Nghiên cứu thị trường khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam



ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Tác giả: HOÀNG THỊ NGỌC HÀ
Tên tài liệu: Nghiên cứu thị trường khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam
Luận văn Thạc sĩ Du lịch
Mã số: 8810101
Người hướng dẫn khoa học: TS. Vũ Nam
Hà Nội – 2020

1. Lý do chọn đề tài 

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội thì nhu cầu của con người, trong đó có nhu cầu đi du lịch ngày càng tăng. Không nằm ngoài xu thế, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua. Năm 2019 du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc với trên 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 760 nghìn tỷ đồng và đóng góp 9,2% GDP của cả nước [22]. Bên cạnh khách du lịch trong nước thì lượng khách du lịch đến từ các quốc gia khác cũng tăng dần đều qua các năm. 

Việc hội nhập kinh tế thế giới đi kèm với nó là một số chính sách của Nhà nước về du lịch cũng là yếu tố góp phần đưa du khách quốc tế đến Việt Nam ngày một nhiều hơn. Đặc biệt, ngày 16/01/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quan điểm của Nghị quyết nêu rõ “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác” [7]. 

Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước rất coi trọng việc phát triển du lịch nước nhà. Với sự khác biệt lớn về thiên nhiên, văn hóa, lối sống và ẩm thực, Việt Nam đang thu hút nhiều khách du lịch Tây Âu đến khám phá, trải nghiệm. Bên cạnh đó, với đường bờ biển dài 3.260 km không kể các đảo, Việt Nam có nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn và các bãi biển đẹp trải dài từ bắc vào nam và đây cũng là một trong những sản phẩm ưa thích của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch Tây Âu. Đây là đối tượng khách nằm trong châu lục phát triển nhất thế giới, có nhiều điểm tương đồng về ngoại hình, tâm lý cũng như có mức sống thuộc loại cao trên thế giới. Khách du lịch Tây Âu cũng là một trong những thị trường truyền thống và thị trường xa quan trọng của Việt Nam. Hơn nữa, theo Nghị quyết số 54/NQ-CP của chính phủ [9] kể từ ngày 01/7/2018 thì công dân 5 nước Tây Âu gồm Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha và Cộng hòa I-tali-a mang hộ chiếu phổ thông đi du lịch Việt Nam tiếp tục được miễn thị thực 15 ngày với thời hạn là 3 năm thay vì 1 năm như trước đây. Điều này càng tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam ngày càng đông. Nghiên cứu thị trường nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không phải là đề tài mới. 

Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện ở góc độ thị trường gắn với một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ như thị trường Anh, Pháp, Nhật Bản, Nga, Đức,... hoặc cũng có nghiên cứu làm về khu vực Bắc Âu nhưng vẫn chưa có đề tài nào làm về khu vực Tây Âu. Ngoài ra, việc thu hút khách du lịch từ thị trường này đến Việt Nam đến nay vẫn còn chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến mất cân đối về cơ cấu trong tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tại một số địa phương trong những năm gần đây. Trước tình hình nêu trên, tác giả đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu thị trường khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam” để nghiên cứu một cách tổng quát về thị trường khách du lịch Tây Âu và khách du lịch Tây Âu đếnViệt Nam, từ đó đưa ra một số kiến nghị cho việc tăng cường thu hút khách Tây Âu đến Việt Nam nhằm phục vụ cho việc phát triển du lịch nước nhà một cách bền vững. 

2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu 

Cho đến nay, tại Việt Nam hiện mới chỉ có các công trình nghiên cứu về một số thị trường khách như “Nghiên cứu thị trường khách du lịch Bắc Âu đến Việt Nam” của tác giả Trần Phú Cường năm 2008 [1]; “Một số giải pháp nhằm thu hút thị trường khách du lịch Đức tới Việt Nam” của Nguyễn Bình Minh năm 2018 [6]; và một số thị trường khách khác. Đề án “Nghiên cứu thị trường nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam” năm 2015 cũng đã nghiên cứu cụ thể 11 thị trường nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ở khắp các châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Úc, Nga. Tuy nhiên, việc tiếp cận nghiên cứu các thị trường này được thực hiện một cách độc lập, riêng rẽ với các thông tin, phân tích cũng như giải pháp cụ thể cho từng thị trường. 

Với việc lựa chọn đề tài nghiên cứu thị trường khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam, luận văn sẽ kế thừa và làm mới các nghiên cứu trước ở một số điểm như sau: 

- Kế thừa cách tiếp cận nghiên cứu thị trường từ các nghiên cứu trước đây, cụ thể đi sâu phân tích các đặc điểm thị trường như cơ cấu, hành vi và thói quen tiêu dùng của khách du lịch tại thị trường đó. Trên cơ sở đó, luận văn sẽ đưa ra các giải pháp để thu hút thị trường đến Việt Nam 

- Việc nghiên cứu thị trường gắn với khu vực địa lý, chính trị như khu vực Tây Âu với nhiều quốc gia và các quốc gia có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, kinh tế, điều kiện sống và thói quen tiêu dùng là một cách tiếp cận mới trong nghiên cứu thị trường. Cách tiếp cận này cho phép thực hiện việc nghiên cứu thị trường ở một quy mô rộng hơn, bao quát hơn, hỗ trợ tốt hơn công tác quản lý và xúc tiến du lịch tại các thị trường này.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 

3.1. Đối tượng nghiên cứu 

- Nghiên cứu thị trường khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam.

 3.2. Phạm vi nghiên cứu 

- Về không gian: luận văn giới hạn nghiên cứu thị trường khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam - Nghiên cứu thị trường khách du lịch Tây Âu, tập trung chủ yếu vào khách đến từ 5 nước gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và I-ta-li-a. 

- Về thời gian: Từ năm 2015 đến năm 2019. 

4. Mục đích và nội dung nghiên cứu 

4.1. Mục đích nghiên cứu 

- Nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam.

4.2. Nội dung nghiên cứu 

- Nghiên cứu các đặc điểm của thị trường khách 5 nước Tây Âu là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và I-ta-li-a. 

- Đề xuất một số giải pháp và khuyến nghị nhằm đẩy mạnh thu hút thị trường nguồn này. 

5. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập thông tin và xử lý số liệu thứ cấp: Tác giả tiến hành thu thập các thông tin, dữ liệu từ các nguồn như các trang báo mạng về chuyên ngành uy tín, sách báo, tạp chí chuyên ngành và các ngành liên quan, các dự án, các đề án, các quy hoạch du lịch, các thông tư, nghị quyết, báo cáo của các cơ quan quản lý cấp Trung ương như: Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch… 

- Phương pháp chuyên gia: Phỏng vấn chuyên gia và phỏng vấn lãnh đạo một số doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam: Đối với từng vấn đề cụ thể, điểm đến cụ thể, tác giả đi thực tế và xin phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho các vấn đề liên quan đến đề tài nghiên cứu để từ đó có các kiến thức, cách nhìn đúng đắn nhất, khách quan nhất cho đề tài của mình.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Thông qua các số liệu thống kê về lượng khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam, tác giả xử lý số liệu và hệ thống hóa các số liệu, các bảng phân tích nhằm làm rõ thực trạng phát triển của nguồn khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam, đưa ra các phân tích, đánh giá và nhận định về thị trường. 

6. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm 3 chương: 

Chương 1- Cơ sở lý luận và thực tiễn về thị trường khách du lịch 

Chương 2 - Thị trường khách du lịch Tây Âu và hiện trạng khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam

Chương 3 - Một số giải pháp cơ bản nhằm tăng cường thu hút khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam

Tải file miễn phí đầy đủ: Tại đây hoặc Tại đây

Nguồn: ST

Nếu khi tải tài liệu bị lỗi, hãy liên hệ admin tại mục LIÊN HỆ-HỖ TRỢ trên website để được cập nhật/fix lỗi link tải mới.

Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/

Previous Post Next Post