm bảo tính cụ thể, trực quan sinh động, giàu biểu tượng lịch sử
Thực trạng giáo dục Lịch sử hiện nay cho thấy, HS chán học Lịch sử một phần do các bài giảng khô cứng, thiếu tính thực tế, thiếu sự liên hệ thực tiễn của GV. Do vậy, trong dạy học Lịch sử, đặc biệt là việc giáo dục vấn đề chủ quyền biển, đảo, lời nói của GV cần phải sinh động, hấp dẫn, giàu tính hình ảnh và cần sử dụng các tư liệu, đồ dùng trực quan sinh động như: bản đồ, sơ đồ, phim tư liệu, tranh, ảnh, hiện vật lich sử,… hướng dẫn HS phát hiện ra vấn đề, xử lí và thẩm thấu vấn đề bằng nhãn quan Lịch sử của HS.
Mặt khác GV cần phải phát huy tối đa tính tích cực, độc lập và sáng tạo trong quá trình nhận thức của HS. Muốn vậy GV cần đa dạng hóa các hình thức tiến hành (bài học nội khóa, bài học ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về vấn đề chủ quyền biển, đảo Tổ quốc) để vấn đề biển, đảo trở nên hấp dẫn, hứng thú, dễ hiểu, dễ tiếp thu và lĩnh hội sâu sắc vấn đề đối với đối tượng HS.
2.3.4. Cần đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với tâm lí, lứa tuổi HS
Có thể nói, đây là nguyên tắc cơ bản, quan trọng hang đầu cần phải tuân thủ khi tiến hành các biện pháp giáo dục cho HS về chủ quyền biển, đảo trong dạy học bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông. Vì đây là đối tượng rất phù hợp để giáo dục và định hướng. Đây là giai đoạn HS phổ thông đang có những chuyển biến và thay đổi lớn về tâm sinh lý đặc biệt là tâm lý, là giai đoạn quan trọng, quyết định đến việc hình thành nhân cách cho HS. Chính vì vậy, việc đưa vấn đề biển, đảo vào trường PTTH là phù hợp, vừa sức và mang tính kịp thời. Đối với HS lớp 10 và lớp 11 cần chú trọng đến việc giáo dục ý thức cho HS về nội dung những chứng cứ lịch sử để chứng minh được chủ quyền các quần đảo của Việt Nam được xác lập ngay từ thời phong kiến (thế kỷ XVII) đến nay. Đối với HS lớp 12, đây là những HS đã đủ tuổi công dân, tự chịu trách nhiệm trước hành vi của mình cần phải giáo dục một cách sâu sắc và kĩ lưỡng hơn về tình hình Biển Đông nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng; đặc biệt chú trọng đến việc định hướng cho HS thái độ đối với việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở hai quần đảo Trường sa và Hoàng Sa hiện nay theo quan điểm của Đảng và Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam.
2.3.5. Cần định hướng thường xuyên và cập nhật
Chủ quyền biển, đảo trong tiến trình lịch sử của dân tộc không phải là vấn đề mới nhưng lại là mới đối với thực trạng dạy và học bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông hiện nay. Việc giáo dục như thế nào cho có hiệu quả về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vấn đề rất “nhạy cảm”, diễn tiến rất phức tạp với những thay đổi không ngừng do nhiều yếu tố khách quan khác nhau. GV cũng phải thường xuyên tự cập nhật những thông tin mới qua nhiều kênh thông tin khác nhau để định hướng cho HS kịp thời, qua đó giúp HS nhận thức được vấn đề đúng đắn về tình hình hiện tại, nhất là trong bối cảnh Biển Đông thường xuyên “nổi sóng” như hiện nay.
2.4. Bảng thống kê những nội dung vận dụng nhằm giáo dục cho ý thức chủ quyền biển, đảo cho HS trong dạy học LSVN ở trường THPT.
STT | Lớp, Tên, bài | Địa chỉ | Nội dung |
1 | Lớp 10 – Bài 14: Các quốc gia cổ đại trên đất nước Việt Nam | Mục 1: Quốc gia Văn Lang, Âu Lạc Mục 2: Quốc gia Chăm Pa Mục 3: Quốc gia Phù Nam | Ý thức về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giá trị tiềm năng của kinh tế biển. |
2 | Lớp 10 - Bài 16: Thời bắc thuộc và cuộc đấu tranh giành độc | Mục II: Một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu | Biển đảo góp phần tạo nên những chiến công hiển hách trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc |
3 | Lớp 10 - Bài 17: Qúa trình hình thành và phát triển của nhà nước phong kiến từ thế kỉ X - XV | Mục II: Luật pháp và quân đội | Các triều đại phong kiến luôn ý thức sâu sắc về chủ quyền đất nước trong đó có biển đảo. |
4 | Lớp 10 - Bài 18: Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế trong các thế kỉ X – XV. | Mục 3: Mở rộng thương nghiệp | Giá trị tiềm năng kinh tế của biển trong phát triển kinh tế đất nước |
5 | Lớp 10 - Bài 19: Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỉ X - XV | Mục I: Các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Mục II: Các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên ở thế kỉ XIII | Biển đảo góp phần tạo nên những chiến công hiển hách trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. |
6 | Lớp 10 - Bài 22: Tình hình kinh tế trong các thế kỉ XVI - XVIII | Mục 3: Sự phát triển thương nghiệp | Vai trò của biển, đảo trong sự phát triển kinh tế đất nước. |
7 | Lớp 10 - Bài 23: Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất nước bảo vệ Tổ quốc cuối thế kỉ XVIII | Mục II (1): Kháng chiến chống quân Xiêm Mục III: Vương triều Tây Sơn | Biển đảo góp phần tạo nên những chiến công hiển hách trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc Qúa trình chiếm hữu và thực thi liên tục chủ quyền biển, đảo của ta thời kỳ Tây Sơn. |
8 | Lớp 10 - Bài 24: Tình hình văn hóa ở các thế kỉ XVI – XVIII | Mục I: Tư tưởng, tôn giáo Mục III: Nghệ thuật và khoa học kĩ thuật | Vai trò của biển, đảo trong đời sống văn hóa con người Việt Nam và quá trình chiếm hữu thực sự hòa bình, thực thi chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam |
9 | Lớp 10 - Bài 25: Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn (Nửa đầu thế kỉ XIX | Mục 1: Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước – Chính sách ngoại giao | Ý thức chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển của ta có từ rất sớm và quá trình xác lập, chiếm hữu và thực thi chủ quyền biển đảo với Hoàng Sa và Trường Sa thời nhà Nguyễn. |
10 | Lớp 11 – Bài 19: Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1858 đến trước 1873) | Mục I – 3: Chiến sự ở Đà Nẵng 1858 | Biển đảo góp phần tạo nên những chiến công hiển hách trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc |
11 | Lớp 11 – Bài 20: Chiến sự lan rộng ra cả nước, cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ 1873 – 1884 nhà Nguyễn đầu hàng | Mục III – 2: Hai bản hiệp ước 1883 và 1884, nhà nước phong kiến Nguyễn đầu hàng. | Pháp đã thực hiện chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa |
12 | Lớp 11 – Bài 22: Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp | Mục 1: Những chuyển biến về kinh tế | Pháp đã thực hiện chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. |
13 | Lớp 12 – Bài 12: Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ 1919 – 1925. | Mục I – 1: Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp | Pháp đã thực hiện chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. |
14 | Lớp 12 – Bài 21: Xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam 91954 – 1965) | Mục I: Tình hình và nhiệm vụ của cách mạng nước ta sau hiệp định Giơ ne vơ Mục IV – 2: Miền Bắc thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm (1961 – 1965) | Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vai trò của biển, đảo trong sự phát triển kinh tế đất nước. |
15 | Lớp 12 – Bài 22: Nhân dân hai miền trực tiếp chiến đấu chóng đế quốc Mĩ xâm lược. Nhân dân miền Bắc vùa chiến đấu vừa sản xuất (1965 – 1973) | Mục II – 2: Mĩ tiến hành chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc | Chủ quyền biển đảo đã bị kẻ thù lợi dụng để thực hiện mưu đồ đen tối của chúng. |
16 | Lớp 12 – Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973 – 1975) | Mục III – 2: Cuộc tổng tiến công và nôi dậy mùa xuân 1975 | Ý thức về chủ quyền quốc gia trên biển của ta. Biển đảo góp phần tạo nên những chiến công hiển hách trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc |
17 | Lớp 12 – Bài 24: Việt Nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước 1975 | Mục III: Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước (1975 – 1976) | Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta hiện nay |
18 | Lớp 12 – Bài 26: Đất nước trên con đường đổi mới đi lên xây dựng CNXH (1986 – 2000) | Mục I – 2: Đường lối đổi mới của Đảng | Vai trò của biển, đảo trong sự phát triển kinh tế đất nước. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta hiện nay |
2.5. Một số biện pháp giáo dục cho HS về chủ quyền biển, đảo trong dạy học LSVN ở trường THPT.
2.5.1. Khai thác triệt để các sự kiện trong bài học lịch sửu nội khóa để giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo cho HS
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/
Trong chương trình môn lịch sử ở trường THPT hiện hành không có bài học nào trực tiếp đề cập đến chủ quyền biển đảo nói chung và Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng, vì vậy khi dạy học GV có thể sử dụng tài liệu, lồng ghép, nhằm cụ thể hóa một số sự kiện trong các bài học lịch sử nội khóa có liên quan để liên hệ giáo dục ý thức về CQBĐ cho HS cụ thể:
2.5.1.1. Khai thác triệt để những nội dung lịch sử có khả năng giáo dục cho HS về vấn đề chủ quyền biển, đảo.
Muốn dạy tốt phần LSVN cho HS trong chương trình của bộ môn ở trường THPT nói chung và giáo dục về vấn đề chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng đạt kết quả cao nhất, GV cần khai thác triệt để những sự kiện, hiện tượng lịch sử có khả năng giáo dục.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, GV cần nắm vững nội dung chương trình SGK để phân biệt được sự kiện thể hiện trực tiếp nội dung về chủ quyền biển, đảo hay sự kiện liên quan đến vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam để tìm phương pháp giáo dục thích hợp và hiệu quả nhất.
Thứ nhất, khai thác những sự kiện, tài liệu lịch sử thể hiện trực tiếp về chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ cổ đến đương đại như: Các văn bản nhà nước (Châu bản…), sách điển chế, chính sử, sách địa chí, bản đồ lịch sử, tư liệu và bản đồ của phương Tây.
Khi tiến hành khai thác, GV tiến hành theo 3 bước như sau:
- Bước 1: Xác định tài liệu khai thác là tài liệu nào? Phục vụ cho việc dạy học bài nào, mục nào?
- Bước 2: GV chọn phương pháp hướng dẫn HS khai thác và lĩnh hội tài liệu, sự kiện.
- Bước 3: Ý nghĩa của việc khai thác tài liệu, sự kiện.
Trong chương trình LSVN khối THPT, chúng ta có thể khai thác được nhiều tài liệu gốc trực tiếp thể hiện chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam để giáo dục cho HS như: Phủ biên tạp lục - 1776 của Lê Qúy Đôn, lịch triều hiến chương loại chí - 1821, hoàng Việt dư địa chí - 1833 của Lê Huy Chú), đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) thời Minh Mạng; bản đồ lịch sử như: An Nam quốc đồ được thực hiện vào thời Hồng Đức (1490)… đặc biệt là Bộ Atlas bản đồ thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827, trong đó có tấm bản đồ Partiedela Cochinechine (106) có giá trị quan trọng khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. (Phụ lục 5).
Ví dụ 1: Khi dạy bài 25, lớp 10: Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn (Nửa sau thế kỉ XIX), mục 1- Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước. Chính sách ngoại giao, GV khai thác các tài liệu gốc như: Các Tờ lệnh; tư liệu trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí của Lê Huy Chú; các tấm bản đồ lịch sử như: Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) thời Minh Mạng...GV hướng dẫn HS khai thác những tài liệu nói trên và đặt câu hỏi: Em hãy nhận xét ý nghĩa của các loại tài liệu nói trên đối với cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo hiện nay của Việt Nam?
Những nguồn tài liệu nói trên cho thấy, Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lí quốc tế khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xác lập từ thời phong kiến, ít nhất là thời các chúa Nguyễn (thế kỉ XVII).
Ví dụ 2: Bài 20, lớp 11: Chiến sự lan rộng ra cả nước. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ năm 1873 đến năm 1884. Nhà Nguyễn đầu hàng, mục III. 2 - Hai bản Hiệp ước 1883 và 1884. Nhà nước phong kiến Nguyễn đầu hàng, phần nội dung Hiệp ước Hác măng. GV khai thác tài liệu gốc như: Nghị định số 4702-CP ngày 21-12-1933 của Thống đốc Nam Kì ra sắc lệnh sáp nhập đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa; Dụ số 10 ban hành ngày 29-2-1938 tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Ngãi, đặt vào tỉnh Thừa Thiên; hình ảnh về bia chủ quyền, trạm khí tượng, ngọn hải đăng được dựng ở Hoàng Sa (1838)…
GV hướng dẫn HS tìm hiểu những tài liệu nói trên và đặt câu hỏi: Những hành động nói trên của chính quyền thực dân Pháp có ý nghĩa gì đối với cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo hiện nay của Việt Nam?
Những hành động nói trên của chính quyền Pháp cho thấy, trong thời kì này, chính quyền thực dân đã rất quan tâm đến chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, tích cực có những hành động nhằm thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm những cơ sở lịch sử và pháp lí vững chắc trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay.
Như vậy, việc sử dụng những tài liệu lịch sử gốc trực tiếp thể hiện chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nói trên nhằm giáo dục cho HS nắm vững, hiểu sâu kiến thức cơ bản của bài học. Rèn luyện cho HS các kĩ năng về bộ môn như phân tích, khai thác và sử dụng tài liệu gốc, khả năng tư duy, giải quyết vấn đề độc lập. Đồng thời giáo dục cho HS lòng yêu nước, dũng cảm, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh hiện nay.
Thứ hai, khai thác những sự kiện, tài liệu liên quan hoặc là hệ quả của vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Trong quá trình thiết kế bài giảng, GV trình bày bài giảng của mình theo nội dung SGK hoặc có thể sắp xếp lại cấu trúc các mục cho phù hợp với nội dung giáo dục. Điều quan trọng là GV phải xác định được những sự kiện cơ bản, hiểu được nội dung, bản chất của sự kiện đó thể hiện sự liên quan như thế nào đến việc giáo dục cho HS về vấn đề chủ quyền biển, đảo, từ đó GV lựa chọn các phương pháp bộ môn phù hợp với sự kiện và nội dung bài học.
Ví dụ: Khi dạy bài 26, lớp 12:Đất nước trên đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội (1986 - 2000), mục I. 2 - Đường lối đổi mới của Đảng. GV có thể khai thác nội dung các văn bản liên quan đến chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông như: Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC - 2002); Luật Biển Việt Nam năm 2012. Việc cho HS tìm hiểu nội dung của các văn bản nói trên, một mặt giáo dục cho HS hiểu, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đặt cơ sở pháp lý và kế thừa các chính quyền trước, tiếp tục thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi kí kết các văn bản mang tính pháp lý như trên, mặt khác HS cũng thấy được Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề biển, đảo - Hoàng Sa và Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình theo đúng pháp luật Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế, củng cố hòa bình, an ninh trên biển.
2.5.1.2. Sử dụng tài liệu lịch sử để liên hệ kiến thức cần giáo dục cho HS về vấn đề chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Hiện nay, việc dạy học và giáo dục cho HS ở trường THPT được tiến hành trong giờ học nội khóa là chủ yếu. Do đặc trưng của việc học tập bộ môn Lịch sử, các loại tài liệu tham khảo ngoài SGK có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục, tái hiện lại hình ảnh quá khứ và đặc biệt là làm rõ những nội dung, vấn đề mới như vấn đề biển, đảo. Việc GV sử dụng tài liệu lịch sử trong bài học nội khóa khi tiến hành dạy lồng ghép vấn đề chủ quyền biển, đảo vào nội dung chương trình LSVN khối THPT là rất phù hợp. Vì đây là nguồn tài liệu tin cậy, loại tài liệu này dùng để làm dẫn chứng, minh họa cho các sự kiện đang trình bày trong nội dung bài học. Khai thác nguồn tài liệu này không chỉ cung cấp thêm tư liệu lịch sử phong phú, bổ sung thêm phần nội dung chưa có trong SGK mà còn làm sáng rõ hơn những kiến thức cơ bản của bài học.
Ví dụ 1: Sử dụng tài liệu lịch sử để giáo dục cho HS về vai trò, vị trí của biển, đảo Việt Nam. Cụ thể:
Biển, đảo có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa con người Việt.
Ở bài 24, lớp 10: Tình hình văn hóa ở các thế kỉ XVI - XVIII, mục I - Về tư tưởng, tôn giáo và mục III - Nghệ thuật và Khoa học - Kĩ thuật, GV có thể dạy lồng ghép như sau:
Từ lâu, biển, đảo đã là chủ đề để con người sáng tạo nên các giá trị văn hóa có giá trị còn lưu lại qua hàng nghìn năm lịch sử như: các cổ vật (Trống đồng Đông Sơn), các tác phẩm văn học, các công trình kiến trúc… Ở các thế kỉ XVI - XVIII, biển có vai trò quan trọng trong việc là cầu nối đưa những giá trị văn hóa của phương Tây đến với Việt Nam như: Đạo Thiên Chúa giáo, chữ Quốc ngữ. Biển còn là nguồn cảm hứng cho các ngư dân sáng tác ra những điệu hò Bá Trạo được thực hiện khi ra khơi và trong Lễ cầu ngư của cư dân ven biển.
Trong lĩnh vực khoa học, các công trình nghiên cứu có nội dung về biển, đảo được xuất bản có ý nghĩa quan trọng là những chứng cứ lịch sử và pháp lí vững chắc cho Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: Phủ biên tạp lục(1776) của Lê Quý Đôn, Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá (1686)…
Ví dụ 2: Sử dụng tài liệu lịch sử để giáo dục cho HS về quá trình chiếm hữu thật sự, hòa bình và thực thi liên tục chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ thời phong kiến đến nay. Cụ thể:
Quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền trong thời Phong kiến
Bài 25, lớp 10:Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn nửa sau thế kỉ XIX, mục 1 - Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước. Chính sách ngoại giao. GV phân tích cho HS hiểu, cùng với việc củng cố về mặt chính quyền, các ông vua triều Nguyễn tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ những hoạt động nhằm xác lập, chiếm hữu và thực thi chủ quyền biển, đảo đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: đo đạc vẽ bản đồ, cắm cột mốc chủ quyền, xây miếu, trồng cây trên đảo…
Dưới thời Minh Mạng, việc đo đạc để vẽ bản đồ về Hoàng Sa được tiến hành mạnh mẽ, thường xuyên bằng việc hàng năm sai lính đi thuyền ra các đảo cắm cột mốc, bên cạnh đó nhà vua cho vẽ bản đồ, dựng bia chủ quyền, xây miếu trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong cuốn Đại Nam thực lục chính biên có ghi: “Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai xuất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật điều binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ( mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc) dựng bàn dấu mốc”. “ Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Minh Mạng thứ 15(1834) sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ”.
Quá trình thực thi chủ quyền trong thời Pháp thuộc
Ở bài 22, lớp 11: Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp, mục 1 - Những chuyển biến về kinh tế. GV trích dẫn tư liệu: Từ năm 1927, thực dân Pháp bắt đầu nghiên cứu sâu quá trình xác lập chủ quyền của “vương quốc An Nam” tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trong bức thư của Khâm sứ Trung kì Le Fol viết ngày 22-1-1929 gửi Toàn quyền Đông Dương có đoạn viết “…các tài liệu trong kho lưu trữ của chính phủ An Nam cung cấp cho chúng ta những chi tiết về hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải đặt dưới quyền chỉ huy của đội Hoàng Sa”.
Bên cạnh đó, thực dân Pháp tiến hành các cuộc khảo sát ở Hoàng Sa (1925), Trường Sa (1927); dựng bia chủ quyền, ngọn hải đăng, trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa (1938)…Như vậy, với việc cho HS tìm hiểu những tư liệu lịch sử nói trên nhằm giáo dục cho HS hiểu quá trình chiếm hữu thật sự, hòa bình và thực thi liên tục chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ thời các chúa Nguyễn (thế kỉ XVII), sang thời Pháp thuộc cho đến nay.
Ví dụ 3: Sử dụng tài liệu lịch sử để giáo dục cho HS về những giá trị, tiềm năng kinh tế biển, đảo Việt Nam. Cụ thể:
Bài 22, lớp 10: Tình hình kinh tế ở các thế kỉ XVI - XVIII, mục 3 - Sự phát triển của thương nghiệp. GV dạy lồng ghép nội dung sau: Trong thời phong kiến, ngay từ thời Lí - Trần đã nhận thấy được vai trò, giá trị to lớn về kinh tế của biển, đảo. Điều đó được thể hiện bằng việc cho xây dựng trang Vân Đồn (Quảng Ninh) làm bến cảng để thuyền buôn nước ngoài vào trao đổi hàng hóa, GV trích dẫn tư liệu: “Kỷ Tỵ, năm thứ 10 (1149)…thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộc Hạc, Xiêm la vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Vùng biển Vân Đồn có nhiều sản vật quý: “Chân châu do giống trai sinh ra ở bể Vân Đồn”, “vùng biển này không chỉ là huyết mạch giáo thông trong quân sự, thương mại mà còn đem lại những lợi ích kinh tế”.
Như vậy, những hoạt động trên của chính quyền Nhà nước thời bấy giờ không chỉ có ý nghĩa nhằm phát triển kinh tế đất nước mà còn là chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lí để Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
2.5.1.3. Sử dụng đồ dùng trực quan trong quá trình dạy học để giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo cho HS.
Đồ dùng trực quan có vai trò to lớn trong dạy học bộ môn Lịch sử ở trường THPT. Nó góp phần quan trọng nhằm tạo biểu tượng cho HS về một nhân vật lịch sử, một hiện tượng lịch sử diễn ra trong quá khứ, giúp HS nhớ kĩ, hiểu sâu những kiến thức lịch sử. Đồng thời, việc sử dụng đồ dùng trực quan còn góp phần phát triển kĩ năng quan sát, trí tưởng tượng, gây hứng thú học tập cho HS, góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.
Đồ dùng trực quan về CQBĐ gồm: Bản đồ, tranh ảnh, hiện vật, phim tư liệu…rất phong phú đa dạng đòi hỏi thầy và trò phải biết vận dụng phương pháp và khai thác có hiệu quả đồng thời ngôn ngữ của GV phải sinh động và hấp dẫn và kết hợp chặt chẽ với tài liệu viết thì việc sử dụng đồ dùng trực quan mới thực sự hiệu quả
Ví dụ 1: Sử dụng phim tư liệu lịch sử để giáo dục cho HS về cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Cụ thể:
Bài 24, lớp 10: Tình hình văn hóa ở các thế kỉ XVI - XVIII, mục III - Nghệ thuật và khoa học - kĩ thuật. GV cho HS xem một đoạn phim tư liệu về “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” nhằm tái hiện lại việc những hùng binh Hoàng Sa năm xưa trên những chiếc thuyền nan mỏng manh đã giong buồm vượt trùng dương giữ gìn bờ cõi.
Bài 23, lớp 12: Khôi phục và phát triển kinh tế xã hội ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975), mục III - Giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. GV cho HS xem một đoạn phim tư liệu về sự kiện quân đội Việt Nam giải phóng Trường Sa (1975)
Qua việc cho HS tìm hiểu những đoạn phim tư liệu lịch sử như trên nhằm giáo dục cho các em truyền thống uống nước nhớ nguồn, hiểu rõ giá trị của nền hòa bình, độc lập thống nhất mà chúng ta có được phải đánh đổi bằng sự hi sinh, mất mát máu xương của bao thế hệ cha anh đã chiến đấu để giữ vững chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Ví dụ 2: Sử dụng tranh, ảnh, bản đồ lịch sử để giáo dục cho HS về quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa qua các thời kỳ lịch sử. Cụ thể:
Bài 25, lớp 10:Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn nửa sau thế kỉ XIX, mục 1 - Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước. Chính sách ngoại giao. GV cần sử dụng 2 tấm bản đồ gốc: Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838) vẽ thời Minh Mạng khá hoàn chỉnh, ghi rõ địa danh hành chính các tỉnh, các đạo, địa danh dọc biển và khối đảo Hoàng Sa và “Vạn lý Trường Sa” nằm ngoài bờ biển từ Quảng Ngãi tới Khánh Hòa; An Nam đại quốc họa đồ (1838) của Giám mục Taberd đã ghi rõ “Paracels seu Cát Vàng” với tọa độ rõ ràng như hiện nay. (Phụ lục 5).
Bài 22, lớp 11: Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp, mục 1 - Những chuyển biến về kinh tế. GV có thể sử dụng một số hình ảnh như: bia chủ quyền được dựng trên đảo Hoàng Sa (1838), trên bia có khắc dòng chữ, dịch nghĩa là "Cộng hòa Pháp - Đế chế An Nam quần đảo Hoàng Sa năm 1816 - Đảo Hoàng Sa năm 1938"; hình ảnh ngọn hải đăng, trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa; hình ảnh Lính bảo an đào giếng nước ngọt trên đảo Hoàng Sa; ảnh về cảnh một buổi chào cờ trên đảo Hoàng Sa... (Phụ lục 5).
Việc sử dụng các bản đồ lịch sử, tranh, ảnh nói trên sẽ giúp HS hiểu rõ hơn về quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam được tiến hành liên tục ít nhất từ thời các chúa Nguyễn (thế kỉ XVII) đến nay. Đây cũng chính là những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lí khẳng định chắc chắn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ví dụ 3: Sử dụng đồ dùng trực quan hiện vật để tạo biểu tượng lịch sử về quá trình chiếm hữu thật sự, hòa bình và thực thi liên tục chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Trong dạy học Lịch sử, việc sử dụng đồ dùng trực quan hiện vật để giáo dục cho HS rất quan trọng, đặc biệt là giáo dục về vấn đề chủ quyền biển, đảo. Để thực hiện một cách hiệu quả phương pháp này, GV nên tiến hành các tiết học tại thực địa như: bảo tàng, nhà lưu niệm, khu triển lãm những hiện vật, hình ảnh về biển, đảo. Tuy nhiên hình thức này phụ thuộc vào điều kiện của từng trường, địa phương để áp dụng.
Ví như, khi dạy bài 14: Các quốc gia cổ đại trên đất nước Việt Nam.
Để cung cấp cho học sinh một cách chân thực về văn hóa vật chất và tinh thần
của người Việt Cổ, giáo viên sử dụng tư liệu Trống đồng Đông Sơn kết hợp
với miêu tả có phân tích, giúp cho học sinh hiểu được về đời sống vật chất và
tinh thần, về kĩ thuật đúc đồng của người Việt cổ. Đặc biệt để giáo dục ý thức
về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, giáo viên khai thác hình thuyền khắc trên
trống đồng Đông Sơn đã khẳng định từ lâu dân tộc ta đã gắn bó với sông nước
lấy thuyền làm phương tiện làm ăn sinh sống
2.5.1.4. Giao bài tập nhận thức trong quá trình dạy học để giáo dục cho HS về chủ quyền biển, đảo.
Do những nội dung về chủ quyền biển đảo được đề cập trong chương trình chưa nhiều, nên hình thức giao bài tập nhận thức cho HS có ý nghĩa rất lớn và phù hợp với xu hướng phát triển của phương pháp dạy học hiện nay. BTNT vừa để rèn luyện cho HS kĩ năng tự học một cách hợp lí và cũng là cách giúp HS củng cố kiến thức cơ bản đồng thời gắn học đi đôi với hành, đồng thời giúp các em hình thành năng lực học tập bộ môn, phat triển khả năng nhận thức để các sự kiện, hiện tượng lịch sử trở nên sâu sắc và ấn tượng hơn, từ đó khơi gợi ở HS những cảm xúc lịch sử làm cho kiến thức lịch sử trở nên “có hồn” và khắc sâu.
Để thiết kế một CHNT, BTNT, trước hết, chúng ta phải xác định được mục đích, yêu cầu và nội dung chính của bài học hoặc của một chương, một khóa trình lịch sử và phải gắn với mục tiêu giáo dục đã được đặt ra. Qua đó, cho phép chúng ta có thể thiết kế được một BTNT phù hợp với đối tượng, với chủ thể nhận thức là các em HS.
Ví dụ: - Bài 23, lớp 12: Khôi phục và phát triển kinh tế xã hội ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975). Có thể thiết kế BTNT sau khi học xong bài này như sau:
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/
Thông qua việc tìm hiểu những sự kiện như: Quân đội Việt Nam giải phóng Trường Sa (1975) và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 ở vùng biển của Việt Nam (1/5/2014) em hãy:
1. Viết một bài luận, trình bày cảm nhận của em về sự hi sinh của quân đội Việt Nam (1975) và suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay trong việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo Tổ quốc?
2. Đánh giá của em về cách ứng xử của Trung Quốc ở Biển Đông nói chung và ở vùng biển của Việt Nam nói riêng? Là một HS em phải làm gì để bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc phù hợp với Luật pháp quốc tế cũng như Luật pháp của Việt Nam?
Để HS có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, GV có thể gợi ý về cách giải quyết vấn đề và cung cấp cho HS những trang mạng hoặc những cuốn sách có nội dung liên quan đến vấn đề chủ quyền biển, đảo. (GV yêu cầu HS làm tại nhà).
2.5.1.5. Tăng cường hình thức kiểm tra đánh giá gắn với nội dung biển đảo Tổ quốc.
Việc kiểm tra đánh gia kết quả học tập của HS trong quá trình dạy học có tầm quan trọng đặc biệt. Nó là khâu cuối cùng đồng thời khởi đầu cho một chu trình tiếp theo với một chất lượng cao hơn của quá trình giáo dục. Nên để việc GD cho HS về CQBĐ đạt được hiệu quả cao, ngoài việc cung cấp cho các em tư liệu lịch sử khoa học thì GV cần đưa nội dung biển đảo vào hệ thống ngân hàng đề thi, từ đó HS mới có thể chủ động tìm tòi, nghiên cứu, phát triển khả năng tư duy trong giải quyết vấn đề, cũng tránh được tình trạng “học gì thi nấy” như hiện nay.
Ví dụ: Trong các kỳ thi HSG trường, HSG cụm, HSG tỉnh bên cạnh nhwungx câu hỏi kiến thức chuyên sâu, GV có thể lồng ghép những câu hỏi mang tính mở, để có thể có thể đánh giá khả năng nhận thức và tư duy vấn đề của HS qua dạng câu hỏi như sau:
“Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các em cần có ý thức và trách nhiệm như thế nào trong sự nghiệp bảo vệ CQBĐ của ta ở Biển Đông?” Hoặc “Trước hành động hung hăng của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta vào ngày 2/05/2014. Là một thanh nhiên Việt Nam thời đai mới em có suy nghĩ và hành động như thế nào?”.
Qua việc suy nghĩ, trả lời các câu hỏi như trên vừa giúp HS phát triển được năng lực tư duy, giải quyết vấn đề vùa cung cáp thêm những kiến thức về thế mạnh, tiềm năng của biển đối với sự phát triển kinh tế đất nước, an ninh quốc phòng, ổn định chính trị quốc gia. Qua đó HS có ý thức hơn trong việc phòng chống các thế lực thù địch đang có mưu đồ xuyên tạc, chống đối nhà nước ta, đồng thời giáo dục cho các em tinh thần yêu chuộng hòa bình, căm ghét chiến tranh và có những hành động cụ thể lên án những việc làm sai trái của Trung Quốc trong những năm gần đây.
2.5.1.6. Tích hợp nội dung chủ quyền biển, đảo theo nguyên tắc liên môn hoặc thiết kế và dạy học các chủ đề tích hợp liên môn.
Trong chương trình môn lịch sử THPT hiện hành, nội dung kiến thức liên quan trực tiếp đến CQBĐ Việt Nam được đề cập rất ít. Các môn khoa học khác như: Địa lí, DGCD, Quốc phòng có đề cập nhưng còn rời rạc, nên việc GD HS ý thức về CQBĐ quốc gia qua nội dung kiến thức SGK còn ờ nhạt. Để khắc phục tình trạng này GV cần chủ động lồng ghép kiến thức về CQBĐ bằng cách sử dụng kiến thức liên môn hoặc thiết kế chủ đề liên môn, từ đó hình thành cho các em khả năng tư duy logic, khả năng liên hệ thực tế để giải quyết vấn đề một cách tích cực và hiệu quả.
Ví dụ 1: Khi dạy bài 19, lớp 10:Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X - XV, mục II - các cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên ở thế kỉ XIII, GV có thể tích hợp nguồn tư liệu môn Ngữ văn với việc trích dẫn những câu thơ nói về chiến thắng của quân và dân nhà Trần trong cuộc chiến đấu chống lại quân giặc: “Bạch Đằng nhất trận hỏa công. Tặc binh đại phá, huyết hồng mãn giang”; hoặc GV có thể sử dụng tác phẩm văn học “Đại cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi khi dạy về cuộc kháng chiến chống quân Minh vào đầu thế kỉ XV: “Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu…”. Việc vận dụng kiến thức của môn văn học có ý nghĩa giáo dục cho HS hiểu rằng: nước ta là một đất nước có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, có chủ quyền đối với lãnh thổ của mình cả trong đất liền và ngoài biển khơi.
Cùng với việc vận dụng kiến thức văn học, GV có thể vận dụng kiến thức địa lý kết hợp mô tả trên lược đồ để phân tích cho HS hiểu được về sự vận dụng quy luật thủy triều của quan quân nhà Trần để dàn thế trận trên sông Bạch Đằng dụ địch vào sâu trong cửa sông để tiêu diệt.
Ví dụ 2: Bài 26, lớp 12: Đất nước trên đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội (1986 - 2000), mục I - 2: Đường lối đổi mới của Đảng, GV có thể sử dụng kiến thức liên môn để dạy như: khi nói đến Công ước Luật Biển 1982 qui định quyền, chủ quyền về biển, đảo là nói đến: nội thủy, đường cơ sở, thềm lục địa... là kiến thức của môn Địa lý; nói đến Luật bảo vệ Môi trường, Sách đỏ... cần có kiến thức của môn Sinh học; nói đến chấp hành Luật là kiến thức của môn Giáo dục công dân…
Ngược lại, đối với môn Giáo dục công dân, GV có thể tiến hành nội dung giáo dục về chủ quyền biển, đảo thông qua một số bài trong SGK của cả ba khối lớp như: bài 14, lớp 10 - Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; bài 14, lớp 11 - Chính sách quốc phòng và an ninh; bài 9, lớp 12 - Pháp luật với sự phát triển bền vững của đất nước. Hoặc môn Địa lý, GV cũng có thể dạy học nội dung về chủ quyền biển, đảo khi dạy về vị trí, vai trò biển, đảo - Hoàng Sa và Trường Sa và Chính sách của Nhà nước đối với biển, đảo hiện nay.
Ví dụ 3: Trong quá trình dạy môn Lịch sử ở trường THPT, GV có thể thiết kế chủ đề bảo vệ CQBĐ Việt Nam cho HS lớp 10, lớp 11 hoặc lớp 12 nhằm giúp HS biết được vị trí của vùng biển, đảo, quần đảo nước ta, hiểu được lịch sử bảo vệ CQBĐ, đánh giá được vai trò của biển đảo từ xưa tới nay, phát triển năng lực phẩm chất của HS: Tụ học, hợp tác và giải quyết vấn đề, góp phần bồi dưỡng truyền thống yêu nước, đoàn kết, tình yêu với biển đảo quê hương, ý thức trách nhiệm trong bảo vệ biển đảo hiện nay.
Để thiết kế chủ đề này, GV cần sử dụng kiến thức môn Địa lí để xác định vị trí, vai trò của các vùng biển, đảo, quần đảo. Kiến thức môn Lịch sử để tìm hiểu quá trình xác lập CQBĐ và quá trình bảo vệ CQBĐ từ trước tới nay, sử dụng kiến thức môn Công dân và Quốc phòng để hiểu được sâu sắc vai trò của biển đảo trong công cuộc bảo vệ tổ quốc từ trước tới nay đặc biệt vai trò biển đảo hiện nay và điều quan trọng nhất là từ kiến thức trong sách vở HS có ý thức trách nhiêm bản thân và có hành động tích cực góp sức mình trong bảo vệ CQGQ thông qua các hoạt động thiết thực như: Viết thư, kể truyện về Hoàng Sa, Trường Sa, vẽ tranh cổ động….
Như vậy, việc dạy lồng ghép theo nguyên tắc liên môn hay dạy học tích hợp liên môn theo chủ đề trong nhà trường phổ thông có ý nghĩa, tác dụng rất lớn nhằm bổ sung, hoàn thiện toàn diện cho HS về cả các mặt kiến thức, kĩ năng đồng thời có ý thức, trách nhiệm và hành động trong việc bảo vệ CQBĐ tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra còn củng cố và phát triển kiến thức lịch sử, phát huy tính tích cực chủ động của HS, gây hứng thú học tập, nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục của bộ môn.
2.5.2. Tiến hành các hoạt động ngoại khóa lịch sử nhằm giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo lòng yêu quê hương đất nước cho HS
Trong khi chương trình giảng dạy hiện nay ở trường phổ thông, nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo chưa được đưa vào giảng dạy chính khóa mà chỉ được thực hiện bằng hình thức dạy lồng ghép, có phần gây khó khăn cho GV khi soạn giảng và thực hiện mục tiêu bài học. Chính vì vậy, hình thức hoạt động ngoại khóa sẽ hỗ trợ, bổ sung và củng cố kiến thức HS đã học hoặc chưa có điều kiện học trong bài nội khóa, ngoài ra góp phần phát huy tính tích cực chủ động và gây hứng thú học tập cho HS. Mặt khác sẽ cho phép việc giáo dục về nội dung chủ quyền biển, đảo được tiến hành thuận lợi hơn với hình thức, nội dung phong phú và hấp dẫn. Giáo dục ý thức cho HS về chủ quyền biển đảo là chủ đề mở, nên có thể tổ chức nhiều hình thức hoạt động ngoại khóa sinh động thu hút tham gia tích cực của HS, cụ thể:
2.5.2. 1. Tổ chức tham quan, học tập tại các bảo tàng, phòng trưng bày. Hình thức ngoại khóa này phù hợp ở địa phương có biển như Nghệ An, tuy bảo tàng của Nghệ An tuy chưa thực sự phong phú nhưng cũng đã lưu trữ số lượng tài liệu gốc vô cùng phong phú, quý giá như các hình ảnh, tư liệu viết, bản đồ… có liên quan đến nội dung giáo dục về chủ quyền biển, đảo. Việc dạy học tại thực địa có vai trò quan trọng trong việc tạo biểu tượng một cách sinh động, chân thực, từ đó phát triển tư duy và nhận thức lịch sử của HS một cách nhanh chóng, trực tiếp và bền vững.
2.5.2.2. Tổ chức các cuộc thi về biển, đảo như: “Biển đảo quê hương”,” hay “Trường Sa, Hoàng Sa trong trái tim em, “tìm hiểu Biển Đông”, thi vẽ tranh, làm báo tường, viết truyện về các tấm gương bảo vệ CQBĐ... Ở trường phổ thông có thể tiến hành qua các buổi ngoại khoá, phát động các cuộc thi tìm hiểu…hình thức chủ yếu là đố kiến thức HS thông qua các cách thức: Đố vui, hái hoa dân chủ, trắc nghiệm, viết bài phát biểu cảm tưởng... Đây là một hình thức giáo dục sinh động và hấp dẫn có tính chất tổng hợp, có thể thực hiện cho tất cả HS toàn trường tham gia và sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường.
2.5.2.3. Ngoại khóa chuyên đề tổng hợp
Đây là hình thức thường tiến hành trong những dịp chào mừng các hoạt động như: Kỉ niệm ngày 22/12/1944 thành lập QĐNDVN, giải phóng miền nam 30/4/1975…Hình thức rất hấp dẫn, thiết thực với HS và có nhiều trường THPT hiện nay triển khai rất có hiệu quả.
Ví dụ: Tổ chức ngoại khóa chuyên đề: “Chủ quyền biển đảo quê hương”.
Các bước tiến hành như sau:
* Bước 1: Chuẩn bị, xây dựng kế hoạch buổi ngoại khóa.
- Thời gian chuẩn bị (phát động trước 2 tuần).
- Dự kiến thời gian tiến hành, địa điểm, thành phần tham gia (HS toàn trường hoặc khối lớp), khách mời, ban giám khảo…
- Phân công công tác chuẩn bị: Phân công công việc cụ thể cho các bộ phận, tổ, nhóm như: phụ trách nội dung thi, phụ trách văn nghệ, phụ trách kĩ thuật, cơ sở vật chất, chuẩn bị nội dung cần kiểm tra (nếu có)
* Bước 2: Nội dung, tiến trình thực hiện.
1. Giới thiệu đại biểu khách mời, ban giám khảo, nội dung chương trình, mục tiêu cần đạt của buổi ngoại khóa đối với HS; hướng dẫn HS tham gia chương trình.
2. Những nội dung chính thực hiện trong chuyên đề.
* Nội dung 1: Vài nét khái quát về biển, đảo (GV sử dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với việc sử dụng một số hình ảnh trình chiếu trên màn hình Power Point).
+ Khái niệm về biển, đảo, quần đảo,…
+ Khái quát về biển đảo Việt Nam, biển đảo Nghệ An
Tầm quan trọng của biển, đảo: về kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng,…
Tình hình biển, đảo hiện nay: ô nhiễm môi trường, chủ quyền biển, đảo bị xâm phạm…
+ Quan điểm của Đảng ta đối với phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo: đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông bằng phương pháp hòa bình.
* Nội dung 2: Trường Sa, Hoàng Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Lịch sử chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa.
( Phần này, GV có thể mời một số GV thuộc các bộ môn: Địa lý, Quốc phòng, giáo dục công dân…hoặc GV am hiểu về kiến thức biển, đảo hỗ trợ hoặc tự thực hiện theo các phương pháp khác nhau như: hỏi - đáp cùng với HS, cho HS hùng biện theo từng vấn đề chuẩn bị trước, cho HS thảo luận nhóm và trình bày…)
* Nội dung 3: Trường Sa, Hoàng Sa hôm nay (GV sử dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với việc sử dụng màn hình Power Point trình chiếu). Qua hình ảnh thực tế giúp HS hiểu biết về Trường Sa, Hoàng Sa hiện nay
* Nội dung 4: Thế hệ trẻ với trách nhiệm bảo vệ biển, đảo quê hương (mục kiểm tra nhận thức)
GV cho HS xem một số hình ảnh gợi ý (bảo vệ môi trường biển, đảo; góp đá xây dựng Trường Sa; Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 ngày 2 – 5 – 2014; thanh niên Nghệ An tham gia nghĩa vụ quân sự, lên đường ra bảo vệ Trường Sa…), sau đó đặt câu hỏi như: Em có nhận xét gì về nội dung của những hình ảnh trên? Qua đó giúp HS nhận thức và nêu ra được những hành động cụ thể về việc:
+ Bảo vệ, khai thác hợp lí tài nguyên biển, đảo (khai thác đi đôi với bảo vệ)
+ Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
(Có thể thay hình thức trên bằng câu hỏi nhanh hoặc Phiếu học tập).
3. Kết thúc buổi ngoại khóa: GV nên cho HS phát biểu cảm tưởng; nhận xét tinh thần thái độ tham gia học tập, có thể kết hợp phát động phong trào ủng hộ Trường Sa, Hoàng Sa.
Buổi ngoại khóa nên lồng các tiết mục văn nghệ hát về Trường Sa, Hoàng Sa về biển, đảo quê hương.
2.5.2.4. Công tác công ích xã hội
Tổ chức cho HS sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền biển, đảo sau đó nhà trường phối hợp với địa phương tổ chức các cuộc triển lãm về biển đảo từ đó HS có cái nhìn tiệm cận, chính xác hơn về biển đảo, thông qua đó vận động tuyên truyền HS tham gia bảo vệ môi trường biển như: Thành lập đội xung kích, đội tình nguyện xanh, đội tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo vệ khu du lịch biển. Biện pháp này thường được tiến hành ở các điạ phương gắn liền với biển.
Trên đây là một số hình thức rất phù hợp để thực hiện chuyên đề ngoại khóa về nội dung chủ quyền biển, đảo ở trường THPT. Thông qua hoạt động ngoại khóa, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục về nội dung chủ quyền biển, đảo, nâng cao ý thức và trách nhiệm hơn cho các em HS trong việc đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Qua đó HS sẽ có những hoạt động ý nghĩa hơn, thiết thực hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng như bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo quê hương.
2.5.3. Giáo dục chủ quyền biển, đảo qua các bài Lịch sử địa phương ở trường THPT.
Để thực hiện được hình thức này các trường phải có kế hoạch xây dựng các chuyên đề dạy học lịch sử địa phương theo PPCT đầu năm, các chuyên đề phải có nội dung phối hợp với Lịch sử dân tộc để nâng cao tính giáo dục truyền thống tốt đẹp của quê hương trong bài học nội khóa LSĐP
Giáo dục chủ quyền biển, đảo qua các bài Lịch sử địa phương áp dụng cho các tỉnh thành có biển, đồng thời tùy thuộc vào PPCT, nội dung tiết LSĐP của từng đơn vị lựa chọn, tùy theo trình độ khối lớp để GV chọn nội dung và phương pháp thực hiện.
Ví dụ: Có thể biên soạn nội dung “Chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa trong Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975” dùng cho việc dạy tiết Lịch sử địa phương và lồng ghép bài Lịch sử dân tộc cho HS lớp 12.
Bố cục của bài như sau:
1. Kế hoạch của ta
a. Hoàn cảnh:
Sau khi chiến dịch Tây Nguyên, Trị - Thiên Huế, Đà Nẵng thắng lợi, một loạt vị trí chiến lược quan trọng dọc duyên hải miền Trung nằm trong tay quân giải phóng, chính quyền và quân đội Sài Gòn lâm vào tình trạng suy sụp toàn diện. Thời cơ để giải phóng quần đảo Trường Sa đã xuất hiện.
b. Chủ trương, kế hoạch của ta:
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương nhằm thời cơ có lợi nhất giải phóng các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông mà quân đội Sài Gòn đang chốt giữ. Đặc biệt là với quần đảo Trường Sa ở xa đất liền, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng.Việc triển khai chiến dịch giải phóng được giữ bí mật và khẩn trương để không cho các lực lượng nào khác lợi dụng cơ hội chiếm các đảo từ tay quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Tư tưởng mà những người tham gia chiến dịch giải phóng Trường Sa được xác định là phải hành động "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ".
2. Diễn biến chiến dịch
a. Diễn biến trận đánh đảo Song Tử Tây đêm 13 rạng ngày 14-4-1975:
b. Diễn biến trận đánh giải phóng đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa từ ngày 21 đến ngày 29-4-1975
3. Kết quả và ý nghĩa lịch sử
a. Kết quả:
Với cách đánh táo bạo, bất ngờ và sáng tạo, chỉ trong vòng 20 ngày vừa hành quân vừa chiến đấu (từ 9-4 đến 29-4), lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã lần lượt giải phóng các đảo trọng yếu mà quân đội Sài Gòn đồn trú: Song Tử Tây (14-4); Sơn Ca (25-4); Nam Yết (27-4); Sinh Tồn (28-4) và Trường Sa lớn (29-4)... Chiến dịch giải phóng Trường Sa đã hoàn toàn thắng lợi.
b. Ý nghĩa:
Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Trường Sa đã động viên tinh thần quyết thắng cho quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; cùng với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tạo nên một thắng lợi trọn vẹn của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Quần đảo Trường Sa và các đảo trên Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt. Do vậy, giải phóng Trường Sa và các đảo đã mở ra cho ta những khả năng thuận lợi to lớn cho Việt Nam:
Về quân sự, giải phóng quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ quan trọng của Tổ quốc, tạo khả năng cho quốc phòng có điều kiện phòng thủ từ xa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Về kinh tế, giải phóng, làm chủ Trường Sa là làm chủ vùng lãnh hải có tài nguyên phong phú, có khả năng góp phần xây dựng và phát triển đất nước, làm thay đổi cơ cấu kinh tế và vị thế đất nước.
Về chính trị, việc giải phóng Trường Sa thể hiện rõ ý thức về chủ quyền đối với vùng biển và hải đảo thiêng liêng của nhân dân Việt Nam. Chứng minh sự kế tục chiếm hữu, thực thi chủ quyền lãnh thổ của các thế hệ người Việt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền Trường Sa của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là vùng Châu Á - Thái Bình Dương.
Chiến dịch giải phóng Trường Sa và làm chủ biển, đảo trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quí giá. Đó là phải nắm bắt tốt tình hình và có phương án tác chiến hợp lý, cùng với sự mưu trí, sáng tạo trong việc chọn mục tiêu và hướng đánh cho từng đảo; là giải phóng và bảo vệ biển, đảo phải bằng sức mạnh của toàn dân, trực tiếp là lực lượng trên biển, trên đảo, ven bờ, trên bờ; là nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn”, lấy vũ khí thô sơ để đánh lại vũ khí mạnh và hiện đại hơn của đối phương...
GIẢI PHÁP MỚI VÀ ỨNG DỤNG
VÀO THỰC TIỄN CÔNG TÁC GIẢNG DẠY
3.1. Giải pháp mới
Để nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh trong dạy học lịch sử đòi hỏi người giáo viên phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, thường xuyên phải cập nhật những kiến thức mới đồng thời phải học hỏi nâng cao kĩ năng nghiệp vụ và thao tác sư phạm. Tự bản thân mỗi giáo viên phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với chủ quyền biển, đảo bằng những hành động cụ thể như: tham gia các hoạt động tuyền truyền, các cuộc thi “tìm hiểu về biển, đảo quê hương”…
Giáo viên phải có lập trường kiên định, biết khai thác những thông tin chính xác, kết hợp với các phương pháp sư phạm phù hợp tạo hiệu quả cao trong giáo dục ý thức cho học sinh trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.
Giáo viên phải đóng vai trò chủ động phối hợp với nhà trường, Đoàn thanh niên, giáo viên các môn học khác tổ chức các hoạt động học tập trong giờ nội khóa và ngoại khóa để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh nâng cao chất lượng bộ môn Lịch sử.
Để vấn đề giáo dục ý thức biển, đảo Tổ quốc trong dạy học môn Lịch sử thực sự đem lại kết quả như mong muốn, đòi hỏi người giáo viên phải làm tốt vai trò của người hướng dẫn và tổ chức. Giáo viên phải thực sự gần gũi với học sinh, nắm bắt được từng điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh để có sự phân công và điều chỉnh nhiệm vụ một cách hợp lý, giúp các em có thể hoàn thành tốt nội dung được giao. Việc hướng dẫn và tổ chức học sinh chỉ đạt kết quả khi giáo viên có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, đầu tư về thời gian, công sức. Giáo dục ý thức biển, đảo Tổ quốc trong dạy học môn Lịch sử đã được chứng minh là có khả năng phát huy tính sáng tạo và chủ động của học sinh. Vì vậy việc áp dụng nó vào việc dạy học chính là chúng ta đang thực hiện đổi mới việc dạy học.
3.2. Ứng dụng vào thực tiễn công tác giảng dạy môn lịch sử ở trường THPT
3.2.1. Mục đích thực nghiệm
Thực nghiệm là cơ sở để khẳng định tính đúng đắn, phù hợp hay không của cơ sở lí luận về giáo dục ý thức về chủ quyền biển đảo cho HS trong dạy học lịch sử, của những hình thức biện pháp tổ chức giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho HS trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường THPT được nêu ra trong đề tài nghiên cứu này.
Thực tiễn khi tiến hành thực nghiệm, từ kết quả kiểm tra và lấy ý kiến phản hồi từ GV, HS là căn cứ phân tích, xác định tính hiệu quả, khả thi và mở rộng triển khai những biện pháp tổ chức giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho HS trong dạy học lịch sử cũng như khả năng vận dụng thực tiễn.
Kết quả thực nghiệm là cơ sở đánh giá và kết luận khái quát về vấn đề giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho HS trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông. Qua đó bổ sung, làm phong phú thêm nhận thức của GV và HS về vấn đề chủ quyền biển, đảo, góp phần làm nâng cao chất lượng bộ môn Lịch sử trong trường phổ thông.
3.2.2. Đối tượng thực nghiệm
Căn cứ vào đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài, tôi tiến hành lựa chọn đối tượng thực nghiệm như sau:
- Đối với HS các lớp thực nghiệm và đối chứng, tôi chọn HS khối 10 và khối 12 của trường.
- Yêu cầu: Để có kết quả thực nghiệm khách quan, mỗi khối tôi chọn 2 lớp thực nghiệm, 2 lớp đối chứng có điều kiện học tập, sĩ số, giới tính, trình độ nhận thức tương đương nhau.
- Lớp thực nghiệm, tôi sử dụng giáo án có vận dụng nội dung và biện pháp giáo dục chủ quyền biển, đảo mà đề tài đã đưa ra trong quá trình lên lớp. Lớp đối chứng, tôi dạy bình thường theo nội dung giáo án và phương pháp truyền thống, không vận dụng nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo trong quá trình lên lớp.
- Đối tượng thực nghiệm cụ thể như sau:
Bảng 2.1: Đối tượng thực nghiệm của đề tài
STT | Thực nghiệm | Đối chứng | ||
Lớp | Số lượng HS | Lớp | Số lượng HS | |
1 | 12B1 | 40 | 12B2 | 40 |
2 | 12B3 | 40 | 12B4 | 40 |
3 | 10B1 | 45 | 10B2 | 45 |
4 | 10B3 | 45 | 10B4 | 45 |
3.2.3. Nội dung và phương pháp thực nghiệm
Tôi chọn hai bài để tiến hành dạy thực nghiệm. Bài 23, lớp 10: “Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc cuối thế kỷ XVIII” và Bài 23, lớp 12: “Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973 - 1975)”.
Để chuẩn bị cho bài thực nghiệm, tôi tiến hành theo các bước như sau:
Thứ nhất, lựa chọn bài thực nghiệm phù hợp với nội dung, chương trình của các khối, lớp.
Thứ hai, soạn giáo án thực nghiệm. Trước khi soạn giáo án tôi tìm hiểu tình hình học tập của HS qua GV bộ môn.
Thứ ba, báo cáo với Ban giám hiệu, Tổ bộ môn của trường mà mình sẽ tiến hành thực nghiệm về nội dung, mục đích, ý nghĩa để được nhà trường, Tổ giúp đỡ tạo điều kiện.
Ở lớp đối chứng, giờ học được tiến hành chủ yếu thông qua thuyết trình, học sinh ghi chép kết hợp với vấn đáp. Khảo sát ý kiến của học sinh sau giờ học cho thấy học sinh dù nắm được kiến thức cơ bản, nhưng chưa được khắc sâu và học sinh chưa có hứng thú với bài học vì các hoạt động học tập còn chưa phong phú.
Giờ học thực nghiệm được triển khai với việc sử dụng đa dạng nhiều phương pháp dạy học khác, trong đó học sinh là người chủ động lĩnh hội kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh đều hứng thú với bài học. Đặc biệt là với những kiến thức mới mà trong sách giáo khoa còn đưa vào một cách hạn chế như vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo của vương triều Tây Sơn, tôi đã sử dụng đa dạng các phương pháp như: sử dụng tài liệu tham khảo, tường thuật, miêu tả, đồ dùng trực quan (bản đồ lịch sử, lược đồ, tranh ảnh, bảng biểu), làm việc nhóm.... (Phụ lục 3).
Thứ tư, để đánh giá kết quả cuối cùng của bài học, tôi tiến hành bài kiểm tra nhanh vào cuối tiết dạy đó. Câu hỏi kiểm tra hoạt động nhận thức giữa các lớp có nội dung hoàn toàn giống nhau, bám sát vào nội dung bài học và có đáp án cụ thể cũng như barem chấm điểm. (Phụ lục 4).
Trên cơ sở trên, tôi lấy kết quả kiểm tra HS để làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá kết quả bài thực nghiệm.
3.2.4. Kết quả thực nghiệm
2.5.4.1. Kết quả định lượng
Sau khi chấm bài kiểm tra, xếp loại HS qua các mức giỏi, khá, trung bình, yếu - kém, tôi thu được kết quả thực nghiệm như sau:
Bảng 2.2: Kết quả kiểm tra của HS lớp thực nghiệm và lớp đối chứng
Lớp | Số HS | Điểm số (%) | ĐTB | |||||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | |||
TN12B1 | 40 100% | 0 0% | 0 0% | 0 0% | 0 0% | 2 5% | 6 15% | 13 32.5% | 12 30% | 5 12.5% | 2 5% | 7.45 |
ĐC12B2 | 40 | 0 0% | 0 0% | 0 0% | 3 7.5% | 6 15% | 12 30% | 15 37.5% | 2 5% | 2 5% | 0 0% | 6.4 |
TN12B3 | 40 100% | 0 0% | 0 0% | 0 0% | 0 0% | 5 12.5% | 7 17.5% | 12 40% | 8 20% | 5 12.5% | 3 7.5% | 7.55 |
ĐC12B4 | 40 100% | 0 0% | 0 0% | 0 0% | 4 10% | 6 12% | 13 32.5% | 11 27.5% | 3 7.5% | 2 5% | 1 2.5% | 6.5 |
TN10B1 | 45 100% | 0 0% | 0 0% | 0 0% | 0 0% | 4 10% | 12 30% | 15 37.5% | 3 7.5% | 7 17.5% | 4 10% | 7.4 |
ĐC10B2 | 45 100% | 0 0% | 0 0% | 0 0% | 6 15% | 8 20% | 7 17.5% | 10 25% | 8 20% | 5 12.5% | 1 2.5% | 6.5 |
TN10B3 | 45 100% | 0 0% | 0 0% | 0 0% | 1 2.5% | 7 15% | 12 30 % | 11 27.5% | 5 12.5% | 6 15% | 3 5% | 70 |
ĐC10B4 | 45 100% | 0 0% | 0 0% | 0 0% | 8 20% | 7 17.5% | 9 22.5% | 10 25% | 5 12.5% | 4 8% | 1 2.5% | 6.2 |
(Chú giải: TN - Thực nghiệm ; ĐC - Đối chứng
Số HS - Số học sinh; ĐTB - Điểm trung bình).
Sau khi tiến hành chấm bài của HS, tính điểm, xử lí phần trăm để thấy rõ sự chênh lệch về kết quả học tập của HS các lớp TN và các lớp ĐC, tôi có được bảng kết quả như sau:
Qua bảng số liệu trên, chúng ta có thể thấy rõ mức độ đạt được điểm trung bình giữa các lớp đối chứng và lớp thực nghiệm, sự chênh lệch giữa điểm của lớp thực nghiệm và lớp đối chứng. Kết quả dạy học của lớp thực nghiệm luôn cao hơn lớp đối chứng.
Đây là kết quả hoàn toàn trùng khớp với thực tiễn dạy học. Ở lớp thực nghiệm (cả 10 và 12), có vận dụng nội dung kiến thức về chủ quyền biển, đảo và các biện pháp dạy học được đề ra trong đề tài của tác giả, không khí học tập của HS sôi nổi và rất hào hứng. Ở lớp đối chứng (cả 10 và 12), không vận dụng nội dung kiến thức về chủ quyền biển, đảo và các biện pháp dạy học được đề ra trong của tác giả, không khí học tập của HS ít sôi nổi hơn, hiệu quả bài học không cao. Kết quả trên đã khẳng định tính khả thi của đề tài cũng như các biện pháp tôi đã đề xuất.
2.5.4.2. Kết quả định tính
Bên cạnh việc đánh giá định lượng bằng cách cho điểm số để xem xét mức độ nhận thức của HS, tôi còn kiểm tra những chuyển biến về mặt thái độ, suy nghĩ của HS bằng cách phân tích phần trả lời câu hỏi của HS: Em có nhận xét gì về những việc làm của các vua Quang Trung với chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam?
Thông qua phần trả lời của HS, tôi nhận thấy:
Hầu hết các em đều trả lời được đáp án của câu hỏi là: Thể hiện ý thức về chủ quyền lãnh thổ quốc gia nói chung và chủ quyền biển, đảo nói riêng. Nhằm xác lập thật sự và thực thi chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Là những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lí khẳng định chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trước thế giới.
Đề tài này tôi đã nghiên cứu từ năm học 2018 – 2019 và áp dụng ở lớp 10, sau khi dạy thí điểm tôi có trao đổi với các GV dạy và nói chuyện với các em HS về bài học. Kết quả tôi nhận được đó là cả GV và HS đều thấy hứng thú đối với tiết học, sẵn sàng thực hiện tiếp các tiết học có vận dụng nội dung kiến thức về chủ quyền biển, đảo và các biện pháp dạy học được đề ra, nên tôi mạnh dạn nghiên cứu tiến hành ở lớp 11, 12, đến năm học 2019 – 2020 tôi đã áp dụng ở nhiều lớp học ở trường tôi giảng dạy và một số trường THPT trên địa bàn.
PHẦN III. KẾT LUẬN
1. Kết luận chung
Qua quá trình nghiên cứu nội dung chương trình SGK phần LSVN ở trường THPT hiện hành, thực tiễn dạy học cũng như vấn đề chủ quyền biển đảo hiện nay ở biển đông, tôi đã nghiên cứu đề tài “giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo cho HS thông qua dạy học lịch sử Việt Nam trường THPT” theo các bước: Xuất phát từ những nghiên cứu lí luận và thực tiễn là cơ sở đề xuất các biện pháp, hình thức tổ chức giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo cho học sinh THPT gồm các biện pháp sử dụng tài liệu về chủ quyền biển, đảo làm tài liệu tham khảo để giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho học sinh; GV hướng dẫn học sinh sử dụng đồ dùng trực quan để giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho học sinh. Đồng thời, tích hợp kiến thức các bộ môn khoa học xã hội trong dạy học lịch sử theo nguyên tắc liên môn; giáo viên tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Các biện pháp được lựa chọn, vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường và trình độ của HS.
Bên cạnh đó, kết quả thực nghiệm sư phạm là căn cứ bước đầu khẳng định tính hiệu quả của các biện pháp được nêu ra trong nghiên cứu này. Các biện pháp sư phạm giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho học sinh được nêu ra trong nghiên cứu vận dụng cho toàn bộ quá trình dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông với những nội dung khai thác cụ thể phù hợp với từng lớp học, cấp học một cách linh hoạt, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.
2. Ý nghĩa của đề tài
Thông qua quá trình nghiên cứu và thực nghiệm sư phạm tôi nhận thấy việc giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo có ý nghĩa rất lớn. Với HS phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS trong việc tiếp thu kiến thức lịch sử và vận dụng vào đời sống thực tế, rèn luyện được kĩ năng tư duy, kĩ năng thực hành, phát triển trí tưởng tượng, tư duy ngôn ngữ và khả năng sáng tạo ở học sinh, các em có được các năng lực cốt lõi: Phát hiện, giải quyết vấn đề, bồi dưỡng thế giới quan khoa học và các phẩm chất như: Yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm, đam mê với môn học. Góp phần giáo dục cho HS lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Ngoài ra còn giúp cho bản thân, đồng nghiệp hiểu và vận dụng nội dung kiến thức về vấn đề chủ quyền biển, đảo trong dạy học Lịch sử Việt Nam ở trường THPT vào quá trình dạy học, góp phần nâng cao chất lượng và tính hiệu quả trong dạy học bộ môn Lịch sử ở trường THPT tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung.
Đề tài còn góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn thể hiện trên các mặt: giáo dục, giáo dưỡng và phát triển, khắc phục tình trạng chất lượng học tập bộ môn Lịch sử có phần giảm sút như hiện nay, góp phần đổi mới phương pháp dạy học bộ môn, nâng cao hiệu quả bài học Lịch sử, đặc biệt là bài học có nội dung về chủ quyền biển, đảo, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần làm phong phú thêm lý luận dạy học về vấn đề giáo dục chủ quyền biển, đảo cho HS qua phần LSDT và LSĐP ở trường THPT.
Đối với nghành giáo dục đề tài phù hợp với đối mới phương pháp dạy học hiện nay ở trường THPT hiện nay, chuẩn bị những nền tảng cần thiết trong việc thực hiện chương trình GDPT mới sắp tới.
3. Đề xuất, kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả giáo dục nội dung chủ quyền biển, đảo cho HS trường THPT tỉnh Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn đề tài, tôi xin đề xuất một số khuyến nghị sau đây:
Về việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử: Việc đưa nội dung về sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; kiến thức về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đặc biệt quan trọng và mang tính cấp thiết. Tuy nhiên, việc chỉnh lý sách giáo khoa đòi hỏi cần phải có thời gian và sự nghiên cứu của các nhà giáo dục, chuyên môn, các cấp ngành...Do đó, trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có công văn hướng dẫn, phát hành tài liệu lưu hành nội bộ; và Bộ cần yêu cầu Vụ Giáo dục trung học soạn thảo và ban hành bộ tài liệu hướng dẫn dạy học về chủ quyền biển, đảo; Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đầu tư xây dựng một trang mạng riêng nhằm mục đích hỗ trợ dạy học lịch sử. Với quan điểm “chương trình là pháp lệnh” nên cần có văn bản bổ sung thay đổi phân phối chương trình trong đó nêu cụ thể tiết tăng thêm dạy học về biển, đảo hay hướng dẫn ngoại khóa về biển, đảo để giáo viên có cơ sở pháp lý thực hiện, có thể đưa nội dung chủ quyền biển, đảo - Hoàng Sa, Trường Sa vào các đề thi, đề kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm. Để HS có ý thức học tập và nâng cao nhận thức về lịch sử chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia nói chung và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam nói riêng.
Về công tác tập huấn thường xuyên cho giáo viên: Cần đưa nội dung về chủ quyền biển, đảo quốc gia vào công tác tập huấn thường xuyên cho GV. Điều này rất cần thiết cho GV trong việc cập nhật những kiến thức mới về chuyên môn, đặc biệt là những kiến thức mới về nội dung biển, đảo của Việt Nam để nâng cao kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm. Bồi dưỡng cho giáo viên những kỹ năng vận dụng các phương pháp dạy học mới, phù hợp với đặc điểm tâm lí, nhận thức của học sinh hiện nay như: cách thức sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy và học, kiểm tra đánh giá.
Với các trường THPT: Nên thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá về vấn đề chủ quyền biển, đảo cho HS, nếu các trường trên đia bàn có biển, đảo tổ chức hướng dẫn HS tham quan, học tập thực địa tại bảo tàng, nhà trưng bày, đặc biệt nếu có điều kiện tổ chức cho HS tham quan thực tế. Điều đó đòi hỏi phải có sự phối hợp của cơ quan các ban ngành có liên quan với các cấp lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo cùng nhà trường, có sự đầu tư về kinh phí để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho HS học tập, tham quan ngoại khoá.
Về phía giáo viên: Giáo viên phải có lập trường kiên định, biết khai thác những thông tin chính xác, kết hợp với các phương pháp sư phạm phù hợp tạo hiệu quả cao trong giáo dục ý thức cho học sinh trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Giáo viên phải đóng vai trò chủ động phối hợp với nhà trường, Đoàn thanh niên, giáo viên các môn học khác tổ chức các hoạt động học tập trong giờ nội khóa và ngoại khóa để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh nâng cao chất lượng bộ môn Lịch sử.
Đề tài “Giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc cho học sinh trong dạy học Lịch sử Việt Nam ở trường THPT” (chương trình chuẩn) có giá trị thực tiễn rất cao, nếu được nghiên cứu kỹ và áp dụng thì chắc chắn sẽ góp phần to lớn trong việc thay đổi SGK và thực hiện chương trình GDPT mới trong những năm tới.
Trên đây là một số ý kiến của tôi về vấn đề giáo dục ý thức chủ quyền biển, đảo Tổ quốc vào dạy học môn LSVN ở Trường THPT. Với những lí do khách quan và chủ quan khác nhau nên đề tài không tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Vì vậy tôi rất mong được sự đóng góp ý kiến chân thành của hội đồng khoa học, quý thầy cô, bạn bè đồng nghiệp cũng như những ai quan tâm đến vấn đề này để đề tài của tôi có thể được hoàn thiện hơn nữa.
Xin chân thành cảm ơn.
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/