Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi Địa lí - Chuyên đề địa hình Việt Nam

 

Chia sẻ tới quý thầy cô và các bạn học sinh Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi Địa lí - Chuyên đề địa hình. 

Đây là tài liệu có định dạng word, là tài liệu tham khảo cho việc soạn giảng, ôn thi học sinh giỏi địa lí lớp 10 và 12.

I. Đặc điểm chung của địa hình Việt Nam

1. Đồi núi chiếm phần lớn diện tích nhưng chủ yếu là đồi núi thấp

Đồi núi là bộ phận quan trọng nhất của địa hình Việt Nam, tính quan trọng của nó thể hiện ở tỉ lệ diện tích so với toàn lãnh thổ, ở tính đồ sộ và sự liên tục từ bắc đến nam, về tác động của nó đến dải đồng bằng ven biển và bờ biển. Chính vì vậy đất nước nhiều đồi núi là một đặc điểm quan trọng của tự nhiên Việt Nam và nó chi phối đến nhiều thành phần tự nhiên khác.

Trên đất liền, đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ, phần còn lại là đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích lãnh thổ.

 Đồi núi tạo thành biên giới tự nhiên bao quanh phía  bắc và phía tây tổ quốc, từ biên giới Việt Trung đến cực nam Trung Bộ, dài hơn 1400km. Nhiều nơi các dãy núi lan ra sát biển chia cắt đồng bằng thành các dải nhỏ hẹp. Các đồng bằng ở nước ta cũng được hình thành trên các miền đồi núi sụt võng, tách dãn, được phù sa bồi tụ mà thành. Vì thế hiện trên các đồng bằng còn tồn tại nhiều núi sót nhô cao như núi Voi (Hải Phòng), Thất Sơn (An Giang) Hòn Đất(Kiên Giang)….tạo nên những thắng cảnh đẹp.

Trên biển, đồi núi bị chìm ngập tạo thành các đảo, quần đảo, vịnh biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng, các đảo ở ngoài khơi Trung Bộ như Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lí Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý  (Bình Thuận)…

Mặc dù đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích nhưng chủ yếu là đồi núi thấp, đồi núi thấp chiếm hơn 60% diện tích. Nếu kể cả đồng bằng thì địa hình thấp dưới 1000m chiếm tới 85% diện tích. Địa hình cao trên 2000m chỉ chiếm 1% diện tích.

2. Cấu trúc địa hình đa dạng

a) Cấu trúc địa hình Việt Nam là cấu trúc cổ được tân kiến tạo làm trẻ lại

Cấu trúc cổ của địa hình Việt Nam thể hiện ở chỗ phần lớn là địa hình đồi núi thấp, có nhiều bề mặt bán bình nguyên cổ, nhiều nơi nham cổ lộ trên mặt. Các nền móng cổ cũng chi phối hướng địa hình hiện tại.

Quy luật này thể hiện ở hướng vòng cung của các nếp núi bao quanh khối vòm sông Chảy, hướng tây bắc – đông nam ở vùng núi Tây Bắc, Trường Sơn Bắc do phát triển trên mảng nền cổ Hoàng Liên Sơn, Pu Hoạt.

Sau giai đoạn cổ kiến tạo, phần lớn các miền đồi núi đã được hình thành, sau đó các hoạt động ngoại lực đã làm cho địa hình đồi núi cổ bị san bằng, hạ thấp. Sang giai đoạn tân kiến tạo, do chịu ảnh hưởng của các vận động tạo núi Tân sinh nên các vùng núi cổ, các nền móng cũ được nâng cao, kết hợp với các hoạt động ngoại lực đã cắt xẻ bề mặt các bán bình nguyên cổ để tạo nên những khe sâu, những sườn núi dốc đứng hiện nay.

Vì thế núi ở Việt Nam không phải là núi uốn nếp trẻ của vận động tạo núi Himalaya mà chủ yếu là kết quả của sự cắt xẻ bề mặt bán bình nguyên cổ theo nhiều bậc của ngoại lực.

b) Địa hình có tính phân bậc rõ rệt, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam

Do vận động tân kiến tạo diễn ra không liên tục, chia thành nhiều đợt với những pha nâng lên và pha yên tĩnh xen kẽ nên địa hình có tính phân bậc rõ rệt. Các bậc địa hình được nhận biết chủ yếu qua độ cao của các đỉnh núi thuộc cùng một bậc vì chúng là di tích của một bề mặt san bằng cổ. Địa hình có hướng nghiêng tây bắc – đông nam thấp dần ra biển.

Từ cao xuống thấp thường gặp các bậc địa hình chính như:

- Các đỉnh núi cao trên 2500m chiếm diện tích rất nhỏ, chủ yếu là các đỉnh núi cao nằm đơn lẻ, phân bố ở dãy Hoàng Liên Sơn.

- Bậc địa hình cao 2100 – 2200m tập trung chủ yếu ở vùng núi cao Tây Bắc, Việt Bắc, khối núi Kon Tum.

- Bậc địa hình 1500 – 1800m thường gặp ở các cao nguyên Đồng Văn, Bắc Hà, vùng núi Sa Pa, Đà Lạt…

- Bậc địa hình 1000 – 1400m phổ biến ở vùng núi phía Bắc, Trường Sơn Bắc, Tây Nguyên.

- Bậc địa hình 600 – 9000m tiêu biểu cho vùng vúi thấp, tập trung ở vùng núi phía Bắc và các cao nguyên ba dan ở Tây Nguyên.

- Bậc địa hình từ 200 – 600m gồm các núi, đồi, dãy đồi có diện tích lớn nhất ở nước ta và phân bố rộng khắp ở trung du Bắc Bộ, các vùng đồi núi thấp ở Trung Bộ và nam Tây Nguyên đến đồng bằng Nam Bộ.

- Bậc địa hình cao 25 – 100m là các vùng đồi gò thấp, phần lớn là các bậc thềm phù sa có tuổi Đệ Tứ ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ.

- Bậc địa hình thấp dưới 15m là các bậc thềm sông và thềm biển hiện đại.

c) Cấu trúc địa hình gồm 2 hướng chính

Hướng tây bắc đông nam chiếm ưu thế thể hiện rõ ở vùng núi Tây Bắc, vùng núi Trường Sơn Bắc. Các dãy núi lớn, các dòng sông lớn của nước ta cũng có hướng tây bắc đông nam như dãy Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn Bắc, Pu Đen Đinh, đứt gãy sông Hồng, sông Cả, sông Mã…

Hướng vòng cung thể hiện rõ rệt ở vùng núi Đông Bắc, với 4 cánh cung lớn, vùng Trường Sơn Nam, các dòng sông hướng vòng cung men theo các dãy núi như sông Cầu, sông Thương,…

3. Địa hình mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa

- Xâm thực mạnh ở miền núi

+ Trên các sườn dốc mất lớp phủ thực vật, bề mặt địa hình bị cắt xẻ, đất bị xói mòn, rửa trôi, nhiều nơi trơ sỏi đá; khi mưa lớn xảy ra hiện tượng đất trượt, đá lở.

+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa thúc đẩy nhanh tốc độ hòa tan và phá hủy đá vôi tạo thành địa hình caxto với các hang động ngầm, suối cạn, thung khô,…

+ Tại các vùng thềm phù sa cổ địa hình bị chia cắt thành các đồi thấp xen các thung lũng rộng.

- Bồi tụ nhanh ở đồng bằng

+ Hệ quả của quá trình xâm thực, bào mòn mạnh bề mặt địa hình ở miền núi là sự bồi tụ, mở mang nhanh chóng đồng bằng ở hạ lưu. Rìa phía đông nam đồng bằng châu thổ sông Hồng và phía tây nam đồng bằng châu thổ sông Cửu Long hàng năm vẫn lấn ra biển từ vài chục đến gần trăm mét.

+ Địa hình có lớp vỏ phong hóa dày, làm địa hình vùng đồi núi thấp ở nước ta có dạng địa hình mềm mại

4. Địa hình chịu tác động mạnh mẽ bởi con người

Địa hình bề mặt đất là nơi cư trú và diễn ra mọi hoạt động của con người. Chính vì vậy, địa hình luôn chịu tác động mạnh mẽ bởi con người và có những biến đổi rõ rệt.

- Tác động tích cực: Trồng rừng, trồng cây làm tăng độ che phủ bảo vệ lớp vỏ phong hóa và đất; chống xâm thực, bóc mòn; chắn gió, chống sự di chuyển của cát. Làm ruộng bậc thang, canh tác theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn nơi sườn dốc. Đắp đê, san lấp vùng trũng, lấn biển để bảo vệ đồng ruộng và mở rộng diện tích. Xây dựng các công trình kĩ thuật để khắc phục những trở ngại về địa hình núi (xây dựng cầu, đường, hầm) hoặc khai thác tổng hợp nhiều mục đích…

- Tác động tiêu cực: Tàn phá rừng; Khai thác khoáng sản bừa bãi làm phá hủy bề mặt địa hình; Canh tác không hợp lí làm tăng xói mòn, mất đất.

II. Các kiểu địa hình ở Việt Nam

Căn cứ vào đặc điểm hình thái có thể phân biệt địa hình nước ta thành các kiểu hình thánh địa hình chính như núi, cao nguyên, đồi và đồng bằng.

...

Nguồn: Sưu tầm

Link tải miễn phí bản word full: Tải xuống


Previous Post Next Post