SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
HƯỚNG DẪN HỌC SINH ÔN TẬP THEO CHỦ ĐỀ MÔN LỊCH SỬ LỚP 12
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại:
https://www.dvtuan.com/skkn-huong-dan-hoc-sinh-on-tap-theo-chu-de.html
I. Mục đích yêu cầu
- Giúp học sinh hệ thống được kiến thức lịch sử một cách khoa học, hiểu kiến thức nhanh và vận dụng trong bài làm bộ môn một cách hiệu quả nhất.
- Giúp giáo viên ôn tập cho học sinh nhanh hơn, hiệu quả cao hơn, nhất là trong các kì thi học sinh giỏi các cấp
- Trong phạm vi bài viết này, tôi trình bày sáng kiến của mình (đã qua thực tế giảng dạy những năm gần đây) về việc soạn giảng và hướng dẫn học sinh ôn tập theo chủ đề: Chủ đề quan hệ quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ II trong phần Lịch sử thế giới hiện đại từ 1945 – 2000 của lịch sử lớp 12
II. Nội dung
- Kiến thức của chủ đề này có trong các bài:
+ Bài 1: Sự hình thành trật tự thế giới mới sau CTTG thứ II (1945 – 1949)
+ Bài 9: Quan hệ quốc tế trước và sau thời kì Chiến tranh lạnh
+ Bài 10: Cách mạng khoa học – công nghệ và xu thế Toàn cầu hóa
- Nội dung ôn tập gồm các vấn đề sau:
Câu 1: Hội nghị IANTA
1. Hội nghị IANTA
a. Hoàn cảnh lịch sử
- Đầu 1945, CTTG II đi vào giai đoạn kết thúc, chiến thắng đang nghiêng về phe đồng minh chống phát xít thì trong nội bộ phe đồng minh bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề cần giải quyết. Có 3 vấn đề chủ yếu là:
· Nhanh chóng đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít
· Tồ chức lại trật tự thế giới sau chiến tranh
· Phân chia thành quả của các nước thắng trận
- Để giải quyết các vấn đề trên, các cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh đã họp hội nghị cấp cao tại IANTA (Liên Xô – 2/1945).
b. Nội dung
- Thống nhất mục tiêu chung là tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật để kết thúc CTTG II.
- Thống nhất thành lập tổ chức Liên hợp quốc để duy trì hòa bình an ninh thế giới sau CTTG II.
- Thỏa thuận việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp quân đội phát xít và phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu, châu Á.
c. Ý nghĩa
Với những quyết định của hội nghị cấp cao IANTA, trật tự thế giới mới được hình thành, đó là “trật tự hai cực” (chỉ Liên Xô và Mĩ chi phối trật tự thế giới sau CTTG II)
2. Trình bày và nhận xét về sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các nước đồng minh tại hội nghị Ianta?
a. Trình bày
- Ở châu Âu:
· Quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Đông nước Đức, Đông Beclin và các nước Đông Âu. Vùng Đông Âu thuộc ảnh hưởng của Liên Xô.
· Quân đội Mĩ chiếm đóng miền Tây nước Đức, Tây BecLin và các nước Tây Âu. Vùng Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ.
- Ở châu Á:
· Trả lại cho Liên Xô miền Nam đảo Xa kha rin, Liên Xô chiếm bốn đảo thuộc quần đảo Curin, đóng quân ở bắc Triều Tiên.
· Quân đội Mĩ đóng quân ở Nhật Bản và nam Triều Tiên.
· Trừ Trung Quốc, các vùng còn lại ở châu Á thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.
b. Nhận xét
- Sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng tại hội nghị IANTA chủ yếu là sự phân chia giữa Liên Xô và Mĩ.
- Sự phân chia đó cùng với những thỏa thuận về sau giữa ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh đã trở thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới, thường gọi là trật tự hai cực IANTA.
- Các nước vốn là đồng minh trong CTTG II nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu với nhau.
Câu 2: Quan hệ Liên Xô – Mĩ trong và sau CTTG II có gì khác nhau? Chiến tranh lạnh được khởi đầu như thế nào trong những năm 1947-1949?
1. Quan hệ Xô – Mĩ
Từ chỗ là đồng minh chống phát xít trong CTTG II, Liên Xô và Mĩ trở thành đối thủ của nhau sau CTTG II.
2. Chiến tranh lạnh khởi đầu trong những năm 1947 - 1949
- Tháng 3/1947, Trong thông điệp tại quốc hội Mĩ, tổng thống Tơruman đã khẳng định sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn của Mĩ và đề nghị viện trợ khẩn cấp cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì, biến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì thành các căn cứ tiền phương chống Liên Xô và các nước Đông Âu từ phía nam .
- Tháng 6/1947, Mĩ đề ra “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (kế hoạch Mác san) viện trợ cho các nước Tây Âu khôi phục kinh tế sau CTTG II, đồng thời tập hợp các nước này thành liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Đông Âu.
- Tháng 4/1949, Mĩ lập ra khối NATO. Đây là liên minh quân sự lớn nhất của các nước Tư bản chủ nghĩa do Mĩ cầm đầu nhằm chống lại Liên Xô và các nước Đông Âu.
- Đối lập với các hoạt động của Mĩ và các nước phương Tây, tháng 1-1949 Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) nhằm giúp đỡ nhau về kinh tế, khoa học - kĩ thuật, nhằm chống lại ảnh hưởng của kế hoạch Mác san của Mĩ.
ð Chiến tranh lạnh được khởi đầu từ Mĩ hay nói cách khác Mĩ là nước gây ra chiến tranh lạnh sau CTTG II.
Câu 3: So sánh trật tự thế giới trước và sau CTTG II.
1. Giống nhau
- Trật tự thê giới trước CTTG II là trật tự Vec xây - Oasinhton (Anh, Pháp và Mĩ chi phối), trật tự thế giới sau CTTG II là trật tự hai cực (Liên Xô và Mĩ chi phối).
- Cả hai trật tự này đều do các cường quốc thắng trận thiết lập nên lợi ích chủ yếu thuộc về các cường quốc đó.
2. Khác nhau
- Cơ quan duy trì trật tự thế giới trước CTTG II là Hội quốc liên, sau CTTG II là Liên hợp quốc thì Liên hợp quốc tiến bộ hơn nhiều so với Hội quốc liên.
- Trật tự thế giới trước CTTG II đảm bảo phục vụ quyền lợi cho các nước đế quốc Anh, Pháp, Mĩ. Ở trật tự sau CTTG II, “cực” Liên Xô luôn luôn hậu thuẫn cho phong trào CMTG: Gồm cách mạng XHCN, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào hòa bình dân chủ tiến bộ trên thế giới.
- Việc giải quyết vấn đề chế độ chính trị, quân sự, lãnh thổ và bồi thường chiến tranh với các nước bại trận:
· Ở trật tự Vecxây - Oashinton rất khắc nghiệt dẫn tới mâu thuẫn giữa các nước và nguy cơ một cuộc chiến tranh mới.
· Ở trật tự “hai cực”, các vấn đề các nước chiến bại được giải quyết thỏa đáng, ít xảy ra mâu thuẫn giữa các nước, đã đẩy lùi nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/
Câu 4: Trật tự hai cực Ianta sụp đổ như thế nào? Em có dự báo gì về trật tự thế giới mới sau trật tự hai cực IANTA?
1. Trật tự hai cực sụp đổ
Trong những năm 1988-1991 trật tự hai cực bị sụp đổ, biểu hiện là:
- Các nước Đông Âu, phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô tan vỡ kéo theo các liên minh chính trị quân sự (VACSAVA) và liên minh kinh tế, khoa học kĩ thuật (SEV) bị giải thể.
- Thế “hai cực” của hai cường quốc bị phá vỡ: Liên Xô sụp đổ về nhà nước, Mĩ tuy giữ được vị trí thứ nhất thế giới về kinh tế nhưng suy giảm nhiều mặt so với trước.
- Liên Xô và Mĩ phải rút dần sự có mặt của mình ở nhiều khu vực quan trọng trên thế giới.
- Sự vươn lên của Đức, Nhật đang trở thành mối đe dọa với Liên Xô và Mĩ.
ð Như vậy, sau hơn 40 năm tồn tại, trật tự hai cực đã sụp đổ từ sau sự tan rã của Liên Xô và khối Đông Âu vào năm 1991.
2. Dự báo về trật tự thế giới mới
- Sau khi trật tự hai cực sụp đổ, Mĩ cố gắng vươn lên để duy trì thế “một cực” để chi phối thế giới. Các cường quốc khác cũng đang cố gắng vươn lên, trong đó có Nhật ,Đức. Như vậy trật tự thế giới đang hình thành sẽ là trật tự “đa cực”.
- Tuy nhiên trật tự này phát triển như thế nào còn phụ thuộc vào yếu tố sau:
· Sự phát triển thực lực về mọi mặt của Mĩ, Nga, EU, Trung Quốc, Nhật.
· Sự lớn mạnh của Cách mạng thế giới (trong đó có sự thành bại của công cuộc đổi mới, cải cách của các nước XHCN).
· Sự phát triển của CM khoa học kĩ thuật thế giới và vai trò điều hành của Liên hợp quốc.
Câu 5: Tổ chức Liên hợp quốc. Em hãy nhận xét về tổ chức này?
1. Liên hợp quốc
a. Hoàn cảnh ra đời
- Đầu năm 1945, CTTG II đi vào giai đoạn cuối, thắng lợi đang nghiêng về phe Đồng minh chống phát xít, việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh và tổ chức lại trật tự thế giới mới đang là vấn đề gay gắt cần phải giải quyết.
- Tại hội nghị IANTA (2/1945) những người đứng đầu Liên Xô, Mĩ, Anh đã nhất trí thành lập tổ chức Liên hợp quốc để duy trì hòa bình an ninh thế giới sau chiến tranh.
ð Từ hoàn cảnh trên nên từ ngày 25/4/1945đến ngày 26/6/1945 tại Xanfanxico (Mĩ) đại biểu 50 nước đã họp thông qua hiến chương và tuyên bố thành lập nên Liên hợp quốc. Ngày 24/10/1945, Hiến chương Liên hợp quốc bắt đầu có hiệu lực.
b. Mục đích
- Duy trì hòa bình an ninh thế giới sau chiến tranh
- Phát triển các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế giữa các nước trên thế giới.
c. Nguyên tắc hoạt động
- Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc
- Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước
- Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào
- Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình
- Chung sống hòa bình và sự nhất trí giữa 5 nước lớn ( Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc)
2. Nhận xét
a. Tích cực
- Là diễn đàn quốc tế vừa hợp tác, vừa đấu tranh nhằm duy trì hòa bình an ninh thế giới.
- Có nhiều cố gắng trong việc giải quyết tranh chấp xung đột ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới.
- Thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế.
- Giúp đỡ các dân tộc về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, nhân đạo và các vấn đề toàn cầu khác.
b. Hạn chế
Do tương quan lực lượng và cơ cấu tổ chức vì vậy nhiều vấn đề do Liên hợp quốc quyết định trong một thời gian dài đã bị Mĩ chi phối nên Liên hợp quốc thông qua một số nghị quyết sai trái như chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, I rắc, Nam Tư…Vì vậy đòi hỏi Liên hợp quốc phải khách quan vô tư trong các mối quan hệ quốc tế.
Câu 6: Chiến tranh lạnh.
1. Vì sao Mĩ tiến hành chiến tranh lạnh?
- Sau CTTG II, Mĩ là nước giàu mạnh nhất, chiếm ưu thế tuyệt đối về kinh tế, tài chính, quân sự trên thế giới, vì vậy Mĩ muốn bá chủ thế giới .
- Sau CTTG II, sau thời gian khôi phục kinh tế Liên Xô ngày càng lớn mạnh và có ảnh hưởng to lớn đến CMTG. Liên Xô trở thành thành trì, là chỗ dựa của CMTG gồm cách mạng XHCN, phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân. Sự lớn mạnh của Liên Xô và đóng góp của Liên Xô có tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển đi lên của lịch sử thế giới.
- Mĩ muốn tiêu diệt Liên Xô để bá chủ thế giới. Nhưng nếu tiến hành chiến tranh quân sự (chiến tranh nóng) thì Mĩ sẽ gặp nhiều khó khăn thiệt hại vì Liên Xô là một cường quốc kinh tế, quân sự và có vũ khí hạt nhân. Vì vậy Mĩ phát động chiến tranh lạnh chống Liên Xô.
2. Chiến tranh lạnh diễn ra như thế nào?
a. Về phía Mĩ
- Tháng 3/1947, trong thông điệp tại quốc hội Mĩ, tổng thống Tơruman đã khẳng định sự tồn tại của Liên Xô là nguy cơ lớn của Mĩ và đề nghị viện trợ khẩn cấp cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì, biến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì thành các căn cứ tiền phương chống Liên Xô và các nước Đông Âu từ phía nam.
- Tháng 6/1947, Mĩ đề ra “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (kế hoạch Mác san) viện trợ cho các nước Tây Âu khôi phục kinh tế sau CTTG II, đồng thời tập hợp các nước này thành liên minh quân sự chống Liên Xô và các nước Đông Âu.
- Tháng 4/1949, Mĩ lập ra khối NATO. Đây là liên minh quân sự lớn nhất của các nước Tư bản chủ nghĩa do Mĩ cầm đầu nhằm chống lại Liên Xô và các nước Đông Âu.
b. Về phía Liên Xô
- Tháng 1/1949, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) để hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế, khoa học kĩ thuật giữa các nước XHCN và chống lại ảnh hưởng của kế hoạch Macsan của Mĩ.
- Tháng 5/1955, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Tổ chức hiệp ước VACSAVA, là liên minh chính trị - quân sự của các nước XHCN ở châu Âu nhằm chống lại sự đe dọa của khối NATO của Mĩ.
Như vậy, với việc ra đời khối NATO và tổ chức VACSAVA đã đánh dấu sự đối đầu hai cực, hai phe và chiến tranh lạnh nổ ra bao trùm toàn thế giới.
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/
3. Hậu quả của chiến tranh lạnh
- Chiến tranh lạnh dẫn tới chạy đua vũ trang vô tận và tình trạng đối đầu nguy hiểm giữa hai khối NATO và VACSAVA.
- Làm cho các mối quan hệ quốc tế luôn căng thẳng và phức tạp.
4. Vì sao Mĩ và Liên Xô tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh
- Chiến tranh lạnh kéo dài hơn 40 năm đã làm cho Mĩ và Liên Xô tốn kém, suy giảm nhiều mặt về kinh tế, khoa học kĩ thuật, đặc biệt là vị trí quốc tế của hai cường quốc này bị giảm sút.
- Nhật Bản, Tây Âu sau thời gian khôi phục kinh tế đã vươn lên mạnh trở thành đối thủ cạnh tranh với Liên Xô, Mĩ.
- Sự phát triển của cách mạng khoa học kĩ thuật và sự giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa quốc tế ngày càng rộng rãi. Cuộc cạnh tranh kinh tế mang tính toàn thế giới đòi hỏi phải có cục diện ổn định, đối thoại và hợp tác, đối đầu sẽ không có lợi cho Liên Xô và Mĩ.
- Nền kinh tế Liên Xô lúc này đang lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng, nếu cứ chiến tranh lạnh sẽ không có lợi cho Liên Xô.
ð Từ thực tế trên, Liên Xô và Mĩ chủ trương giảm đối đầu căng thẳng và đi đến chấm dứt chiến tranh lạnh.
5. Chiến tranh lạnh kết thúc như thế nào?
- Tháng 11/1972, theo thỏa thuận Liên Xô-Mĩ, hai nước Cộng hòa dân chủ Đức và Cộng hòa liên bang Đức đã kí kết hiệp định về quan hệ Đông Đức và Tây Đức. Theo đó hai bên tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
- Trong năm 1972, Liên Xô và Mĩ kí thỏa thuận về việc hạn chế vũ khí tiến công chiến lược.
- Tháng 8/1975, 33 nước châu Âu cùng Mĩ và Canađa kí định ước Henxinki khẳng định quan hệ bình đẳng, chủ quyền giữa các quốc gia, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và hợp tác giữa các nước.
- Cũng từ đầu những năm 70, Liên Xô và Mĩ tiến hành nhiều cuộc gặp cấp cao và nhiều văn kiện hợp tác về chính trị, kinh tế, khoa học kĩ thuật và quân sự giữa hai nước được kí kết.
- Tháng 12/1989, Liên Xô và Mĩ tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh.
ð Như vậy với việc Liên Xô và Mĩ tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh, quan hệ quốc tế bước sang thời kì mới: Thời kì “sau chiến tranh lạnh”.
6. Tác động của việc kết thúc chiến tranh lạnh
Quan hệ hợp tác Liên Xô-Mĩ đã dẫn đến những chuyển biến tích cực trong quan hệ quốc tế và cục diện thế giới. Biểu hiện là:
- Quan hệ 5 nước Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc có đổi mới trong đường lối đối ngoại: Từ đối đầu hai cực chuyển sang đối thoại, thương lượng, thỏa hiệp với nhau để giải quyết các vụ tranh chấp xung đột trên thế giới.
- Quan hệ Xô-Trung được cải thiện sau 30 năm căng thẳng (1959-1989).
- Các khối quân sự không còn đối đầu nữa.
- Các vụ tranh chấp xung đột cũng được giải quyết bằng đối thoại hợp tác như xung đột ở Nam Phi, nội chiến ở Angôla, vấn đề Ápganixtan, vấn đề Campuchia, vấn đề Trung Đông…
Câu 7: Xu thế phát triển của lịch sử thế giới sau chiến tranh lạnh.
- Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, đặc biệt là sau 1991, tình hình thế giới có nhiều thay đổi và phát triển theo xu thế sau:
· Trật tự thế giới mới đang dần dần hình thành theo xu hướng “đa cực” với sự vươn lên của các cường quốc Nga, Mĩ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.
· Các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược của mình, tập trung vào phát triển kinh tế để xây dựng sức mạnh của quốc gia mình.
· Mĩ ra sức thiết lập trật tự “một cực”để chi phối, lãnh đạo thế giới.
· Hòa bình thế giới được củng cố nhưng ở nhiều khu vực tình hình vẫn không ổn định với những cuộc nội chiến và xung đột kéo dài.
- Bước sang thế kỉ XXI, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển đang trở thành xu thế chủ đạo trong các quan hệ quốc tế.
Câu 8: Thời cơ, thách thức của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
1. Thời cơ
- WTO là sân chơi toàn cầu, tham gia vào đó sẽ tăng vị thế của Việt Nam trên thế giới, Việt Nam có thị trường toàn cầu để phát triển kinh tế, thương mại và thu hút vốn đầu tư.
- Việt Nam có hệ thống pháp luật minh bạch rõ ràng, dễ dự đoán thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
- Có điều kiện tham gia các chính sách thương mại toàn cầu, các tranh chấp thương mại với Việt Nam được giải quyết tốt hơn.
2. Thách thức
- Thách thức lớn nhất của Việt Nam là phải mở cửa thị trường trong nước, phải chấp nhận cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều thế mạnh.
- Thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan sẽ tác động một phần tới ngân sách, phần đóng góp từ thuế nhập khẩu sẽ giảm.
- Vấn đề cạnh tranh nguồn nhân lực sẽ rất quyết liệt, bảo vệ và sử dụng nguồn nhân lực tài năng sẽ gặp nhiều khó khăn.
ð Xét trên tổng thể của nền kinh tế nước ta, việc gia nhập WTO là một thời cơ lớn và là một sự lựa chọn đúng đắn nên ngày 11/1/2007, Việt Nam gia nhập WTO.
Câu 9: Xu thế toàn cầu hóa.
1. Thế nào là xu thế toàn cầu hóa ?
Toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia và các dân tộc trên thế giới.
2. Biểu hiện của xu thế toàn cầu hóa ?
- Thời gian: Từ đầu những năm 80 của thế kỉ XX, đặc biệt là sau chiến tranh lạnh kết thúc.
- Biểu hiện:
· Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại quốc tế.
· Sự phát triển và tác động to lớn của các công ty xuyên quốc gia.
· Sự sát nhập và hợp nhất của các công ty thành những tập đoàn lớn.
· Sự ra đời của các tổ chức liên kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và khu vực.
3. Mặt tích cực và hạn chế của toàn cầu hóa
a. Tích cực
- Thúc đẩy nhanh sự phát triển và xã hội hóa của lực lượng sản xuất đưa tới sự phát triển cao về kinh tế.
- Làm chuyển biến cơ cấu kinh tế, đòi hỏi phải cải cách sâu rộng nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế.
b. Hạn chế
- Làm trầm trọng bất công xã hội, phân hóa giàu nghèo trong nội bộ từng nước và giữa các nước.
- Làm cho các hoạt động và đời sống của con người kém an toàn hơn, tạo ra nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc và độc lập chủ quyền của các quốc gia.
ð Toàn cầu hóa là thời cơ lịch sử, là cơ hội to lớn cho các nước phát triển mạnh mẽ và cũng là thách thức to lớn với mỗi quốc gia (trong đó có Việt Nam).
4. Vì sao nói toàn cầu hóa là thời cơ, thách thức của các nước đang phát triển?
a. Thời cơ
- Sau chiến tranh lạnh, hòa bình thế giới được củng cố, nguy cơ chiến tranh bị đẩy lùi. Xu thế chung của thế giới là hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển. Toàn cầu hóa nằm trong xu thế đó nên đã giúp các nước đang phát triển môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển.
- Các quốc gia điều chỉnh chiến lược phát triển của mình và lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, tăng cường hợp tác và tham gia vào các liên minh kinh tế khu vực và quốc tế.
- Các nước đang phát triển có điều kiện khai thác các nguồn vốn đầu tư, kĩ thuật, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ bên ngoài, nhất là các tiến bộ về khoa học kĩ thuật để rút ngắn thời gian xây dựng và phát triển của đất nước mình.
b. Thách thức
- Phần lớn các nước đang phát triển đều từ điểm xuất phát thấp về kinh tế, trình độ dân trí thấp và hạn chế nhiều về nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường thế giới và các quan hệ quốc tế còn nhiều bất bình đẳng gây thiệt hại cho các nước đang phát triển.
- Vấn đề sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay nợ, vấn đề giữ gìn bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang đặt ra cho các nước đang phát triển .
III. Kết luận
Trong khi hướng dẫn học sinh ôn tập, tôi không ôn tập từng bài như sách giáo khoa mà tập hợp các kiến thức sách giáo khoa theo chủ đề. Việc soạn giảng và hướng dẫn học sinh ôn tập theo chủ đề, học sinh đã hiểu bài nhanh hơn, tập hợp kiến thức hệ thống hơn, học sinh đạt kết quả cao trong các kì thi, nhất là các kì thi học sinh giỏi các cấp trong những năm gần đây. Từ thực tế này, tôi tiếp tục soạn giảng và hướng dẫn học sinh ôn tập theo các chủ đề tiếp theo của chương trình Lịch sử lớp 12 để tạo ra kết quả tốt nhất cho học sinh khi ôn tập môn lịch sử
Tài liệu được chia sẻ miễn phí tại: https://www.dvtuan.com/